1.
Khi tôi dẫn em gái đi ăn đồ Tây, người phục vụ hỏi em tôi muốn bò chín mấy phần, sau khi suy nghĩ một lúc, em tôi ngây thơ nói: “8 phần đi…”
Người phục vụ không nói gì, thế nhưng cặp đôi ngồi bên cạnh đang cầm dao nĩa, từ từ cắt bít tết rồi nhìn em tôi bằng ánh mắt khinh thường. Lúc đó em tôi bỗng hơi xấu hổ.
Tôi nói với người phục vụ: “Nướng bít tết xong thì giúp tôi cắt thành từng miếng. À, nhân tiện mang cho tôi thêm hai đôi đũa nữa. Cảm ơn anh.”
Có lẽ vì giọng tôi hơi to nên không những bàn bên cạnh mà một số người ngồi ăn xung quanh cũng chú ý đến tôi. Tôi nghĩ chắc lúc đó tôi đã trở thành một “thằng quê mùa” trong mắt họ rồi.
Em tôi không nhịn được cười.
Tôi nhớ ngày hôm đó, dưới ánh mắt khinh thường của những người xung quanh, chúng tôi đã dùng đũa ăn xong món bít tết 8 phần chín một cách ngang nhiên.
Nếu gặp tình huống tương tự, bạn cũng có thể thử phương pháp của tôi. Hầu hết các nhà hàng phương Tây trông thì có vẻ sang chảnh nhưng lại có định vị thấp (Tôi khuyên bạn nên quan sát thực khách ở những nhà hàng phương Tây mà bạn thường đến). Có nhiều bạn trẻ cầm phiếu mua hàng theo nhóm và ăn với giá rẻ hơn rất nhiều, họ cắt bít tết một cách lịch sự trước mặt người khác và đâu đâu cũng hướng về văn hóa phương Tây.
Khi chúng ta cảm thấy xấu hổ vì ăn uống sai cách, đó thực chất là một chuỗi khinh miệt đang diễn ra.
Khi các tiêu chuẩn về phương pháp ăn uống được hình thành (bao gồm nội quy ăn uống, nghi thức ăn uống,… ) thì đồng thời một chuỗi khinh miệt coi thường cũng được diễn ra. Nếu gặp phải trường hợp tương tự, giải pháp tốt nhất là hãy nhảy ra khỏi chuỗi khinh miệt đó. Và cách đơn giản nhất để thực hiện giải pháp này là: thừa nhận mình không biết làm, mình không hiểu, nhưng mình sẽ không vì điều đó mà cảm thấy tự ti.
Bởi vì:
Tôi không dùng lễ nghi của anh, cũng không muốn học thói quen của anh, chẳng có đúng hay sai ở đây cả, tôi chỉ đến ăn thôi, còn ăn như thế nào là quyền tôi quyết định.
Cần phải biết rằng:
Bít tết thực chất chỉ là một miếng thịt bò mà thôi.
2.
Một đêm nọ khi tôi đang ăn ở Pizza Hut, có hai người đến ngồi xuống bàn bên cạnh, một người cầm chai vodka lớn trong tay, vừa ngồi vào chỗ liền cười lớn, người đó giơ tay nói: “Ông chủ, cho gọi món!”
Người phục vụ với vẻ mặt u ám mang menu lên, người đàn ông nhìn menu nói với người đối diện: “Chúng ta gọi 2 món nguội để uống trước, một món mặn một món chay nhá?”
Người ở bên kia nói: “Ờ, cậu cứ xem đi.”
Người phục vụ ngắt lời: “Xin lỗi quý khách, ở đây chúng tôi không có đồ nguội.”
Người đàn ông chỉ vào món salad trên menu và nói: “Ủa? Cái này không phải à?”
Người phục vụ: “Dạ thưa quý khách, đó là món salad.”
Người đó: “À ừ, tôi muốn gọi salad, mang cho tôi một đĩa nhá, còn món mặn thì lấy cho một đĩa mực đi. Món chính thì cậu muốn ăn gì?”
Người đối diện cầm thực đơn: “Tôi muốn ăn bò (Anh chàng chỉ vào món thăn bò trên menu), phần thịt thăn ấy. Thế còn cậu?”
Người đàn ông nói: “Tôi sẽ ăn bánh, rồi gọi thêm pizza.”
Trong quá trình gọi món, cả hai đều tỏ ra bình thản ung dung, cực kỳ hào hứng, người phục vụ từ vẻ mặt u ám chuyển sang không nhịn được cười.
Hai người này lúc gọi món rất vui vẻ, khi ăn cũng hào hứng, tôi ngồi bên cạnh nghe thôi cũng thấy thú vị. Cái chính là bạn ăn đồ ăn chứ không phải đồ ăn ăn bạn.