Tui đang xây dựng những thói quen tốt bền vững.
Học nấu ăn đi bồ. Giảm tới một nửa khoản chi cho ăn uống hàng tháng và tất nhiên là tốt cho sức khỏe nữa.
Nhớ kết hợp cùng việc lên thực đơn hàng tuần để tránh mua những thứ không cần thiết vàhoặc lãng phí đồ ăn!
Học cả cách mua sắm nữa.
Đọc tờ rơi quảng cáo của các cửa hàng nè, xem xét mức giá hời của các mặt hàng là gì nè, và trữ nhiều khi có giá tốt nè.
Ngoài ra, đừng phụ thuộc vào những bữa ăn tiện lợi, mà có ý thức về lối sống của bồ và tìm hiểu xem khi nào việc ăn lasagna hoặc gà rô ti tại nhà sẽ giúp bồ không phải gọi đồ ăn về.
Tui muốn bổ sung là hãy học cách nấu ăn tiết kiệm. Trữ đông bánh mì để không lãng phí. Trữ lạnh đồ ăn thừa. (Cho bất cứ thứ gì hợp ăn với ớt như hành, sốt salsa, thịt làm taco, đậu) vào một cái hộp cho đến khi đủ để làm súp ớt. Cứ sáng tạo lên với đồ ăn thừa, và nếu bồ ăn ngoài thì mang đồ thừa về nhà để mà nấu đồ ăn mới.
(TN: súp ớt – chili soupchili con carne là món hầm cay chứa ớt (đôi khi là ớt bột), thịt (thường là thịt bò), cà chua và đậu pinto hoặc đậu tây. Các gia vị khác có thể bao gồm tỏi, hành và thì là. Món này có nguồn gốc từ miền bắc Mexico)
Nhiều cửa hàng có ứng dụng với nhiều phiếu giảm giá lắm ấy. Thử đi bồ, nhưng chỉ dùng phiếu giảm giá cho cái gì bồ thực sự cần thôi.
Điều này càng cần thiết trong những thời điểm như này luôn. Chiến thắng bắt đầu từ nhà bếp mà!
(TN: Chủ comment này đang nhắc tới victory garden – vườn trồng rau, trái cây và thảo mộc tại các khu dân cư và công viên công cộng ở Mỹ, Anh, Canada, Úc và Đức trong Thế chiến I và Thế chiến II. Trong thời chiến, chính phủ khuyến khích người dân trồng những vườn rau thế này không chỉ để bổ sung vào khẩu phần ăn mà còn để nâng cao tinh thần chiến đấu)
Ngoài ra nên học cách nấu và trữ đông đồ ăn cho nhiều bữa để khi không có thời gian nấu nướng, bồ vẫn có đồ để hâm nóng lại và chén thôi.
Lúc tui còn vừa trẻ trâu vừa cháy túi, tui có thử cách này thực sự hiệu quả.
Viết ra mọi khoản chi, MỌI khoản chi ấy, không phải ước lượng; mà phải chính xác bồ chi bao nhiêu và cho cái gì.
Tới cuối tuần thì kiểm tra lại nhé. Có thể bồ sẽ nhận ra mình đổ rất rất nhiều tiền vào những thứ mình còn chả cần.
Rồi cắt giảm cái mớ chi đó đi.
Tui nhập những khoản chi của mình vào Excel, rồi xem qua từng mục và phân nó vào một danh mục gì đấy. Sau đó, tui làm câu lệnh SUMIF để tính chi phí tổng của từng danh mục như thế.
Rất hữu ích để tui thấy được khoản chi của mình cho việc đi ăn ngoài, mua hàng Amazon và nạp game.
Tui muốn góp ý là nên làm tròn đến số nguyên gần nhất. Tính toán sẽ dễ hơn với, kiểu, 6 thay vì 5,96 ấy.
Tui cũng làm vậy nè. Tui có một bản Excel hơn 10 tab. Một tab để theo dõi hoặc dự báo các khoản chi định kỳ với các khoản chi không định kỳ hàng tuần. Như cân đối ngân phiếu ý. Rồi tui có các tab riêng cho những khoản chi không định kỳ hàng tháng, trong đó nhập mọi giao dịch từ xăng dầu, thực phẩm đến bất cứ thứ gì. Rồi tui có các tab về các khoản khấu hao như thế chấp, khoản vay mua ô tô hoặc thẻ tín dụng mà tui đang trả dần.
Việc phải vào mấy cái ứng dụng, nhập mọi giao dịch cùng với số tiền, xem chi tiêu hàng tuần của mình được theo dõi thế nào, khoản chi đó thuộc vào danh mục nào, thêm với việc xem xét khoản đó là cái “muốn” hay cái “cần”, đều hữu ích cực luôn ấy.
Tui đã trả hết khoản nợ thẻ tín dụng 19 nghìn đô trong vòng hơn một năm theo cách này đó. Giờ tất cả những khoản đó được trả hết rùi thì tui sẽ tiết kiệm. Và tui vẫn theo dõi từng khoản để chi tiêu hợp lí.
Ông ơi, dùng Pivot table thay vì SUMIF ấy, ông sẽ tiết kiệm được khoảng 7 giây mỗi tháng đó.
Để tui thêm điều này nữa nha, nếu bồ thực sự cần có thứ bắt mình phải thay đổi thói quen chi tiêu.
Hầu hết các loại thẻ tín dụng đều cho phép bồ xuất sao kê hay các giao dịch theo khoảng thời gian nhất định. Tui có làm vậy và phân loại từng giao dịch vào các danh mục (đồ ăn nhanh, giải trí, hóa đơn dịch vụ, vân vân).
Rất dễ thấy bồ đang chi tiêu cho những gì và có khi bồ còn nhận ra là không cần phải chi mấy khoản đó. Sau đó thay đổi thói quen chi tiêu. Nhờ cách này tui tiết kiệm được tầm 700-800 đô một tháng.
Đừng có mua sắm khi đang đói.
Hay là mua sắm mà không lập danh sách đồ cần mua.
Tận dụng dịch vụ đi chợ hộ miễn phí của các cửa hàng tạp hóa, nếu dịch vụ này có ở chỗ của bồ. Nhờ cái này mà tui có thể lập kế hoạch rồi mua sắm mà vẫn tận dụng được các ưu đãi. Giúp tui mua sắm có ý thức hơn và tiết kiệm rất nhiều thời gian nữa.
Tập thể dục hàng ngày đê. Sức khỏe kém phải trả giá đắt lắm.
Chải và xỉa răng cẩn thận. Răng xấu tốn kém kinh ấy.
Chăm sóc cái lưng.
Đừng có lúc nào cũng tự nâng vật nặng nếu bồ còn muốn ngủ ngon và bế được con.
Dùng cả tăm nước luôn. Tui có thử tăm nước hồi một năm trước khi còn niềng răng, đau thấy mẹ luôn. Nên tui không đụng vào tăm nước nữa.
Tui mới mua một cái cho anh chồng sắp cưới và ảnh rất thích, nên tui đã thử dùng lại và ui trời. Cảm giác răng sạch bong! Mặt sau răng cực sạch luôn ấy. Tui đang có ý định tự mua cho bản thân một cái.
Dùng máy hút chân không cho thực phẩm đi bồ. Tui mua thịt hoặc chuối giảm giá hoặc những thực phẩm gần hết hạn sử dụng, hút chân không và đông lạnh chúng. Với đồ ăn thừa cũng vậy, tui chia theo khẩu phần rồi trữ đông, để khi không có thời gian nấu nướng thì vẫn có đồ để ăn trưa. Kể từ khi bắt đầu làm vậy tui đã ngừng lãng phí thực phẩm và nhờ đó tiết kiệm được bao nhiêu luôn, đúng là kì diệu mà.
Ê tui chưa từng nghĩ tới luôn nha. Bồ có thể nói thêm là đông lạnh thực phẩm hút chân không ưu việt hơn đông lạnh thông thường thế nào không? Có phải sử dụng loại túi đựng nào đặc biệt không? (Tui chỉ đang băn khoăn liệu điều đó có dẫn tới chi phí phát sinh gì không)
Đông lạnh thông thường sẽ khiến thực phẩm bị cháy đông. Thực phẩm được hút chân không sẽ giữ được lâu hơn nhiều trong cả tủ lạnh và tủ đông. Rất khó để vi khuẩn sinh sôi nếu không có oxy.
(TN: cháy đông – freezer burn là tình trạng xảy ra khi thực phẩm được bảo quản trong tủ đông không đúng cách trong thời gian dài. Thực phẩm bị mất nước và dễ bị oxy hóa, dẫn đến thực phẩm bị khô, đổi màu, và cũng có thể ảnh hưởng đến hương vị và kết cấu)
Chưa kể bồ còn có thể hút chân không và đông lạnh đồ ăn thừa để có bữa ăn nhanh gọn khi quá bận rộn.
Làm thế cũng giúp bồ có thể mua thực phẩm đang giảm giá và dự trữ chúng trong tủ đông. Đừng mua thịt nguyên giá làm gì. Và mua đồ ở thùng đồ thanh lý của cửa hàng ấy. Họ đánh dấu những thứ được giảm giá khi chúng sắp hết hạn hoặc bắt đầu mất màu. Mất màu là bình thường, chứ không phải là thực phẩm bị hỏng đâu nhá. Thực ra thịt có được tiêm thuốc nhuộm để màu trông tươi hơn. Có máy hút chân không thì bồ có thể mua thịt ở thùng thanh lí với giá giảm 80%, rồi gói kín và cấp đông, khi lấy ra nấu thịt vẫn tươi ngon.
Nếu bồ biết được thời gian chuyển hàng tồn kho vào thùng thanh lí thì càng tốt. Một số cửa hàng thực hiện việc này trước khi đóng cửa quầy bán thịt qua đêm, một số lại thực hiện vào buổi sáng khi mới mở cửa.
(TN: thùng thanh lí – clearance bin trong cửa hàng là nơi đặt các mặt hàng giảm giá hoặc thanh lý. Những mặt hàng này thường là sản phẩm tồn kho, đã ngừng sản xuất hoặc có lỗi nhỏ, được giảm giá để thanh lí nhường chỗ cho các sản phẩm mới)
Bồ sẽ cần loại túi đặc biệt để cấp đông thực phẩm, nhưng bồ có thể mua số lượng lớn trực tuyến, và chi phí sẽ ít hơn nhiều so với việc lãng phí đồ ăn.
Gần đây tui có xài ứng dụng Supercook – bồ cứ điền tất cả nguyên liệu đang có trong tủ và nó sẽ kiếm cho bồ các công thức nấu ăn mà có thể dùng bất cứ nguyên liệu gì trong mớ bồ đang có ấy, và cũng sẽ kiếm các công thức với 1-2 nguyên liệu bồ còn thiếu. Giúp tui sáng tạo hơn rất nhiều trong nấu nướng và tận dụng được những đồ mình có. Tui tiết kiệm được kha khá trong việc mua sắm hàng tuần đó!
Chi trả cho bản thân trước ấy. $25/tuần cộng lại sau 52 tuần cũng được nhiều phết.
Khi lương bồ càng cao, thì tiết kiệm số tiền lương được tăng đó đi. Tránh tiêu hoang.
Giải thích giùm tui ý đầu tiên được không?
Trích ra 25 đô từ thu nhập hàng tuần (đặt thanh toán tự động là tốt nhất) để dành cho thứ gì đó sẽ giúp ích cho bồ. Như là quỹ hưu trí tư nhân, tài khoản có lợi về thuế, tài khoản tiết kiệm, khoản thanh toán thêm cho các khoản thế chấp, khoản vay mua ô tô, khoản cho quà Giáng sinh, kỳ nghỉ hoặc quỹ khẩn cấp. Có khi bồ sẽ quên số tiền tiết kiệm này tồn tại và rồi một ngày nào đó bồ kiểm tra nó, BÙM, số tiền bồ đang có sẽ giá trị hơn nhiều so với 25 đô trích ra mỗi tuần. Lãi kép đó.
(TN: Quỹ hưu trí tư nhân – 401(k) được thành lập bởi các nước có nền kinh tế phát triển mạnh như Mỹ, Nhật để dự trù việc trả lương hưu cho người dân, tránh những rủi ro cần thiết. Khi nhận lương thì công ty sẽ trích một phần lương trước khi đóng thuế từ 10% đến 20% tổng lương để bỏ vào quỹ. Tài khoản có lợi về thuế – ROTH IRA được tạo ra bởi Đạo luật giảm thuế cho người đóng thuế năm 1997 cho phép các khoản đóng góp hàng năm vào tài khoản hưu trí cá nhân)
Học cách bảo trì cơ bản những thứ bồ sở hữu. Ví dụ như thay dầu ô tô, thay lọc gió điều hòa, làm sạch xơ vải trong máy sấy và làm sạch bộ lọc máy giặt…
Trước khi mua bất cứ thứ gì, tui tự hỏi mình sẽ phải làm việc bao nhiêu giờ để đủ tiền mua nó.
Cắt giảm được đáng kể việc vung tay quá trán của tui nè.
Làm thẻ thư viện đi! Truy cập được đủ loại phương tiện truyền thông miễn phí luôn.
Với tải ứng dụng Libby nữa. Tui tiết kiệm được cả núi tiền mua sách. Trong ứng dụng đó có sẵn cả tạp chí và phim nữa.
Và đôi khi có hạ giá sách, khi mà sách thường chỉ có giá dưới một đô thôi.
Thử đến mấy cửa hàng đồ si, nơi bán đồ cũ ấy, không chỉ có sách mà còn có bất cứ thứ gì ngoại trừ thực phẩm; bồ chỉ cần kiên nhẫn để tìm được đồ ngon.
(TN: “nơi bán đồ cũ” là mình dịch cho cả garage sale và estate sale – đều là bán đồ cũ không dùng nữa hoặc bán bớt đồ trước khi chuyển nhà)
Bỏ ba cái gói đăng ký đi! Nghiêm túc đấy, bồ không cần đăng ký mọi thứ. Có nhiều cách để tìm nhạc, phim miễn phí, vân vân trên mạng. Bồ cũng không cần Prime đâu, cứ tìm đồ muốn mua và sau đó nhận hàng không mất cước phí từ Ebay. Mất thêm vài ngày để được nhận hàng thì cũng đâu có sao?!
Trong này có những thuật ngữ ngân hàng, kế toán, kinh tế… mà mình thì không rành mấy chuyên ngành này lắm, nên các bồ có cách dịch nào mượt hơn cho các thuật ngữ thì cứ góp ý nhen.
Chúc mọi người năm mới này giàu.