TRƯỞNG THÀNH LÀ CHO BẢN THÂN CƠ HỘI MẮC SAI LẦM

Rất nhiều người trong chúng ta bắt đầu ngày mới bằng khuôn mặt cau có để đối đầu với ngàn lẻ một vấn đề nan giải và mơ tưởng về “khát khao thành công” trong thế giới này. Thử dành chút thì giờ ngẫm nghĩ, bạn có bao giờ thấy sống như thế rất mệt mỏi không?

Những lúc cảm thấy vậy, chúng ta nên học hỏi cách những đứa trẻ đối diện với cuộc sống.

Khi còn bé, thế giới này là sân chơi của bạn và tất cả những gì bạn muốn làm là vui đùa, tận hưởng và thậm chí là thoải mái làm bừa bộn mọi thứ. Đôi khi bạn khóc toáng lên, nhưng việc lấy lại tinh thần đối với bạn rất dễ dàng.

Càng trưởng thành, bạn càng trở nên nghiêm túc hơn. Có biết bao vấn đề nghiêm trọng cần phải xem xét và dường như việc tận hưởng niềm vui và chơi đùa thoải mái không còn quan trọng bằng những mối bận tâm trên nữa.

Bỗng một ngày, bạn nhận ra mình đã trở thành người lớn thật rồi. Giờ đây, niềm vui chỉ là thứ yếu so với việc sống một cuộc sống nghiêm túc và có trách nhiệm.

Nếu bạn quan sát xung quanh, việc trở thành người lớn được định nghĩa bằng sự thấu hiểu rằng sống không đơn thuần là tận hưởng niềm vui cùng hạnh phúc.

???? Căn nguyên của nhiều nỗi ưu phiền chính là những suy nghĩ cố định, đóng khung về cuộc sống và chính mình.

Có lẽ, việc cứng nhắc như bức tường gạch không phải là dấu hiệu của sự trưởng thành.

Chăm chăm giữ vững lập trường, mãi mãi chỉ nhìn nhận cuộc sống qua một chiều chưa chắc là bước phát triển cao hơn. Ngược lại, nó có thể là sự hạn chế. Thay vì lớn lên, chúng ta lại đang trói mình vào trong kén, ngày càng xây thêm nhiều lớp niềm tin vững chắc như thành lũy.

Nhưng tin tốt là, trong mỗi cái kén luôn tiềm tàng khả năng biến thành bướm. Thế nên, không bao giờ là muộn để phá vỡ lớp vỏ cứng nhắc và đón nhận cuộc sống, gạt bỏ bức tường sợ hãi được xây từ những giả định chưa từng được thách thức.

Lúc còn bé, bạn đã từng nhìn hết người lớn này đến người lớn khác và tự hỏi: “Sao họ khổ sở thế nhỉ? Sao cứ như cuộc sống là gánh nặng vậy?”. Giờ thì chính bạn đã là người lớn, và có lẽ bạn cũng nhận ra rằng, thật dễ dàng bị cuốn vào guồng quay vất vả của cuộc sống.

Hơn nữa, người lớn rất dễ tin vào những điều nhảm nhí mình tự thêu dệt.

Tất nhiên, trưởng thành không đồng nghĩa với việc ăn kẹo cả ngày, chơi bời, và chẳng bao giờ chịu ăn rau xanh. Đấy có thể là ý tưởng về cuộc sống hoàn hảo của một đứa trẻ, nhưng không phải của người lớn. Dù khao khát bao nhiêu đi chăng nữa, có những thứ chúng ta buộc phải gạt bỏ khi trưởng thành.

Ta tin rằng việc có những niềm tin, tín ngưỡng, quan điểm và góc nhìn vững chắc là dấu hiệu của sự trưởng thành. Nhưng ranh giới giữa trưởng thành và cứng nhắc không xa. Cứ khăng khăng giữ lấy những quan niệm tâm đắc của mình mà không chịu phát triển chỉ khiến ta mãi dậm chân tại chỗ.

Ta tin rằng ta phải sống thế này và phải làm thế kia. Ta tin rằng tất cả vấn đề của mình đều vô cùng quan trọng và đáng được quan tâm lo lắng. Ta tin rằng mình phải hiểu rõ mọi thứ trước khi thư giãn và trở về với phiên bản thật của chính mình.

Ta nghiêm túc với cuộc sống và muốn cho cuộc sống thấy ta nghiêm túc với nó.

???? Nhưng cuộc sống đáp lại thế nào?

Nó biến ta thành kẻ ngốc nghếch trong vở hài kịch. Nó hoàn toàn không coi trọng ta và những vấn đề của ta.

Trẻ em tưởng tượng mình trong nhiều tình huống khi chơi đùa. Nhưng chúng biết rằng đó chỉ là trò chơi, và chúng sẽ ngừng tưởng tượng khi chơi xong. Ngược lại, ta mang những câu chuyện tưởng tượng ấy về nhà và than thở về chúng.

Bạn còn nhớ mình chơi trò chơi với bạn bè hay anh chị em không?

Bạn muốn thắng. Bạn nghiêm túc và nhập tâm hoàn toàn. Nhưng trong tất cả sự nghiêm túc ấy, bạn biết: Bạn chỉ đang chơi trò chơi thôi.

Mọi thứ có thể dường như nghiêm trọng khủng khiếp vào lúc này, nhưng thực ra, tầm quan trọng ta gắn cho mọi thứ đều là do ta tự phóng chiếu ra.

Gắn quá nhiều tầm quan trọng lên mọi thứ không giúp ta trở thành người tốt hơn. Nó chỉ khiến ta mất đi rất nhiều sự bình yên trong tâm trí.

Một số người nghe thông điệp này cảm thấy sợ hãi rằng họ phải từ bỏ cả cuộc đời mình. Nhưng điều chúng ta đang nói đến chủ yếu là một sự thay đổi bên trong.

Nếu bạn không muốn thay đổi gì về cuộc sống, không sao cả.

Hãy tưởng tượng bạn tiếp tục sống như hiện tại mà không cần sự coi trọng mọi thứ thái quá và những lo lắng, căng thẳng, muộn phiền đi kèm. Và nếu chẳng may mắc sai lầm, đó cũng không phải điều gì quá tệ đối với bạn cả.

Chẳng phải mọi thứ sẽ vẫn diễn ra tốt đẹp, thậm chí có thể tốt hơn hay sao?

Nếu bạn đang quá nghiêm túc với cuộc sống, thì có lẽ bạn đã quên mất rằng bạn đang chơi một trò chơi.

Bạn có đang vui không? Nếu không, hãy nhìn xung quanh.

Bạn đang chơi loại trò chơi nào? Tại sao bạn chơi một trò chơi mà bạn không thích? Bạn đã vô tình gán mình vào những luật lệ nào?

Nếu muốn, hãy chơi một trò chơi khác. Bắt đầu ngay bây giờ.

Chất vấn những luật lệ. Chất vấn những thứ bạn tin là bất di bất dịch. Chất vấn bạn là ai. Chất vấn mọi thứ.

Trước khi bạn nói gì, không coi trọng cuộc sống không có nghĩa là bạn nên trở thành kẻ vô tích sự hay bỗng nhiên tất cả trách nhiệm của bạn biến mất.

Nó đơn giản chỉ là hãy ngừng coi cuộc sống nghiêm trọng đến mức đó.

Sống vô tư hơn không chỉ là cách sống dễ chịu hơn mà bạn sẽ thấy mọi thứ có xu hướng tự lo liệu cho mình khi bạn thư giãn (Và tôi gần như chắc chắn tất cả chúng ta đều đã trải nghiệm về điều này).

Tuy nhiên, điều này nói dễ hơn làm. Nhưng bạn có thể bắt đầu với bước đơn giản tương tự như sau:

Hãy dành khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để tự hỏi:

– Mình đang nghiêm túc với điều gì?

– Tầm quan trọng của điều đó thực sự có lớn hay không?

– Liệu mình có thể buông bỏ sự nghiêm túc đó mà vẫn sống một cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn?

Những câu hỏi này sẽ giúp bạn bắt đầu quá trình chuyển đổi và hướng tới việc tận hưởng cuộc sống bình yên hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *