Tại sao người giàu lại hay bị nói là “không có tình người”?

Vài năm trước tôi từng làm trợ lý riêng cho một vị tổng giám đốc.

Trong nhà ông có một chị giúp việc đã làm mười mấy năm, con người chị thật thà, làm việc cũng rất tốt.

Khoảng vào mùa hè năm 2015, lúc chồng chị đang làm ở công trường thì bị giá đỡ đập xuống người, bị thương rất nghiêm trọng, gót chân bị gãy vụn, đốt sống thắt lưng bị trật khớp nặng, một xương sườn bị nứt, một xương sườn bị gãy và còn có thêm nhiều vết giập mô mềm.

Tại sao tôi lại biết rõ như vậy?

Bởi vì các giai đoạn sau như làm thủ tục nhập viện, liên hệ bác sĩ, lấy số tính phí,…đều có tôi bên cạnh hỗ trợ chị.

Lúc chị nhận được tin dữ, ông chủ đang ở nhà. Ông gọi điện thẳng cho tôi, bảo tôi đi chung với chị lo liệu. Chưa kể, nghe tin vết thương nặng, có thể để lại di chứng, ông chủ lập tức dùng quan hệ mời chuyên gia khoa chỉnh hình đến khám và phẫu thuật ngay trong đêm.

May mắn là phẫu thuật thuận lợi, chồng của chị không bị biến chứng hay lưu lại dị tật, chỉ là sau này không được làm việc nặng nữa, nhưng mà bị thương nặng vậy còn có thể sinh hoạt cá nhân bình thường đã là vạn hạnh trong bất hạnh.

Còn việc sau này ông chủ sắp xếp một bữa cơm hay quà cáp để cảm ơn chuyên gia và người trung gian giúp đỡ thì đương nhiên là hai vợ chồng chị không biết.

Nếu chuyện đến đây kết thúc, vậy không nghi ngờ gì nữa, đây chính là một câu chuyện cảm động và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Nhưng cao trào mới là đây!

Bởi vì chồng chị bị thương không làm việc nặng được, nên phải từ bỏ công việc ở công trường, tìm một việc khác. Nhưng anh ta không học vấn, không lành nghề, muốn tìm một công việc phù hợp rất khó. Làm bảo vệ thì anh ta chê lương thấp, chê mất mặt, cứ kén cá chọn canh như vậy suốt một năm trời, anh ta không kiếm được đồng nào.

Sau hai vợ chồng định nhờ ông chủ giúp đỡ, để ông đưa anh ta vào công ty làm việc.

Mà ngoài ý muốn là ông chủ không đồng ý, nói là hiện tại công ty không có vị trí phù hợp, không thể đưa anh ta vào làm được.

Nhưng hai người này vẫn chưa từ bỏ ý định.

Một thời gian sau, chồng chị giúp việc nghĩ muốn kinh doanh riêng, chị gái hỏi mượn ông chủ ít tiền, nói ra thì cũng không nhiều, vài chục triệu thôi.

Ông chủ lại từ chối tiếp, lý do là tiền bạc trong nhà do vợ quản lý, trong tay không có tiền mặt nhiều vậy.

Sau hai lần bị từ chối, thái độ của chị gái rõ ràng là có thay đổi.

Mới đầu chỉ lười việc thôi, nhưng sau thì bắt đầu nói xấu ông chủ, còn kể chuyện bí mật của nhà chủ ra ngoài nữa.

Chẳng được bao lâu, chị ta bị ông chủ đuổi việc.

Cho nên mới nói, rốt cuộc là người giàu có hay không có tình người đây?

Tôi cảm thấy, vấn đề nằm ở định nghĩa “tình người” trong lòng mỗi người.

Có người sẽ nghĩ người giàu hào phóng giúp đỡ kẻ hoạn nạn khó khăn là “có tình người”, không tìm việc hộ, không cho mượn tiền là “không có tình người”.

Nhưng đối với người giàu, quan điểm của họ có thể là “cứu nguy không cứu nghèo” và phải sử dụng tài nguyên một cách chính xác và khôn ngoan; tức là trong cơn nguy ngập, họ có thể sẵn sàng giơ tay giúp đỡ để vượt qua cơn sóng dữ; nhưng khi mặt biển đã yên, chuyện còn lại phải dựa vào sức mình, không thể ỷ lại và đòi hỏi người khác cứ o bế mình mãi.

Không cùng tầng lớp, không thể hiểu được suy nghĩ của nhau, mỗi người sẽ trân quý những thứ khác nhau, cho nên định nghĩa về “tình người” cũng không giống nhau.

Cho nên, không phải người giàu không có “tình người”, có khi là do bạn chưa nhận rõ giá trị của mình thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *