Khi bước chân vào Tiệm Trà Tháng Tư (đường Nhất Chi Mai, quận Tân Bình), khách hàng có thể dễ dàng nhìn thấy những tấm biển ghi rõ các quy định “sống ảo” tại quán. Với lượng khách gia tăng trong mùa lễ hội cuối năm, quán còn dựng cả standee lớn để nhắc nhở khách hàng.
Các quy định bao gồm không mang giày vào khu vực chụp ảnh, không di chuyển đồ trang trí, không sử dụng vật dụng hỗ trợ chụp ảnh chuyên nghiệp, không hỗ trợ chụp ảnh thương mại…
Quản lý quán nói với Tri Thức – ZNews rằng “bảng nội quy sống ảo” được đưa ra sau khi có nhiều khách chụp ảnh lộn xộn ảnh hưởng đến khách hàng khác và làm hư hại đồ đạc trang trí.
“Hiện tại, nếu khách vi phạm lần một sẽ được nhân viên nhắc nhở, nhưng từ lần thứ hai trở đi, quán sẽ từ chối phục vụ tiếp”, quản lý quán cho hay.
Tiệm Trà Tháng Tư không phải nơi duy nhất có quy định chi tiết với nhóm khách thích chụp ảnh. Nhiều quán cà phê khác tại TP.HCM cũng có hướng dẫn tương tự, thậm chí có thể phụ thu tiền triệu đối với khách vi phạm.
Cấm thay đồ trong nhà vệ sinh
Một trong những quy định phổ biến nhất tại các quán cà phê sống ảo ở TP.HCM là cấm khách thay đồ trong nhà vệ sinh.
Tại Dabao Concept (đường Tú Xương, quận 3), tấm biển nhắc nhở khách “Vui lòng không thay quần áo” được đặt ngay trước nhà vệ sinh. Những người vi phạm có thể phải trả 1,5 triệu đồng/giờ chụp hình.
Quản lý cho biết lúc mới mở quán không có quy định này. Tuy nhiên sau khi quán trở nên hot trên mạng, nhiều nhãn hàng đến chụp hình sản phẩm, khách hàng phàn nàn ngày một nhiều.
“Chúng tôi làm vậy, thứ nhất là để hạn chế khách chụp hình thương mại, thứ hai là tránh gây phiền phức, ảnh hưởng cho những khách hàng bình thường”, quản lý quán nói.
Các quán cà phê ở quận 3 cấm khách thay đồ trong nhà vệ sinh.
Sori cafe & more và O’Palm Cafe (đều nằm trên đường Tú Xương, quận 3) cũng có quy định tương tự. O’Palm Cafe treo những tấm biển nhắc nhở khách không thay đồ và tự ý chụp ảnh thương mại ở lối vào và cả trong nhà vệ sinh.
Còn theo Phan Trung Hiếu, quản lý quán Sori cafe & more, tiệm cà phê này vẫn hỗ trợ khách cá nhân thay một bộ đồ. Nhưng với người thay đồ từ lần thứ hai trở đi và không báo trước, quán sẽ phụ thu 3 triệu đồng/giờ.
“Quy định được đưa ra để ngăn nhóm khách biến quán cà phê thành nơi chụp ảnh sản phẩm. Với khách đến quán sau khi đi học, đi làm và muốn thay một bộ đồ đẹp để chụp hình, chúng tôi vẫn hỗ trợ bình thường”, Hiếu cho hay.
Với các quán cà phê check-in ở TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh, mức phí chụp ảnh thương mại thường thấp hơn, 250.000-300.000 đồng/giờ. Hầu hết không cấm nhưng đều giới hạn số lần thay đồ của khách.
Các quy định khác
Vì không hỗ trợ chụp ảnh thương mại, Tiệm Trà Tháng Tư cũng cấm luôn các ekip chụp hình, trang điểm quá chuyên nghiệp.
“Một số nhóm makeup chuyên nghiệp có thể đem theo rất nhiều đồ, ngồi trang điểm từ sáng đến chiều. Điều này thực sự ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của quán”, quản lý quán cho biết.
Ngoài những yêu cầu như giữ gìn các khu vực check-in, đồ trang trí, một số nơi còn viết giấy nhắc nhở hoặc có quy định dành riêng cho nhóm khách gia đình, trẻ em.
Đầu tháng 11, một quán cà phê ở TP Thủ Đức gây xôn xao khi cấm luôn nhóm khách dưới 12 tuổi. Quy định được đưa ra sau khi xảy ra tình trạng trẻ em chạy nhảy, đùa nghịch làm hư hại đồ decor Giáng sinh của quán.
Trên mạng xã hội, nhiều người ủng hộ, song cũng có không ít ý kiến phản đối quy định này.
Nhiều chủ quán cà phê nói rằng việc cấm trẻ em là một quyết định rất mạo hiểm vì các nhóm gia đình cũng là những khách hàng tiềm năng, chi tiêu mạnh tay. Nhưng với những trường hợp trẻ em quấy phá, quán có thể vừa bị hư hại đồ đạc, vừa bị các nhóm khách khác phàn nàn.
Một số nơi đưa ra những biện pháp mềm mỏng hơn như treo biển hoặc để nhân viên nhắc nhở.
Phạm Đình Bảo, đại diện Daisy Coffee (đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh), cho biết quán cũng gặp nhiều trường hợp khách nhỏ tuổi di chuyển đồ đạc lung tung, ảnh hưởng đến những người khác.
“Vì vậy, hiện tại, cứ có nhóm khách gia đình nào đến quán, nhân viên chúng tôi sẽ chủ động nhắc nhở các bậc phụ huynh nên chú ý đến trẻ đi cùng”, Bảo nói.
Ngay trước khu check-in với 4 cây thông lớn, quán cà phê này gần đây đã kê thêm tấm biển viết tay: “Mong anh/chị để ý không cho các bé chạy mạnh, phá đồ trang trí trong quán”.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.