Tại sao môn lịch sử bị mang tiếng là nhàm chán (theo ý kiến chủ lưu)?

Trước tiên, mình nghĩ gốc rễ của vấn đề không nằm ở lịch sử, mà với lớp học lịch sử, đến cả mình là một con mọt sử cũng không thể thấm nổi (nó tệ hơn bất kỳ môn học nào ở trường mình):
Luận điểm 1: Một vấn đề là chương trình giảng dạy lịch sử giống như một quầy băng chuyền sushi vậy, họ dạy kiểu nhặt nhạnh lẻ tẻ, rồi trước khi bạn hiểu được bức tranh toàn cảnh, họ bắt đầu dạy sang chủ đề tiếp theo, điều này khiến người ta không thể nhìn tổng quan bao quát và bị mơ hồ, thờ ơ. Chẳng hạn, có thể họ sẽ dạy về Julius Caesar và những cuộc chinh phạt, mà không nói về những cuộc chiến tranh Punic hay nền Cộng hòa La Mã, điều này cản trở người ta đầu tư quỹ thời gian vào câu chuyện, vì họ chưa hiểu được hay quan tâm đến Đế quốc La Mã. Điều này cũng khiến họ hình thành ý tưởng bản thân, từ việc cố nhồi nhét những mảnh ghép rời rạc học được thành một dòng thời gian hời hợt và méo mó, điều này gây hiểu nhầm về những điều thực sự đã xảy ra trong lịch sử.
Luận điểm 2: Theo mình thấy, một lý do khác làm cho lớp lịch sử chán chường là thầy cô thậm chí còn không lý giải cho học sinh về lợi ích của việc học sử, hoặc chỉ đả động đôi chút, khác với những giáo viên bộ môn khác, họ sẽ liên tục nói về tầm quan trọng của môn học từ rất sớm. Trên hết, là một học sinh, mình thấy rằng kiến thức lịch sử không có một hiệu quả tức thì và hữu hình. Nếu học sinh bị điểm kém môn sử, cha mẹ của bản chắc hẳn sẽ không quan tâm lắm, vì lịch sử được cho là “không hữu ích bằng”. Trở thành một nhà sử học cũng không phải là một nghề nghiệp hái ra tiền hay nức tiếng, do đó nhiều học sinh cảm thấy mình không cần phải cố quá trong môn học này để làm cha mẹ tự hào. Ở cái tuổi mà những đứa nhóc như tui bắt đầu học sử, tụi nó hầu như không có động lực học môn này, ngoài việc được phụ huynh và thầy cô đánh giá, buồn thay là thái độ ưng thuận từ phụ huynh lại tối quan trọng để tiếp tục quan tâm vào một bộ môn.
Luận điểm 3: Tuy điều này đang cải thiện dần ở nhiều trường nhưng một số thầy cô vẫn đang giảng dạy lịch sử theo cách tước bỏ khía cạnh “câu chuyện”. Kết quả là một loạt những ngày tháng thành thật là vô dụng và những cái tên sự kiện mà chỉ có ích cho dịp kiểm tra, đó là lý do mà sau khi tốt nghiệp, học sinh không còn ghi nhớ hầu hết những gì đã học ở lớp lịch sử, ít hơn cả những kiến thức đã thu nhận từ các môn học khác. Điều này cũng hạ cấp việc học sử thành một cuộc thi nhớ thuộc không hơn không kém. Một trong những đích đến của sử học là làm người ta có tư duy phản biện [critical thinking] và sử dụng được những tình huống trong quá khứ để giải quyết các vấn đề hiện tại, không phải là nhớ vài ba cái ngày tháng và cứ điểm!
Luận điểm 4: Môn lịch sử bị xem là vô nghĩa trong văn hóa đại chúng, nên các cô cậu tuổi teen sẽ coi sử học là không ngầu lòi, và trong thời đại mà thứ duy nhất có ý nghĩa là tính đại chúng, đa phần giới trẻ sẽ cúp môn sử, không phải vì họ thích thế, mà đơn thuần là nó không thu hút quần chúng. Điều này khiến những học sinh thành thật hứng thú với lịch sử cũng không theo đuổi cái mình thích ở lứa tuổi bắt đầu phát triển sở thích cá nhân.
Mọi người có cái nhìn sâu xa nào khác về lý do mà môn sử nhàm chán không? Nếu có thì làm sao chúng ta có thể giải quyết vấn đề này, để cộng đồng lịch sử lớn mạnh lên?


Mình nghĩ mọi luận điểm của bạn đều chắc như đinh đóng cột. Dù vậy, mình nghĩ môn nào cũng bị coi là nhàm chán bởi một bộ phận dân số mà thôi. Toán học chắc hẳn cũng bị như thế, nhưng mình cũng biết có những người thấy chán với ngữ văn hay các môn khoa học khó. Người ta cũng gọi là thích mặt “cháy nổ bùm bùm” của hóa học, nhưng không ưa cái việc đếm electron hóa trị. Có những người mê đọc, nhưng ghét đọc để lấy điểm, có những người còn ghét đọc. Do đó, tuy thấy rằng tai tiếng nhàm chán của lịch sử là không công tâm, mình nghĩ đó không phải cái gì độc nhất vô nhị.


Đồng ý, nhưng mình nghĩ đáng nói là điều ngược lại cũng đúng. Một giáo viên giỏi và lôi cuốn có thể khiến ai đó hứng thú với cả một bộ môn. Đó là điều mà mình nghĩ người ta dễ quên, nhưng không nên thế.


Mình chủ yếu thấy rằng luận điểm 3 là tranh đề chính. Học vẹt là phương pháp sơ đẳng mà có vẻ thầy cô phụ thuộc vào khi giảng dạy lịch sử. Họ đặt câu hỏi ai, cái gì, ở đâu, khi nào, nhưng hiếm khi tại sao và làm thế nào. Thứ tự ưu tiên này là dễ hiểu nếu xét về thời hạn tiết dạy và cách mà ba-rem điểm chấm, giống với các nhà báo thôi, nhưng nó không đọng lại gì cả vào hồi kết nếu bạn luôn bị cháy giáo án. Điều này tước bỏ bối cảnh và mục đích lịch sử và ép buộc luận điểm 1, 2 và 4 xảy ra.
Cá nhân mình đã học sử ngoài trường lớp một cách hiệu quả nhất khi mình bắt đầu coi nó như cốt truyện của một trò chơi. Là những câu chuyện với hệ quả và móc nối đến các sự kiện khác. Lịch sử thay thế [alternate history] cũng là một phương pháp tường tận để hiểu được cách thức và lý do mà điều gì đó đã xảy ra, vì vài cái đập của cánh bướm cũng có thể dẫn đến một cái kết khác biệt.


Bạn không cần phải đốt sách nếu có thể thuyết phục mọi người rằng chúng không đáng đọc.


Việc nhớ thuộc những ngày tháng năm cụ thể là cụ thể một cách vô dụng. Bạn có thực sự cần biết rằng có bao nhiêu sự kiện đã xảy ra vào 17 tháng Bảy, 1745? Hay chỉ cần biết rằng nó đã xảy ra vào những năm 1740 là đủ? Thực sự là phải chi tiết đến mức nào mới quan trọng?
Theo kinh nghiệm của mình, lớp học lịch sử chỉ tập trung độc vào chính trị và chiến tranh. Có nhiều nhánh lịch sử khác cũng lôi cuốn nhưng hoàn toàn bị bỏ quên trong nền giáo dục (ít nhất là với mình).
Lịch sử của ngành ẩm thực, toán học, âm nhạc (hay nhạc cụ), nghệ thuật, xe hơi, kiến trúc, dệt may, thể thao, công nghệ, vv. Đó là những phương diện của lịch sử mà chúng ta có thể đả động đến (dù chỉ một chút) để lôi kéo học sinh, nhưng hệ thống giáo dục pháp lệnh của chúng ta hoàn toàn bỏ qua những mối liên kết này.


Rất may là mình được dạy sử bằng phương pháp mà mình gọi là tiếp cận về mặt nhân học. Có nhiều cách khác, mình có thể đáp ứng một tiết sử chỉ bằng sự sáng chế các phản ứng hóa học và như thế cũng sẽ giàu thông tin. Người ta định nghĩa thế kỷ XX bằng chiến tranh và phong trào phế vua, như thế cũng chuẩn xác. Mình thì định nghĩa nó bằng phân bón hóa học, nhựa dẻo, cao su lưu hóa, phản ứng hạt nhân và doping kim loại bán dẫn. Không có những điều này thì chúng ta sẽ chết đói, Nhật Bản có thể sẽ bị xâm lược, chúng ta không thể gói ghém cái gì cho ra hồn, máy tính sẽ trở nên khổng lồ và máy bay sẽ nặng khủng khiếp.
Dù sao đi nữa, thay vì chỉ nói gì đó như “Thomas Jefferson đã viết x vào ngày y” thì tụi mình được hỏi kiểu như “Vào hoàn cảnh nào mà một người đàn ông, người sở hữu 600 nô lệ, viết một văn kiện chỉ trích Vua George và chế độ nô lệ?” Ông ấy viết nên văn kiện đó trong khi một người đầy tớ, một cậu bé nô lệ, ngồi ngay cạnh. Thú vị hơn là Jefferson đã rơi vào lưới tình với một trong các nô lệ và họ đã có con với nhau, ông ta đã trả tự do cho bà (theo lệnh) khi mất. Đến giờ, đây không phải một sự sắp đặt cực kỳ hiếm gặp. Chắc hẳn việc giảng dạy như thế là bất hợp pháp ở một vài bang từ 2022.


Môn sử chán vì chính việc học là chán. Luôn là vậy.
Vấn đề là người ta (đặc biệt là trẻ) ghét học. Họ ghét toán (nhàm chán), tiếng Anh (nhàm chán và ra vẻ mô phạm), âm nhạc (nhạc cổ điển chán). Vân va vân vân. Căn nguyên không nằm ở môn học, mà là yêu cầu phải làm bài tập khó và có vẻ chán nản. Do bài tập buồn tẻ mà thôi.
Trẻ em mà không ngại làm bài và học bài thì cũng không thấy lịch sử chán. Nhưng đó là những cô cậu mọt sách.
Thậm chí mình không chắc là có thể hoặc nên khiến việc học lịch sử không phải làm bài. Nó khá là cần, vì học môn nào cũng cần có luyện tập.


Mình không nghĩ là việc học nhàm chán, mà trường học nhàm chán. Bạn phải học đúng cái thứ mà họ bảo, hoặc cái cách mà họ bảo, lúc mà họ bảo, rồi điều đó dẫn đến những cái kết khó ưa như kiểm tra hoặc bài tập về nhà.
Hồi còn học cấp 1, mình thấy lịch sử (và hầu hết các môn khác) là chán, nhưng mình phấn khởi hấp thu bất kỳ thông tin nào về thiên văn học. Không phải là có những môn vốn dĩ thú vị hơn các môn khác; mà mỗi người có một môn học yêu thích và cách học riêng, và khi họ được giao bài từ người trên, thường sẽ không phù hợp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *