Cũng vào tầm này năm ngoái, tôi lướt thấy một câu hỏi như thế này: “Dựa vào tiêu chí nào để đặt ra nhiệt độ phòng tiêu chuẩn của Trung Quốc là 18℃±2℃?”
Ở bên dưới phần trả lời có một số bạn ở phương nam cũng thấy khó hiểu, tại sao mùa đông ở phía nam để nhiệt độ phòng từ 6 đến 7 độ cũng có thể sinh hoạt bình thường, còn ở phía bắc nhất định phải để nhiệt độ gần 20 thì mới được.
Tôi đọc được câu trả lời rất hay như thế này:
Không phải vì người phương bắc sợ lạnh hơn người phương nam. Mà vì nhiệt độ ngoài trời vào những mùa lạnh ở phương bắc rất thấp, phải gọi là khắc nghiệt, chỉ trong khoảng âm mười mấy đến âm mấy chục độ. Nếu đi từ bên ngoài vào mà nhiệt độ trong phòng chỉ có 7 – 8 độ như ở phương nam, cơ thể vẫn trong trạng thái đông cứng và lạnh lẽo. Nếu vậy, họ không thể ra ngoài nhiều lần và lâu được; vì mỗi lần ra ngoài đều sẽ cảm thấy mất sức sống và không thể làm gì được. Nếu mỗi lần ra ngoài đều thấy lạnh hơn lần trước thì đa số sẽ chọn trốn trong phòng run lẩy bẩy không dám làm gì; thế thì các thành phố phía bắc sẽ như thành phố ngủ đông, luôn nằm trong trạng thái tê liệt và mất sức sống hoàn toàn.
Còn nếu để nhiệt độ phòng ở tầm 20 độ, sau khi đi từ ngoài về, đợi tầm 10 phút sau là cả cơ thể đã trở nên ấm áp rồi, tốc độ lưu thông máu cũng trở nên bình thường, lúc này, người ta mới có năng lượng và sức lực để hoạt động, làm việc, ăn cơm, mua sắm…
Quay lại câu hỏi của chủ thớt, cũng cùng một nguyên lý này, tôi giả sử gia đình là phòng ốc ở phương bắc; người nhà là nhiệt độ phòng.
Khi chúng ta trở về từ cái giá lạnh do xã hội, do trường học mang lại, có thể chúng ta sẽ bị lạnh đến mức tím tái mặt mày, run lập cập và hoàn toàn co ro trong lớp áo khoác; lúc đó, nhà sẽ là cảng tránh gió lạnh, sẽ là nơi ta nghỉ ngơi, phục hồi và chuẩn bị cho những chuyến đi tiếp theo.
Cho nên, tôi nghĩ chúng ta nên đặt ngược lại vấn đề.
Không phải là 6 -7 độ trong nhà đã chịu không nổi thì làm sao chịu được -10 độ bên ngoài, mà là 6 – 7 độ trong nhà không đủ để hoà tan cái giá lạnh của -10 độ.
Ở ngoài đời, ai cũng là những người tuyệt vời, dù chịu áp lực từ nhiều đối tượng như lãnh đạo, giáo viên, đối thủ cạnh tranh…nhưng ta vẫn kiên trì giữ vững lập trường và lẽ sống ta cho là đúng.
Còn khi ở nhà, khi đối diện với người thân quen, ta lại trở nên yếu đuối lạ thường; ở ngoài bị sỉ vả trăm câu chẳng sao, người nhà bâng quơ một câu đã cảm thấy trời sụp đất lún, nước mắt lưng tròng, chẳng để bản thân làm lơ được. Không phải là không chịu được một câu nói, mà chỉ là, ta không chịu được chuyện cảng tránh gió lại bị lọt gió; nơi ta kiên trì bảo vệ lại làm đau chính mình.