Có lần tôi với cậu bạn cùng đi ăn thịt lừa, lúc canh thịt lừa được bưng lên, cậu hơi sửng sốt rồi vẻ mặt dần trở nên bi thương, tôi không hiểu, cậu nói, bản thân nhớ đến một chuyện cũ.
Bố mẹ cậu ly hôn từ sớm, cậu ở với bố, mà bố phải ra ngoài bán bánh kiếm tiền, dẫn con nhỏ theo không tiện, nên để con theo học trường nội trú; các kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ thì để cậu ở nhà chị ruột của bố; mà bác thường cho cậu tiền tiêu vặt, lại hay đón cậu sang ở, từ nhỏ đã vậy nên cậu rất thân với nhà bác, không có cảm giác mình là người ngoài.
Cậu bạn tôi là kiểu người sống rất vô tư thoải mái; Tuy mẹ tái hôn không dẫn cậu theo, nhưng vẫn chu cấp tiền bạc và đồ dùng đầy đủ, sau này khi cậu có con, mẹ còn đến chăm cháu hộ ít lâu; Nói chung là, lúc đấy không ai làm cậu cảm thấy tổn thương hay tự ti vì hoàn cảnh gia đình; Đến tận bây giờ khi nói về chuyện bố mẹ ly hôn, cậu vẫn bảo, ly hôn là cách tốt nhất cho hai người họ.
Chuyện xảy ra vào kỳ nghỉ hè năm cấp 3, bác trai của cậu mang về một ít thịt lừa, bác gái định làm canh thịt lừa viên để tối đến cả nhà cùng ăn, thịt lừa thời đó rất đắt, không phải nhà ai cũng có để ăn một bữa. Lần đầu tiên được nếm thịt lừa viên, cậu cảm thấy rất ngon, húp sạch một bát canh nhưng vẫn còn thòm thèm, cậu định đi xin thêm một bát, bác gái lấy bát của cậu lại rồi nói, phần còn lại để dành sáng hôm sau ăn.
Sau khi về phòng, một lúc sau cậu lại ra ngoài thì thấy chị họ còn đang ngồi trên bàn ăn canh thịt lừa viên, bác của cậu thì luôn miệng hỏi chị ăn no chưa, có cần múc thêm nữa không; Lúc này cậu mới hiểu, hóa ra là bác gái sợ cậu ăn nhiều quá, không đủ cho con gái mình ăn.
Sáng hôm sau đương nhiên là không còn canh thịt lừa viên để ăn nữa rồi, bởi vì chị họ đã ăn hết từ tối hôm qua.
Một bát canh thịt lừa viên làm cậu nhớ đến tận hôm nay. Nhưng cậu vẫn qua lại thân thiết với nhà bác gái, chỉ là không dám vô tư ăn uống; Tuy biết là điều kiện sống bây giờ rất tốt, bác của cậu sẽ không tiếc rẻ một bát canh thịt lừa viên, nhưng mỗi lần ghé nhà bác chơi, cậu vẫn giữ thói quen ăn chỉ ăn một bát cơm.
Tôi hỏi cậu buồn cái gì, cậu bảo cậu không biết, có thể là hôm đó tự dưng nhận ra, mình là người ngoài, hoặc cũng có thể là cậu nhận ra, tình cảm của bác dành cho mình chỉ vỏn vẹn là một bát canh thịt lừa viên, không thể có hơn.
Cậu nói với tôi: “Bố có gửi tiền ăn cho bác mà, tao không ăn chực mày ơi!”
Tôi nói: “Mày có từng nghĩ, nhà người ta chỉ có mấy người như vậy, mày tự dưng vào đó sống, có thể sẽ tạo thêm phiền phức cho người ta đó”
Cậu nghe xong nói lại với tôi: “Tao cũng không muốn ở nhà người khác, nhưng làm sao tao biết được, mẹ không muốn dẫn tao đi, bố cũng không muốn dẫn tao đi. Tao còn tưởng bố, mẹ và tao là người một nhà, mà người một nhà thì nên sống cùng nhau chứ”
Tôi chỉ nhớ, lúc đó tôi đã múc thêm một bát canh thịt lừa cho cậu rồi bảo là bây giờ muốn ăn bao nhiều cũng có, ăn hết lại gọi thêm, chúng ta không thiếu tiền; Lúc này thằng bạn tôi mới cười phá lên.
Sau này khi chúng tôi có gia đình riêng, cả hai vẫn thỉnh thoảng nhắc về bát canh thịt lừa viên ấy; Cậu còn nói thêm, đại ý là, lúc có con mới hiểu lòng cha mẹ; bác của cậu lúc đấy đúng là không dễ dàng gì, thêm một đứa nhóc lớn tướng trong nhà đâu phải chỉ là chuyện thêm cái bát thêm đôi đũa trên bàn cơm; Chỉ là, dù biết bác có muôn điều bất đắc dĩ, nhưng cuối cùng cậu vẫn không thể quên đi khoảnh khắc bản thân hào hứng cầm bát xin thêm một chén canh bị bác lấy lại không cho ăn tiếp.
Bát canh đó làm cậu nhớ ra một sự thật, cậu là người ngoài trong căn nhà này, cậu không phải con ruột của bác; mẹ ruột đã tái hôn, bố ruột không ở đây, bản thân là đứa không có nhà để về, cậu chỉ đang sống đời tạm bợ; loại đau đớn, thống khổ này mới là điều cậu không thể nguôi ngoai.
Dạy bảo trẻ nhỏ đừng nên oán trách số phận, hãy tiếp nhận đó là một điều hiển nhiên và cảm ơn đời vì những gì ta đang có là điều quá khó.
Một đứa trẻ phải rời khỏi vùng an toàn và thoải mái của mình, bị ký gửi ở một nơi không thuộc về thì nói thật, không cần ai nhắc, tự bản thân chúng cũng rõ, đó không phải là nhà mình, nhưng trẻ nhỏ thì làm được gì đây?
Sự trưởng thành và hiểu chuyện của người lớn cũng được mài dũa, học hỏi và rút kinh nghiệm từ những vấp váp trong xã hội thì trẻ nhỏ cũng thế; ở trong hoàn cảnh tạm bợ, trẻ nhỏ phải không ngừng va chạm, cọ xát rồi hiểu ra và tìm cách thích ứng; cho nên chỉ cần nơi trẻ ở có một chút xíu cảm giác bài trừ cũng khiến trẻ nhỏ ấn tượng khắc sâu; dù vẫn biết ơn rất nhiều nhưng khó tránh khỏi một cảm giác không an toàn khiến bản thân phải dè chừng.
Đây là bản năng của con người, chỉ thường ghi nhớ và chú ý đến những điều không tốt; cũng giống như ta thường thấy điểm xấu của người khác trước tiên là những điều tốt hoặc những điều bình thường.
Cho nên cuộc đời mới có nhiều ân oán tình thù đến vậy.
Chỉ mong trước khi quyết định một điều gì đó, chúng ta hãy suy nghĩ thật kỹ và có cải nhìn toàn vẹn để tránh bị bản năng thống trị.