Mình đang học lịch sử La Mã thời Augustus và bắt gặp thuật ngữ Thái bình thịnh thế La Mã. Theo những gì mình tìm kiếm được, đây là một thời kỳ thái bình. Nhưng mình không hiểu tại sao nó quan trọng đến thế?
Thái bình thịnh thế La Mã hay được coi là thời kỳ thái bình nhất trong cổ sử. Tại sao nó lại quan trọng ư? Bằng việc trả lời câu hỏi tại sao nó lại thái bình đến thế, bạn có thể thấy được tầm vóc vĩ đại của đế quốc La Mã. Họ đã hoàn toàn chế ngự mọi mối đe dọa đến đế quốc trong những năm về trước và giờ đây không có kẻ thù thực nào.
Vậy tại sao La Mã không gây chiến liên miên nếu họ thống trị đến thế? Sự bành trướng chậm đi của La Mã vào thời này đã cho thấy những gì họ đã đạt được, một nền kinh tế phồn thịnh, quyền kiểm soát vùng Địa Trung Hải và giao thương với châu Á, cũng như có nguồn cung lúa gạo bao la từ châu Phi. Do đó, không tồn tại nhu cầu thật sự nào khác, họa chăng chỉ có tướng lĩnh nào đấy muốn thanh danh cho bản thân rồi đi chinh phục thêm đất đai nhân danh đế quốc. La Mã đã có mọi thứ nó cần.
Việc có ít cuộc dấy loạn ở các vùng đất đã chiếm cho thấy rằng những nơi đó được quản trị bài bản và dân chúng ở các vùng đấy đã chấp nhận rằng họ là một phần của đế quốc La Mã, đây là điều đã làm khó hầu hết các đế quốc ham bành trướng (và thực vậy, nó trổ thành vấn đề cho La Mã vào cuối thế kỷ II).
Cũng nên đề cập rằng thời kỳ thái bình này được duy trì bởi một vài trong số những nhà cai trị vĩ đại nhất, tuy cũng có một số hôn quân (đặc biệt là Caligula) nhưng những công quả trước sau đã giúp cố kết chính quyền La Mã. Khi La Mã có hòa bình, sẽ khó có một tướng lĩnh lăm le tự phong hoàng đế và kích động nội chiến hơn, tạo cơ hội cho các bộ lạc man di lấy lại những vùng miên viễn.
Hadrian và Trajan cũng giúp duy trì thời bình, Trajan đã dập tắt tình trạng bạo động quanh vùng biên giới trước khi nó thành vấn đề, rồi Hadrian buông bỏ một phần đất biên viễn để có một cương vực an toàn hơn.
Dài quá không đọc: Thời thái bình này cho thấy rằng La Mã đã thống trị các mối họa ngoại xâm, nội trị và giao thương ở châu Âu.
Dịch bởi Phan Tại Tính Trí
Edited by https:rvnincnet
Bằng cách nào mà Augustus Caesar đạt được Thái bình thịnh thế La Mã sau Trận Actium?
Về Thái bình thịnh thế La Mã, ý mình là một thời kỳ thái bình kéo dài khoảng 200 năm. Mình biết là ông đã thắng trận, nhưng sau đó ông làm gì?
Mình đã ngâm giấm bài đăng này một thời gian, cố để tìm một góc nhìn hay. Tuy nhiên, câu hỏi này quá rộng, rất khó để tổng kết chỉ trong một bình luận. Mình nghĩ cách tốt nhất là giúp bạn tìm được những gì vốn chưa biết.
Mình đề xuất đọc Res Gestae Divi Augusti trước khi đọc hết bình luận này. Nó sẽ cho bạn một cái nhìn sâu sắc về Augustus là ai, và ông ta đã làm gì trong đời, sách này do chính ông soạn thảo.
AUGUSTUS
Hiển nhiên, ông là người đã khởi xướng, nhưng lại không phải người bắt đầu thời thịnh trị này. Người ta còn có thể lý luận rằng mọi việc bắt đầu từ 100 năm trước ngày ông lên ngôi hoàng đế, từ anh em Gracchi. Tuy nhiên, như thế thì hơi thổi phồng tiến trình sự kiện. Thay vào đó, hãy xét Caesar một chút. Ông là người đã hiểu được quyền lực chân chính của La Mã không nằm ở viện nguyên lão, mà ở người dân. Do đó, những chính sách của ông thường mang lợi cho bản thân thành phố và cư dân của nó, thay vì nền quý tộc trị (như Pompey đã làm).
Sau cái chết của Caesar là một cuộc nội chiến, rốt cuộc dẫn đến Trận Philippi và Trận Actium. Một trong những điều thực sự quan trọng sau cái chết của Caesar là sự hình thành Đệ nhị Tam đầu chế [Second Triumvirate]. Tầm quan trọng của việc này không phải là nhóm Marcus Antonius và Octavian lại với nhau, mà là bản thân mục đích của tam đầu chế ấy. Caesar là một người được lòng dân, cái chết của ông đã gieo rắc bạo loạn. Hãy nhắc đến những lời của chính Augustus về những gì ông (họ) đã làm:
Ta đã lưu đày những kẻ sát hại thân phụ ta, trừng phạt tội ác của chúng một cách thượng tôn pháp luật, và sau đó, khi chúng gây chiến với nền cộng hòa, ta đã đánh cho chúng hai lần bại trận.
Ông không đơn giản là sát hại tất cả những người tham gia vào vụ ám hại Caesar (đúng ra là ông đã làm thế, nhưng ban tuyên giáo không nói vậy). Thay vào đó, ông vạch ra quá trình xử án để nó tuân theo luật định, khiến ông trông công tư phân minh và đám sát nhân trông tệ hơn cả. Bằng điều này và việc đấu tranh cho người dân, ông đã được lòng dân.
Cũng có một số sự kiện diễn ra sau Trận Philippi (khi Brutus và Cassius mất) và Trận Actium mà không thể bỏ qua, nhưng bạn có thể đọc về chúng trong Res Gestae. Điều quan trọng ở đây là Octavian là người đã dành chiến thắng chung cuộc, không phải Marcus Antonius. Chỉ vài năm trước Trận Actium, Antonius còn dẫn đầu trong cuộc đua quyền lực (trừ việc Caesar nhận Octavian làm con nuôi). Gã có nhiều kinh nghiệm hơn và nổi tiếng hơn.
Qua Dio Cassius, chúng ta cũng biết đến một diễn văn của Maecenas, cố vấn của Augustus, trong đó, ông gián nghị Augustus cách để cai trị đế quốc. Đây là một diễn văn dài, xin trích vài đoạn ngắn:
“Về thần dân của ngài, theo thần, ngài nên tự cư xử đúng mực. Về bản thân ngài, đừng dung dưỡng bất kỳ sự biệt đãi ngoại lệ hay hoang phí nào cho bản thân, bằng lời nói hay hành động, đến từ viện nguyên lão hay bất kỳ ai khác” (Dio 52.35.1)
“Đức hạnh là thứ nâng nhiều người đến cấp độ thần thánh, không người nào hóa thần nhờ dân bầu. Do đó, nếu ngài là một người ngay thẳng và một vị vua đáng kính, toàn cõi trần sẽ là cương vực thiêng liêng của ngài, mọi thành phố sẽ là đền thờ của ngài, và mọi con người sẽ là tượng thờ ngài, vì trong tư tưởng của họ, ngài sẽ mãi mãi được thờ phượng và tôn vinh” (Dio 52.35.5)
“Trái lại, với những kẻ cai quản cõi giới của mình theo bất kỳ cách nào khác, niềm vinh dự ấy không chỉ không mang lại cho chúng hào quang thiêng liêng, tuy chúng được lập điện thờ ở mọi thành phố sở hữu, mà còn mang lại sự sỉ nhục lớn hơn cả, trở thành giải thưởng cho tính hèn hạ và kỷ niệm chương cho sự bất công của chúng, như bản chất của nó là vậy; những điện thờ đó càng sống dai thì ký ức về ô danh của chúng càng vãn vọng” (Dio 52.35.6)
Như bạn thấy, về bản chất, ông cố vấn Augustus (của quá khứ) không lạm quyền. Trở thành người mà ông hoàng luôn đề xướng – princeps, đệ nhất công dân trong dân chúng. Tất nhiên, ông cũng là pater patriae (cha già đất nước), ít nhiều cũng như nhau vào hồi kết. Ông không đứng trên muôn nhà, mà chỉ là công dân thứ nhất mà thôi. Với người La Mã, điều này rất quan trọng – họ ghét vua chúa. Xuyên suốt thời kỳ cai trị, Augustus luôn đảm bảo dân chúng coi ông là princeps, thay vì bậc đế vương.
Câu cuối thực chất có thể được diễn giải dưới dạng bôi nhọ Marcus Antonius, vì một trong những việc hắn làm ở mạn phía Đông là lập nên các đền đài miếu mạo thờ bản thân. ngoài ra, mình cũng thấy rằng câu trả lời đang trở nên quá dài, nên mình sẽ cố tóm gọn các phần sau.
TRIỀU ĐẠI JULIO-CLAUDII
Triều đại này tất nhiên là khởi nguồn từ Augustus, nhưng bản thân nó cũng rất nổi tiếng. Tiberius không muốn được coi là giỏi như Augustus và nhìn chung là cai trị một cách khiêm cung. Caligula thường được coi là một hoàng đế tồi tệ hoặc điên rồ, nhưng điều này không thực đúng. Điều đã khắc họa nên bức tranh đấy là những công trình như kiến giải của Suetonius về những hành động của ông – hầu hết đều hơi cực đoan. Theo mình, lỗi lầm lớn nhất của Caligula là không đi theo những lời khuyên từ thời Augustus (phía trên).
Theo sau là Claudius và Nero, ai cũng có sai lầm riêng, nhưng nhìn chung là giữ được đế quốc vận hành theo đúng tiềm lực. Điều gây tranh cãi nhất về Claudius mà mình biết là một ngôi đền ở Anh, được lập nên trước khi ông băng hà, hơi lạ. Nero có thể đã phát hỏa La Mã hoặc không, chỉ có những tin đồn xác nhận thế.
TRIỀU ĐẠI FLAVIA
Vespasianus là một tướng lĩnh tài đức vẹn toàn khi vươn đến quyền lực sau “nhất niên tứ đế” [Year of Four Emperors, mình phỏng theo “tứ nguyệt tam vương” của nhà mình] vào 69 CN. Như vậy, ông vốn đã được lòng dân ở một số nơi, và tiếp tục như thế. Con ông, Titus, cùng trị vì trong một thời gian và họ đều đã khởi công Đấu trường La Mã. Buồn thay, Vespasianus qua đời không lâu trước khi Đấu trường hoàn thành và Titus mất sau mới 2 năm cai trị. Dù vậy, có vẻ như thế là đủ để lòng tôn kính triều đại Flavia nặng hơn hành vi của Domitianus trong 25 năm, ông bị ám sát vào cuối.
NGŨ HIỀN ĐẾ
Năm vị Nerva, Trajanus, Hadrianus, Antoninus Pius và Marcus Aurelius được gọi là hiền đế [Good Emperor] là có lý do. Trong thời cai trị của họ, đế quốc đạt đỉnh cao về phú quý và phồn vinh. Nerva kế vị hoàng đế từ Domitianus, người đã cai trị trong thời gian dài và rất bị ghét bỏ. Trong thời Trajanus, đế quốc bành trướng nhiều nhất tự cổ chí kim. (Antoninus) Pius có nghĩa đen là ‘nhiều bổn phận’. Marcus Aurelius nổi danh là hoàng đế duy nhất không muốn tham chiến, nhưng ông đã dành hết cuộc đời để bảo vệ bờ cõi La Mã.
Dài quá không đọc: Mọi hoàng đế trong những năm này đều rất được lòng dân. Họ đều quan tâm đến dân chúng, thay vì si mê đế quyền. Có nhiều thứ để nói nữa, bao gồm các thành tựu và tính vượt trội về quân sự, nguồn cung thường trực về tài nguyên (nô lệ, của cải, tài nguyên thiên nhiên), tôn giáo, vân vân.
[1] Cassius Dio, Roman History
[2] Về những lời tuyên truyền về Augustus, hãy đọc The Power of Images in the Age of Augustus của Paul Zanker.
Dịch bởi Phan Tại Tính Trí
Edited by https:rvnincnet
Các sử gia đã nhìn nhận như thế nào về những thời kỳ được gọi là “Thái bình thịnh thế” [Pax] như Americana [Hoa Kỳ], Romana [La Mã], Mongolia [Mông Cổ], Britannica [Anh], vv?
Tuần trước, mình đã đọc một bài báo trên Telegraph bởi Ian Bremmer. Về cơ bản, tác giả tranh luận rằng Thái bình thịnh thế Hoa Kỳ đã hoặc đang kết thúc. Vậy các sử gia đã nhìn nhận như thế nào về những thời kỳ được gọi là “Thái bình thịnh thế”? Những thời kỳ này thường kết thúc như thế nào và tại sao?
Mình không thể nói chi tiết về Mongolia, Britannica hay Americana, nhưng có thể nói về Pax Romana.
Vấn đề chính trong việc so sánh toàn bộ “thái bình thịnh thế” riêng biệt này là chúng khác nhau về thời gian, xã hội, khái niệm chiến tranh và quân sự, cùng với tần suất chiến sự. Và không thực sự có thời kỳ nào hoàn toàn khuyết đi chiến tranh và xung đột.
Thái bình thịnh trị La Mã không phải cái thời không có chiến tranh, mà lại có rất nhiều, như nội chiến 68-69 và nhất niên tứ đế, cuộc dấy loạn Bar Kokhba, các cuộc chiến tranh La Mã-Parthia, Dacia và nội chiến mà đã kết thúc triều đại Nerva-Antonine. Nói tóm gọn là Thái bình thịnh trị La Mã là cái thời ít chiến tranh thường xuyên hơn trước và sau đấy, chẳng hạn trong thời Cộng hòa, chiến tranh diễn ra gần như liên miên.
Tuy nhiên, đây là một triệu chứng của nhiều vấn đề xã hội và kinh tế, điển hình trong số đó là nhu cầu của cải và thanh thế xã hội. Giới tinh hoa xã hội La Mã cần một lưu lượng trận chiến và vinh quang ổn định để vừa nuôi sống quốc khố và thế gia vọng tộc [patrician], vừa có nguồn cung ổn định lực lượng trẻ tuổi quý tộc dạn dày trận mạc để thăng tiến trong quan lộ. Trong thời Đế quốc, những áp lực xã hội này được giải tỏa, vì hoàng đế trở thành chấp chính quan [consul] và hộ dân quan [tribune] trọn đời. Các cuộc chinh phạt quân sự nhằm thu lợi bắt đầu bị gạt sang bên, nhường chỗ cho giao thương về xa xỉ phẩm và thực phẩm trong nền kinh tế của La Mã. Tuy nhiên, các trận đánh vẫn cực kỳ quan trọng với từng tướng lĩnh và bản thân nhà nước.
Theo một nghĩa nào đó, Augustus đã thống nhất đế quốc chinh phạt được của ông, nâng cao sự bền vững và giao thương với các lãnh thổ và tỉnh thành của La Mã. Bản thân thời kỳ đấy kết thúc khi tính ổn định của La Mã trở nên đáng ngờ, hậu quả từ cuộc khủng hoảng vào thế kỷ III và sự khuyết thiếu một thẩm quyền trung ương ổn định.
Thái bình thịnh trị La Mã là cái thời mà không có một cường quốc nào đủ năng lực để phản công Đế quốc La Mã một cách trầm trọng như Carthage, cho phép họ tập trung vào giao thương và phát triển sự phồn thịnh. Điều này cũng sinh ra một quan cảnh cố kết hơn cho đế quốc, vì các lãnh thổ từng bị xâm chiếm đã sáp nhập vào đơn vị xã hội La Mã gắn kết hơn. Về hiệu quả, Thái bình thịnh trị La Mã đã phú cho La Mã thời gian tập trung vào sự tăng trưởng xã hội và kinh tế, thay vì bành trướng lãnh thổ.
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế là yếu tố bảo thủ, đề xướng các luân lý truyền thống với vai trò đại lộ dẫn đến sự vĩ đại chân chính, cái nhìn tập trung vào lịch sử võ dũng của nền cộng hòa La Mã, không như thời đế quốc đã khinh thị việc tích lũy tiền tài và xa xỉ phẩm là suy đồi.
Hồi kết của thời thịnh trị này là khi tính ổn định ấy tan vỡ và không có một dòng tộc mạnh mẽ nào được như nhà Flavia, Nerva-Antonine và Severus.
Tuy việc so sánh các thời kỳ đế quốc là khó khăn, chủ đề xuyên suốt là thiếu vắng một kẻ thù một chín một mười có khả năng và tham vọng đấu tranh dành ngôi chúa tể. Mọi thịnh thế đều đến sau khi đế quốc đã củng cố nền cai trị sau khi mọi kẻ thù chủ yếu đã bị tiêu diệt: sau khi người Mông Cổ triệt hạ gần hết châu Á, khi người La Mã triệt hạ Carthage và Augustus diệt trừ Marcus Antonius và mang lại thẩm quyền chính trị tập quyền bền vững, khi Anh và liên hiệp triệt hạ nước Pháp thời Napoleon, và khi Đức quốc xã bị tiêu diệt và đế quyền châu Âu trút hơi thở cuối cùng.
Sự kết thúc thời bình thường đến từ tính bất ổn chính trị, hoặc một nhà nước đối địch hùng mạnh hơn rốt cuộc soán đoạt bá quyền của nhà nước chính: sự khủng hoàng của La Mã vào thế kỷ thứ III, sự suy vong của đế chế Mông Cổ do thiếu vắng một thẩm quyền trung ương hữu hiệu và sự đồng quy vu tận của các đế quyền châu Âu vào hai thời Thế chiến.
Mình sẽ không suy đoán về hồi kết của Pax Americana, vì nó chưa kết thúc, nhưng bầu không khí chính trị quốc tế đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều sau cái kết của Chiến tranh Lạnh.
Coinage and Identity in the Roman Provinces, edited by Christopher Howgego, Volker Heuchert and Andrew Burnett
Pliny the Elder: Natural Histories
Imperial Ideology and Provincial Loyalty in the Roman Empire By Clifford.