du-lich-viet-nam-ky-vong-se-dat-gan-20-trieu-luot-khach-quoc-te-trong-nam-2024

Du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt gần 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024

Ngành du lịch kỳ vọng năm 2024 sẽ đạt gần 20 triệu lượt khách quốc tế - Ảnh 1.

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024. Ảnh: BTC

Du lịch Việt Nam kỳ vọng năm 2024 sẽ đạt gần 20 triệu lượt khách quốc tế

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024 diễn ra ngày 22/12, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, năm 2023, ngành du lịch đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. 

Tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 – 13 triệu lượt) của năm. Khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.

Bên cạnh đó, năm 2023 có hai yếu tố thuận lợi cho ngành du lịch đó là luật sửa đổi bổ sung về xuất nhập cảnh và dấu ấn về ngoại giao như chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với ký kết Đối tác chiến lược toàn diện và Tổng bí Thư Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ là cơ hội thuận lợi để năm 2024, ngành du lịch bứt phá, khẳng định sự quyết tâm ở mức cao nhất có thể.

Theo ông Vũ Thế Bình, từ hai yếu tố thuận lợi này, thời cơ phục hồi du lịch đã đến, các doanh nghiệp lữ hành, các hiệp hội du lịch nhìn vào cơ hội đó để làm du lịch, chuẩn bị thị trường, chuẩn bị sản phẩm, lực lượng lao động để đón khách quốc tế.

“Tôi rất muốn Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các Hiệp hội địa phương, tất cả các doanh nghiệp lữ hành phải có khát vọng vươn lên một cách mạnh mẽ, phải luôn luôn đi tiên phong trong lĩnh vực này. Năm 2024, với sự phối hợp của các doanh nghiệp du lịch, chúng ta nỗ lực đưa du lịch Việt Nam trở lại thời điểm trước Covid-19. Kế hoạch hành động năm 2024 thể hiện quyết tâm của Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch, trong năm nay chúng ta cùng cố gắng để các chỉ tiêu vượt năm 2019, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Chính phủ đã chỉ đạo từ năm 2020”, ông Vũ Thế Bình nói.

Đồng quan điểm đây là thời điểm phục hồi của ngành du lịch và kỳ vọng con số đạt được là gần 20 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024, ông Nguyễn Công Hoan – Phó tổng giám đốc tập đoàn Flamingo, Tổng Giám đốc công ty Red tour chia sẻ: “Nhìn lại những hoạt động của năm 2023, tôi tin tưởng và kỳ vọng du lịch năm 2024 sẽ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam.

Năm 2023, ngành du lịch có sự thuận lợi về luật sửa đổi bổ sung xuất nhập cảnh và là một năm với nhiều dấu ấn về ngoại giao. Hình ảnh các nguyên thủ các quốc gia đến với Việt Nam ngồi cà phê, đạp xe, ngồi bờ hồ… được quảng bá tới trên thế giới, cho thấy một Việt Nam an toàn, thân thiện và tươi đẹp”.

Ngành du lịch kỳ vọng năm 2024 sẽ đạt gần 20 triệu lượt khách quốc tế - Ảnh 2.

Du lịch Việt Nam. Du khách nước ngoài đến tham quan không gian nghệ thuật tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Huy Hoàng

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Hoan, bên cạnh việc tập trung thu hút khách quốc tế thì vẫn không nên bỏ ngỏ du khách trong nước. Bởi thị trường nội địa vẫn là thị trường nền tảng và lượng khách nội địa chi trả cao vẫn là một tiềm năng.

“Với Flamingo trong năm qua, lượng khách nội địa vẫn cao hơn so với các năm trước, thời gian lưu trú dài hơn, chi tiêu cũng cao hơn và lượng du khách quay lại cũng nhiều hơn. Nhìn thấy những điều này, chúng tôi xác định phải làm mới.

Năm qua, mặc dù khó khăn nhưng vẫn tập trung đầu tư ba địa điểm mới, đó là flamingo Hải Tiến (Thanh Hóa), Flamingo Tân Trào (Tuyên Quang) và Flamingo Tam Chúc (Hà Nam). Với những cách đầu tư làm mới, hấp dẫn từng địa điểm, chúng tôi muốn hướng tới tầng lớp chi trả cao, và không chỉ có khách nước ngoài mới chi trả cao mà ngay cả khách trong nước cũng có lượng khách đó. Đấy là nhận định trong lĩnh vực đầu tư và lĩnh vực lữ hành”, ông Nguyễn Công Hoan cho hay.

Còn ông Nguyễn Viết Tạo – đại diện JW Marriott Hanoi cho rằng, việc phát triển du lịch bền vững cần phải nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Thương hiệu quốc gia phải có sự chung tay, của rất nhiều người, Ban, Bộ từ chính sách, luật pháp của Chính phủ, Quốc hội đến quy hoạch cho du lịch.

“Hiện nay, nhiều điểm đến do quy hoạch mà sự phát triển du lịch trở nên lộn xộn, dẫn tới phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Thứ hai một số điểm đến địa phương do giá vé máy bay tăng cao nên giá dịch vụ tại địa phương đó tăng gấp đôi, gấp ba cũng dẫn đến mất đi hình ảnh, chất lượng của ngành du lịch trong mắt du khách và cứ tư duy theo kiểu theo mùa vụ là chúng ta đang tự ghè đá vào chân nhau. 

Trong khi để phát triển du lịch bền vững thì yếu tố cảnh quan thiên nhiên, môi trường và văn hóa là hết sức quan trọng. Vì vậy chúng ta cần kiến nghị với lãnh đạo địa phương để góp phần phát triển du lịch bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm tốt để cạnh tranh với các nước trong khu vực”, ông Nguyễn Viết tạo cho hay.

Ngành du lịch kỳ vọng năm 2024 sẽ đạt gần 20 triệu lượt khách quốc tế - Ảnh 3.

Du lịch Việt Nam. Khai mạc tuần lễ du lịch “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An” năm 2023. Ảnh: H.H

Cũng tại Hội nghị tổng kết, Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhìn lại thành tựu đạt được năm 2023 đó là kiện toàn bộ máy, tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phát triển hội viên; Tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến, truyền thông du lịch; Tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023… đồng thời đưa ra kế hoạch triển khai năm 2024.

Hiệp hội Du lịch kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương và địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mới; đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; Hoạt động Hợp tác Quốc tế và các hoạt động khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *