CÂU NÓI GÌ MANG SÁT THƯƠNG LỚN NHẤT ĐỐI VỚI MỘT NGƯỜI CON TRAI?

Dưới nền kinh tế đang suy thoái, bố tôi làm lụng vất vả hơn nửa đời người nhưng chỉ đủ nuôi tôi học xong đại học, trước khi tốt nghiệp, tôi đã có cuộc trò chuyện rất lâu với bố.

Bố tôi nói: “Sau khi tốt nghiệp mày muốn đi đâu?” Tôi nghĩ ngợi một hồi, bố hy vọng tôi có thể về nhà làm nhân viên công chức, dù sao cũng phải có kế hoạch sự nghiệp rõ ràng.

Tôi chợt nhớ về năm 2 đại học, lúc đó trong người tôi không một xu dính túi, bố bảo tôi đến công trường nơi ông ấy làm việc, tháng 8 trời nóng như đổ lửa, gạch trên công trường nóng cháy da cháy thịt, ​​tôi nhìn thấy bố đang mang chiếc sơ mi ướt đẫm mồ hôi được tặng khi mua tivi. Khuôn mặt bố rám nắng nhưng khi cười lại lộ ra hàm răng trắng sáng, nhìn ông ấy cười bất chợt tôi lại muốn khóc. Lúc đó tôi nhận ra rằng, sau này khi tốt nghiệp đại học, tôi phải nhanh chóng tìm một công việc tốt và không để bố tôi phải đi làm vất vả ở công trường nữa.

Bố thấy tôi đang trầm tư, ông ấy liền gọi tôi: “Thằng trời đánh, bố đang nói chuyện với mày đấy!”

Tôi chợt tỉnh lại: “Vâng, con nghe bố mà. Nhưng năm nay kiếm việc cũng khó khăn, kỳ thi công chức bị hủy rồi bố ạ, con đã đậu kỳ thi ngân hàng cấp tỉnh rồi, con đang phân vân không biết có nên đi không?”

“Ngân hàng ấy hả, được, mày đi đi, nếu không đi thì đừng trách bố ác” Bố tôi rít một hơi thuốc, tuy nói năng rất nghiêm túc nhưng tôi vẫn thấy rõ niềm tự hào trên khóe miệng của ông. Con trai tôi tốt nghiệp đại học, thử hỏi còn ai dám coi thường con tôi? Tâm lý của bố khiến tôi muốn bật cười, sao càng ngày bố càng giống một đứa trẻ thế nhỉ!!

Tôi nói thêm: “Con cũng đã vượt qua bài kiểm tra viết ở Thượng Hải. Lúc phỏng vấn con tự tin lắm, hê hê, con thi viết đứng đầu đấy bố ạ!”

Bố chưa từng đến Thượng Hải bao giờ, tất cả hiểu biết của ông ấy về Thượng Hải đều đến từ chiếc TV 29 inch ở nhà. Bố tôi nghe thấy vậy lại càng tự hào hơn, thậm chí còn thở ra một làn khói rồi hỏi tôi: “Thế mày có kế hoạch gì chưa con?”

“Bố, con muốn đi Thượng Hải.” Tôi cúi đầu, cảm thấy áy náy, nơi đó xa nhà tôi quá, liệu sau này bố tôi phải làm thế nào?

Bố tôi chỉ nói: “Ôi dào, mày cứ đi đi, cứ đến Thượng Hải đi. Sau này bố không giúp được mày nhiều, mày phải tự cố gắng đấy con nhé!”

Tôi vội vàng nói: “Nhưng…”

Bố ngắt lời tôi: “Nhưng cái gì mà nhưng, bố không cần mày chăm sóc bố lúc già đâu, mày hãy làm gì mày nên làm đi!!”

Sau khi tốt nghiệp, tôi đến Thượng Hải, một thành phố xa hoa, khi mới đến đây, tôi luôn nghĩ rằng sau này sẽ đưa bố đến đây dưỡng già.

Kể từ khi đi làm, tần suất tôi gọi điện cho bố ngày càng ít, áp lực công việc ngày càng tăng, có khi một tuần không có một cuộc gọi nào, mỗi lần tôi gọi điện là bố bắt máy ngay: “Thằng trời đánh, tao còn tưởng mày quên ở nhà còn có ông bố này rồi cơ chứ!”

Làm việc hai năm, trong tay tôi cũng có một số tiền tiết kiệm, nhưng so với giá nhà đất ở Thượng Hải thì chỉ là hạt cát sa mạc. Đã hai tuần tôi không gọi về nhà, tôi nhớ bố có nói rằng đầu ông hơi đau, bỗng tôi thấy lo lắng, vội gọi ngay cho bố. Điện thoại đổ chuông nhưng mãi không có ai trả lời, lúc tôi định gọi lại thì thấy bố gọi tới.

Tôi áp điện thoại vào tai: “Bố, bố thế nào rồi?”

Bố tôi nói: “Không sao, không cần phải lo lắng đâu”.

Sau khi trò chuyện vài câu, tôi bày tỏ ý định muốn đưa bố đến Thượng Hải để khám sức khỏe toàn diện, nếu không, tôi sẽ luôn cảm thấy cân cấn trong lòng. Thái độ của bố rất kiên quyết: “Không đi!”

Tôi biết mình không thể thuyết phục được bố nên thôi không nhắc đến chuyện đó nữa.

Sau khi cúp máy, tôi cảm thấy rất bồn chồn, trong lòng nặng trĩu như có tảng đá đè lên. Tôi xin nghỉ phép một tuần, đặt vé máy bay rồi bay thẳng về nhà.

Bố thấy tôi về nhà, đôi mắt đục ngầu bỗng sáng lên, nhưng miệng vẫn mắng: “Thằng ranh con, không phải mày nói Tết mới về hả, lại lừa ông già mày!!”

Ngày hôm sau, tôi đưa bố đến bệnh viện tỉnh khám, tôi có bạn cùng lớp làm việc ở đây nên không phải xếp hàng. Sau khi có kết quả kiểm tra, bạn cùng lớp nói với tôi: “Người già tuổi cao thường lẩm cẩm.”

Tôi hỏi thẳng: “Nói rõ xem nào, ý cậu là sao?”

Bạn cùng lớp nói: “Đừng lo, tuổi già ấy mà, ai cũng vậy, không ảnh hưởng gì tới sức khỏe đâu, tốt nhất là nên có người bên cạnh chăm sóc ông ấy. Nhưng bố cậu có nhiều bệnh nền đấy, cậu xem này, tay bố cậu bị biến dạng rồi, lát nữa cậu về xem cánh tay của ông đi, chắc chắn không duỗi thẳng ra được. Ông ấy không nói với cậu à? Như này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của bố cậu ấy, nên là cậu chăm sóc ông ấy nhiều hơn nhé.”

Tôi biết bố mệt mỏi vì làm việc ở công trường nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ bố lại mệt đến thế.

Bố tôi thấy sắc mặt tôi không tốt liền hỏi tôi có chuyện gì, tôi không nói vì sợ ông sẽ nghĩ nhiều. Tôi đưa bố đến trung tâm thương mại và chọn rất nhiều quần áo cho bố, bố phàn nàn bảo tôi tiêu xài hoang phí, nhưng bố càng phàn nàn, tôi càng cảm thấy có lỗi. Lần này bố không thắng được tôi, tôi thanh toán và đưa bố về nhà.

Sau khi về nhà, tôi lại có nhiều vấn đề cần cân nhắc hơn, bố tôi phải có người chăm sóc, tôi lại bận việc ở Thượng Hải, cách tốt nhất là gửi ông ấy đến viện dưỡng lão. Ở chỗ chúng tôi có một viện dưỡng lão, ngày hôm sau tôi đã đến xem,môi trường rất tốt, cho bố tôi ở đây thuận lợi cả đôi đường.

Sau bữa tối, tôi nói với bố: “Bố ơi, ngày mốt con sẽ về Thượng Hải. Bố ở nhà một mình con lo lắm!”

Bố còn không thèm ngước mắt lên: “Mày cứ đi làm việc của mày đi, bố chưa đến mức phải có người chăm sóc mỗi ngày đâu!”

Tôi: “Bố, ý con không phải là vậy. Bố ở nhà một mình cũng chán, hay con đưa bố đi viện dưỡng lão xem thế nào nhé?”

Lần này bố tôi im lặng, sự im lặng của ông dường như tạo ra một tiếng động rất lớn, cứ vang vọng trong lòng tôi, khiến cảm giác tội lỗi của tôi không nơi nào trốn thoát được.

Một lúc sau, bố tôi thở dài: “Thôi tùy con thôi!”

Bố tôi không vui chút nào, cũng không nói câu gì, thậm chí còn không nói tiếng “thằng trời đánh” mà ông thường nói.

Sau khi thu dọn đồ đạc, bố tôi nhìn đống túi lớn nhỏ, tâm trạng càng thêm buồn bã, nhìn hồi lâu, ông nói: “Bố nhớ hồi mày mới vào đại học, tao cũng gói hành lý đồ đạc của mày như này.”

Tôi càng cảm thấy khó chịu hơn, cảm giác như mọi cảm xúc đều bị dồn nén trong lồng ngực không nơi nào trút được.

Bố nói: “Thằng trời đánh, mày nói xem tại sao gia đình chúng ta lại tan nát rồi?”

Nghe xong câu này, tôi không kìm được nước mắt.

“Bố, chúng ta không đi viện dưỡng lão nữa nhé, con sẽ đưa bố đến Thượng Hải. Bố đừng chê nhà ở đó quá chật, bố ở đâu thì đó sẽ là nhà của chúng ta!”

Chỉ cần bố mẹ còn ở đây thì cuộc đời vẫn còn có đích đến.

Những câu nói cuối cùng của bố đã đập tan những lời viện cớ của người con trai: Áp lực quá lớn, không nhà, không xe,… đều là những cái cớ cho việc không muốn gánh vác trách nhiệm nuôi dưỡng bố. Đừng quên năm đó chính bố đã đối xử với bạn thế nào, thứ ông ấy không muốn rời xa không phải là căn nhà, mà chính là bạn, người ông ấy thương yêu nhất trên đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *