Đâu là những mô-típ mà bạn không bao giờ chán và lý do?

Tui cứ nghĩ về chuyện lâu lâu mình lại đọc đi đọc lại một dạng sách, ừ thì rõ là tác giả và tình tiết có khác nhau đó, nhưng cốt lõi câu chuyện, cái mô-típ truyện thì “u như kỹ” – nhưng mà tui đọc hoài không chán.
Với tui thì đó là những truyện sách về nhân vật nữ cường, hay là bị ruồng bỏ, nhưng rồi biết tự đứng lên chiến đấu vì bản thân, vì những người xung quanh không thật sự thấu hiểu cô ấy. Có lẽ là bởi vì qua những câu chuyện như vậy, tui có cảm giác được đồng cảm, và không còn cô đơn nữa, hoặc chăng là nhìn thấy có những người khác còn đau khổ tương đương, hoặc có khi là bất hạnh hơn cả mình. Vì lý do nào thì không rõ, dù câu chuyện có nhiều tình tiết gây khó chịu, tui vẫn cảm thấy truyện ấy đã an ủi tui rất nhiều, tui tự hỏi vì sao mình cứ bị cuốn hút bởi chúng như thế. Các bạn ở đây có ai chung trải nghiệm hông?



Có một cảnh trong vở Lion in Winter, khi Henry đệ Nhị bước xuống tầng hầm, nơi ông ta đã tống ba đứa con trai của mình vào đó hòng kết liễu họ. Richard (lịch sử đã gọi ông là Richard The Lionheart – Richard Sư tử tâm) đã lập tức đứng lên và nói “Ông ta sẽ không có được sự thỏa mãn từ tôi, bởi tôi đây sẽ không cầu xin khuất phục!”
Một người anh em khác đã hỏi lại một câu chí mạng rằng “Để làm chi, kẻ hữu dũng vô mưu này, đã bại rồi thì còn quan trọng gì đâu?”
Richard đã đáp lại, đơn giản là “Khi thất bại là kết cục duy nhất, thì danh dự là tất cả ta còn”
Những cảnh huống như thế này luôn có một sức cuốn hút kỳ quặc với tui, cái thử thách mà ở đó một con người đã lựa chọn hành động bất chấp bi kịch đang giáng xuống đầu họ. Cái cách mà họ đã “cuồng nộ lại ánh dương đang tàn rũ” như lời một bài thơ xa xưa nào đó. Với tui thì, điều này đã nêu bật nhiều điều về bản chất con người, về phong thái mà loài người sẽ lựa chọn khi đương đầu với những ý niệm về tất định, hay ý chí tự do, hay ý niệm về cái chết sau cùng, không tránh khỏi mà tất cả chúng ta rồi sẽ đối mặt ở cuối chặng đường.
Hành động của chúng ta khi đối mặt với kết cục ấy thể hiện ý nghĩa cô đọng, sâu sắc và rõ ràng nhất về phẩm chất của chúng ta, và tui không thể không mê mẩn những câu chuyện làm sáng tỏ những cuộc đấu tranh nguyên thủy mà then chốt nhất về lẽ sống con người.


“Tất cả những gì ta có, là tiếng thét vào cuồng phong – về cách mà ta đã sống và chết. Và cách chúng ta không khuất phục trước khi bị đánh bại”


Sự chờ đợi cái chết không phải là hiếm, nhưng hiếm khi bạn gặp được những con người mang tâm hồn đã được tôi luyện trong bộ áo giáp của ý chí sắt đá không thể xuyên thủng, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trong trận chiến mà biết chắc rằng sẽ thua. Khát vọng bình yên trở nên mạnh mẽ hơn khi hy vọng trượt dài, cho đến cuối cùng, chúng sẽ nuốt chửng cả mong ước được sống.
Trích từ Lord Jim. Mình đã ghi nhớ vào đầu những lời này ngay lần đọc đầu tiên.


Thím nên đọc “Đi tìm lẽ sống”. Đó là câu chuyện có thật về một người đã sống sót qua nạn diệt chủng và đã rút ra được một điều y như vậy, về cách mà ta bảo toàn phẩm giá và lẽ sống trong những hoàn cảnh tuyệt vọng và đáng sợ nhất.


Những truyện về “ngôi làng với một bí mật đen tối”, thơm ngon hơn nếu bí mật đó là một thứ gì siêu nhiên.


Tui gợi ý series “Ngày xửa ngày xưa” (One Upon a Time), rất hợp với gu thím!


Mấy từ ngắn gọn thôi, người kể chuyện không đáng tin.


Mình thích vụ này, nhưng chỉ khi tác giả viết tốt thôi, nhưng một khi mô-típ này trở nên quá phổ biến (hậu Cô gái mất tích – Gone Girl), thì đâu ra quá trời sách mà trong đó người dẫn truyện ngẫu nhiên giấu diếm một vài tình tiết để rồi phơi bày ra ở cuối truyện để tạo bất ngờ. Cách làm như vậy rẻ tiền lắm, ghét ghê á.
Eleanor Vance là một ví dụ hoàn hảo cho sự không đáng tin này, bởi sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần, bạn vẫn không thể chắc chắn 100% được, mọi diễn biến đều được sắp xếp tinh tế, dẫn đến một kết cục bất ngờ nhưng không thể tránh khỏi.
Bổ sung: Mình thích những người dẫn truyện không đáng tin mà do là họ quá ngây thơ, hoặc quá điên loạn nên không thể tin được, còn những nhân vật mà cố tình nói xạo nói điêu ngay từ đầu thì mình ghét lắm, trừ một số ngoại lệ thôi.


Lần nào đọc phải dạng tự sự này cũng ưng hết. Mình thích cảm giác rằng mình không biết gì cả, tất cả chỉ là qua góc nhìn. Thật ra mình nghĩ hầu như mọi tác phẩm đều có một nhân vật không đáng tin như vậy, trừ khi quyển sách được kể hoàn toàn ở ngôi thứ ba. Bởi vì các cậu chỉ có thể xem được diễn biến thông qua lăng kính của nhân vật, chúng ta ai cũng biết góc nhìn họ có phần sự thực trong đấy, nhưng đồng thời lại có quá nhiều nhân vật với góc nhìn khác nhau. Không một nhân vật nào là hoàn toàn đáng tin hết.


Khi chỉ nghe được một nửa cuộc đối thoại. Chẳng hạn như khi nhân vật đang nghe điện thoại, hoặc kiểu vậy, và độc giả chỉ nghe được cuộc trò chuyện diễn ra từ một phía. Cái thú vị của điều này là bạn phải tự mình chắp nối để đoán nội dung của nửa còn lại.
“Xin chào? Tôi là bác sĩ chính của cậu ấy”
“Đúng vậy. Cậu ta đã uống viên thuốc vàng”
“Không, bằng miệng!”
“Được rồi giờ thì phi tang cái xác đi”
“Đúng! Nếu có một cái xác được đưa tới, hãy phi tang nó”


Nhân vật không phải người bắt đầu khám phá ra nhân tính trong họ. Thêm điểm nếu thiết lập ban đầu của họ không nhận ra thứ nhân tính đó.
Mình có thể đọc cái này cả ngày, ngày qua ngày cũng được. Mình nghĩ lý do mình thích cốt truyện kiểu này là do mình thường cảm thấy bản thân không được giống “người” cho lắm.


Cũng là món khoái khẩu của tui á. Tui gọi dạng này là mô-típ Pinocchio.
Trong số những đầu sách mới đọc gần đây, tui thích quyển The Murderbot Diaries.


ĐÚNG ĐÚNG ĐÚNG CHUẨN LUÔN NÈ CỐT TRUYỆN ƯA THÍCH CỦA TUI ĐÓ!!! Sự nhận thức rằng bạn có thể không phải nhân loại, nhưng bạn vẫn thành nhân. Thật là thơ mộng. Tui cắn hoài không chán.


Không máu mủ nhưng vẫn là một gia đình. Mình rất ăn những tình tiết như vậy dù nhiều khi còn chẳng hề hài hước. Hãy ném cho tôi một người đàn ông đã dày dạn trận mạc bỗng trở thành ông bố đơn thân cho một đứa bé bị bỏ rơi. Hãy cho tôi câu chuyện về hai con người đã mất đi tất cả gặp gỡ và gắn kết nhau như ruột thịt. Hãy cho tôi một nhóm đồng đội vẫn ở bên nhau sau khi nhiệm vụ hoàn thành bởi vì họ đã gần gũi với nhau như gia đình và không thể sống thiếu nhau nữa. Tui sống để gặm những quả truyện như thế thôi.


Kẻ thù thành chiến hữu. Mình nghĩ đấy là điều mà tâm hồn ngây thơ đầy hy vọng của mình ước mơ cho toàn thế giới. Với lại mình cũng có vài trải nghiệm thực tế, ban đầu mình không có thiện cảm với người ta lắm đâu, nhưng sau đó thân nhau quá trời, và mình kiểu ủa sao ban đầu mình không ưa nhỏ này zạy ta?!


Cốt truyện đồng hồ cát, đặc biệt là khi đạo đức và tính cách của hai nhân vật dần dần đổi chỗ cho nhau.
Ví dụ, Nhân Vật A khởi đầu là một tội phạmmột gã bế tắchay hoài nghi nhưng dần dần được khai sáng và trở nên tốt lành hơn nhờ một loạt các tình tiết và bố cục của truyện. Cùng lúc đó, Nhân Vật B ban đầu là một người tốt và thân thiện, nhưng rồi trở nên cay đắng và uất hận khi mạch truyện tiếp diễn.
Cuối câu chuyện, hai nhân vật hoán đổi cho nhau. Mình thích chứng kiến hành trình thay đổi của họ (ấy là nếu viết hay nhé).


Trong một cuộc tranh cãi nảy lửa, quá khứ của lão sư phụ tính tình khốn nạn của nhân vật chính được phơi bày. Nhân vật chính nhận ra sư phụ của mình đã phải hy sinh nhiều thế nào, và họ làm lành với nhau. Sau đó vài chương thì sư phụ của nhân vật chính ngỏm củ tỏi, khiến người xem xúc động.


Một dạng kể chuyện kiểu như “bóc hành tây” vậy. Dạng tự sự này hay được áp dụng trong truyện bí ẩn hay trinh thám vv nhưng tui cũng thấy trong một số mảng đề tài khác. Đó là khi nhân vật chính bóc tách từng lớp bí mật hay sự kiện để đi đến sự thật cuối cùng. Không có những twist kì quặc. Không có tình tiết trên trời rơi xuống. Chỉ có những bằng chứng dần dần chất đống để đi đến cái kết luận xác đáng cho sự việc.


  1. Lạnh lùng x Dễ thương
    Có lẽ là do tớ đã bị bỏ lơ suốt cả cuộc đời, nên tớ muốn một chàng lạnh lùng nhưng chỉ dịu dàng với tớ, đến trao cho tớ mọi sự quan tâm và tình yêu.
  2. Yêu thương nhau như gia đình thật sự.
    Rõ ràng rồi. Tớ cũng thích khi những nhân vật vốn không gia đình, chưa bao giờ cảm nhận tình thân trở thành một gia đình thật sự, xây dựng mái ấm cho nhau.

Nhân vật phản-anh hùng, hoặc phản diện nửa chính nửa tà là kiểu tương tác thú vị nhất, nếu được khắc họa tử tế.


Nhân vật chính vượt qua sự sa đọa. Đọc đã lắm.


Mình thích trải qua cả sa ngã lẫn cứu chuộc, cảm thấy những cốt truyện kiểu này không được phổ biến như mong đợi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *