Theo TS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Quân đội 108), giai đoạn chuyển giao từ mùa thu sang đông và từ mùa đông sang xuân là khoảng thời tiết rất dễ xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm.
Một số bệnh nguy hiểm như viêm màng não do não mô cầu, cúm, sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, đau mắt đỏ… Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là trẻ nhỏ.
Chia sẻ riêng về bệnh viêm não mô cầu, TS Mạnh cho biết, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra.
Bệnh xảy ra đột ngột với các triệu chứng như: Sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.
Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Tỷ lệ tử vong cao nếu không được chữa trị kịp thời.
Bệnh Viêm màng não do Não mô cầu lây theo đường hô hấp, lây truyền qua những giọt nước nhỏ (bụi nước) được bài tiết ở đường hô hấp của người bệnh truyền sang người lành (sự lây truyền của bệnh qua đồ vật là hiếm xảy ra)”, TS Mạnh nói.
Theo TS Mạnh, để phòng bệnh viêm não mô cầu, người dân cần:
– Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Nhà ở, lớp học phải sạch sẽ, đảm bảo đủ ánh sáng và thông thoáng. Đồ chơi, dụng cụ của người bệnh cần phải được tẩy uế, sát trùng.
– Khi có dịch bệnh tại nơi có ổ dịch, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi, ngoáy họng soi và cấy vi khuẩn để phát hiện người lành mang vi khuẩn.
– Chủ động tiêm phòng vaccine phòng viêm não mô cầu cho trẻ, vaccine được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng.
“Khi phát hiện sớm bệnh nhân nếu có nghi ngờ viêm não mô cầu cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời và cách ly người bệnh, tránh lây lan rộng”, TS Mạnh cảnh báo.