NGÀY NAY LIỆU CÓ CÒN TƯ TƯỞNG TRỌNG NAM KHINH NỮ KHÔNG?

Người bạn ký túc xá của tôi sống ở nông thôn, nơi chỉ có vài mẫu đất và một ngôi nhà, và tại sao ngôi nhà đó sau này lại trở thành nhà của người em trai thì chắc mọi người không đoán nổi đâu.

Có lẽ cô ấy còn đáng thương hơn Phàn Thắng Mỹ (*)

(*) Phàn Thắng Mỹ: Nhân vật trong phim Hoan Lạc Tụng. Sinh ra từ gia đình nghèo, cô lớn lên trong gia đình gia trưởng nghèo khó, cha mẹ đối xứ với cô rất bất công, sau giờ làm việc thường xuyên phải gồng gánh cho người anh cả, phải kiếm tiến để lắp đầy “hố không đáy” của gia đình.

Nói về người bạn ký túc xá của tôi, 4 năm đại học đều A A+ tất cả các môn, nhận học bổng đến mỏi tay, năm nào cũng được trợ cấp, có lần còn ẵm luôn suất học bổng quốc gia.

Cô ấy có một người em trai, học ngành IT ở một trường hạng 3 ở Đại Liên.

Cô ấy không kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình mình, cũng không bao giờ đi dạo phố mua quần áo, không cày phim hay makeup, bình thường chỉ ăn bánh bao rồi dưa chua, rất ít khi mua đồ ăn vặt, cô ấy thường đến thư viện, giúp chúng tôi vạch ra những lỗi sai trong bài kiểm tra, có lúc còn chỉ chúng tôi những mẹo làm bài.

Chúng tôi rất thắc mắc, tại sao dù nhận rất nhiều học bổng rồi tiền trợ cấp thế nhưng cô ấy vẫn sống trong cảnh chắt chiu nghèo khổ như vậy, chúng tôi thường đưa cô ấy đi ăn những món ăn ngon, cô ấy liên tục từ chối nhưng rồi cũng phải đồng ý. Cô ấy gầy lắm, chân như cán chổi vậy, nhiều người không biết chắc còn tưởng cô ấy bị bán cho trường tôi làm công nhân nô lệ.

Có lần, cô bạn cùng phòng ký túc xá của tôi bị đau ruột thừa, sốt cao rồi ngất lịm đi, chúng tôi ba chân bốn cẳng đưa cổ đến bệnh viện, y tá đã gọi điện cho bố mẹ cô ấy bảo thanh toán tiền viện phí, rồi giải thích tình hình cho họ nghe. Sau khi nghe xong, bố mẹ cổ mới nói với nhân viên:

“Ôi dào, mấy cái nhỏ nhặt đó có sao đâu mà. Lần trước bố nó đi làm ruộng không cẩn thận cắt vào chân, máu chảy ra cũng không nhiều? Sang bệnh viện làng khâu mấy mũi, uống thuốc là xong, à đúng rồi, cô giáo nó ơi, trước có phải con tôi nó có suất học bổng 8000 tệ (~28tr) đúng không, đợi lát con bé tỉnh thì bảo nó chuyển cho em trai 6000 tệ (~21tr), nó đang muốn mua điện thoại, con trai tán gái cũng cần tiền mà, cô cứ bảo như thế với nó nhá.”

Nói xong thì cúp máy.

Người bạn ký túc xá của tôi tỉnh dậy, kể với chúng tôi rằng, nhiều năm nay học bổng của cô ấy đều dùng để nuôi gia đình và em trai, cô ấy đưa cho tôi ảnh đã chuyển khoản tiền viện phí, chúng tôi cầm lấy nó đưa cho nhân viên, cô nhân viên thu ngân thấy vậy mắt đỏ hoe, lấy 2000 tệ (~7tr) ra đưa cho chúng tôi, nói rằng tiền này là tiền của giáo viên và các bạn cùng lớp quyên góp, bảo cô ấy hãy giữ gìn sức khỏe và đừng lo lắng.

Năm đó, bạn ký túc xá nhận được học bổng, cô ấy tiết kiệm tiền nên chỉ dám đi xe buýt, trên xe cô bị móc túi, lấy hết tiền và điện thoại, về phòng cô ấy suy sụp khóc òa lên. Chúng tôi không biết phải làm sao để an ủi cô ấy, cô ấy gọi cho mẹ xin ít tiền mua quần áo, sau khi mẹ cổ nghe tin cô ấy không gửi tiền về nhà liền mắng chửi điên lên, tuy cô ấy không bật loa ngoài nhưng chúng tôi đều nghe rõ mồn một tiếng la hét của bà mẹ ở đầu dây bên kia.

Cô ấy không chịu nổi nữa, liền cúp máy, chạy vào nhà vệ sinh khóc òa lên, hơn nửa tiếng sau, mẹ cô ấy nhắn tin vào điện thoại tôi nhờ tôi thuyết phục, nói:

“Cô biết con là đứa hiểu chuyện, con nói với XX, nếu không muốn gửi tiền về nhà thì cứ nói thẳng ra đi. Còn bày đặt vẽ việc ra làm gì? Mày xem đứa con gái nhà lão Lý kia kìa, hồi xưa nó còn chưa tốt nghiệp hết cấp 2, bây giờ mỗi tháng nó đều gửi cho gia đình 1 2 vạn tệ (~35 đến 70tr), mà nó còn không được học đến nơi đến chốn như mày đâu nhé, thôi đừng nói nữa, hai ngày nữa tao với bố mày lên trên đấy.”

Chúng tôi không biết một cô gái chưa có bằng cấp có thể làm gì chân chính để kiếm 1 2 vạn tệ 1 tháng. Khi bạn tôi bước ra phòng tắm, chúng tôi không đưa tin nhắn mẹ cô ấy gửi đến, chỉ bảo rằng bố mẹ cổ sẽ đến.

Sau đó, bố mẹ cô ấy đến như đã nói, dẫn theo đứa em trai, khi chúng tôi tan học, đứa em cổ mang đồ Nike và Adidas, đứng hút thuốc ở trường, bạn tôi mới nói em mình không được hút thuốc ở đây, thế là bố mẹ cô ấy đến ký túc xá chửi một trận, xô đẩy, lăng mạ và nói đủ thứ câu tục tĩu, nhân viên xuống tách họ ra. Hôm đó hiệu phó tình cờ nói chuyện với hiệu trưởng, ông cũng xuống tìm hiểu sự việc, sau khi an ủi bố mẹ cô, bố mẹ cô mới thốt lên: “Con tôi bị vậy mà không có trợ cấp hay bồi thường à?”

Cạn mẹ lời.

Hiệu trưởng nói không có, thế là hai người đó giãy dụa ăn vạ dưới đất.

Người bạn tôi đứng sang một bên, khuôn mặt vô cảm, ánh mắt tràn đầy sự thất vọng và lạnh lùng.

Cuối cùng, bố mẹ cô ấy bị bảo vệ lôi ra ngoài.

Năm đó là mùa đông lạnh nhất ở chỗ chúng tôi, gió mạnh như dao cứa vào mặt, chúng tôi đứng phía sau nhìn cô ấy, đang vừa la vừa khóc, cũng không biết cô khóc vì điều gì, chỉ thấy đầy bất mãn và đau đớn.

Sau đó, cô ấy học thạc sĩ và được miễn học phí, chúng tôi đều cảm thấy cô ấy rất xứng đáng.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, cô ấy đi làm ở một ngôi trường ngoại tỉnh, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với cô ấy.

Vào hôm nọ, cán bộ trường có liên lạc với tôi và xin thông tin liên lạc của cô ấy, nói rằng bố cổ bị bệnh nặng.

Tôi lưỡng lự hồi lâu rồi liên lạc với cô ấy, cô ấy im lặng rồi bảo “Ừ”.

Sau đó cán bộ mới nói rằng cô ấy không về nhà, một tuần sau đó bố cô đã qua đời, mẹ cũng đến trường tìm cô nhưng không tìm được.

Chúng tôi cũng không hỏi cô ấy tại sao.

Bởi mùa đông năm đó, phía bên hồ, bố mẹ đã không còn trong trái tim cô nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *