Lao động đóng BHXH kiến tăng tỷ lệ % khi tính lương hưu
Chia sẻ góp ý cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi, mới đây nhiều lao động trực tiếp cũng thể hiện quan điểm, mong cơ quan nhà nước xem xét sửa đổi chính sách đóng – hưởng BHXH.
Chị Nguyễn Thị Nhâm (37 tuổi), công nhân điện tử Khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ: “Kinh tế khó khăn, đời sống công nhân lao động chúng tôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, tiền lương không đủ sống, nhiều khi phải giật gấu vá vai. Đi làm cả chục năm nhưng cũng không có tích lũy, vì thế chỉ mong về già có chút lương hưu cao để đỡ khổ”.
Chị Nhâm kể, mong muốn là vậy nhưng cũng thật khó, vì giờ công ty ít việc, cũng đang rục rịch tính sa thải bớt lao động. Ở tuổi gần 40 nếu nghỉ việc chị chưa chắc đã xin được việc mới. Không xin được việc mới thì đương nhiên cũng không thể tham gia đóng BHXH tiếp.
“Nghe nói luật BHXH mới sẽ cho đóng 15 năm để hưởng lương hưu, nhưng nếu thời gian đóng ngắn thì chắc tiền lương hưu không nhiều. Mà nếu đi làm tiếp chúng tôi phải làm tới năm 60 tuổi. Lúc đó thời gian đóng BHXH của tôi phải hơn 30 năm. Tuổi nghỉ hưu tăng, thời gian đóng BHXH dài ra, trong khi đó về hưu thì vẫn chỉ được hưởng lương hưu tối đa 75%. Điều này không hợp lý”, chị Nhâm nêu.
Cũng như chị Nhâm, nhiều ý kiến người lao động kiến nghị nên tăng tỷ lệ hưởng lương hưu lên 79,5% thay vì 75% như hiện nay.
Chuyên gia ủng hộ tăng tỷ lệ hưởng lương hưu lên 79%
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi có nhiều điểm mới như giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm; bổ sung chính sách thai sản cho lao động tham gia BHXH tự nguyện… nhưng vẫn kế thừa toàn bộ quy định hiện hành.
Về tỷ lệ hưởng lương hưu thì: Lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu mức tối thiểu 33,75%, đóng 35 năm sẽ hưởng tối đa 75%. Nữ tham gia 15 năm hưởng tối thiểu 45%, đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%. Cùng lấy mốc 15 năm đóng BHXH tối thiểu nhưng tỷ lệ tích lũy lương hưu của nam thấp hơn nữ 11,25%.
Cả nước có 2,7 triệu người già hiện hưởng lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, trong khi lao động tham gia hệ thống là 17,4 triệu người. Bình quân 6,5 người đóng BHXH thì có một người hưởng hưu trí. Năm 1996, bình quân 217 người đóng một người hưởng; năm 2000 số người đóng còn 34 và năm 2016 còn 9 người đóng cho một người hưởng. Đến hết năm 2022, Quỹ kết dư hơn 988.400 tỷ đồng và ước đạt 1,1 triệu tỷ đồng vào năm 2023.
Chia sẻ về vấn đề này bên lề ĐH Công đoàn 13, bà Trần Thị Diệu Thúy – Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM, đánh giá Dự thảo luật BHXH tuy có nhiều điểm mới nhưng các giải pháp đưa ra đều tăng thu giảm chi, tăng tuổi hưu kéo dài năm làm việc, nhưng lại giảm mức hưởng lương hưu của lao động.
Cụ thể từ năm 2018, cách tính lương hưu hàng tháng theo hướng tăng dần số năm đóng. Để đạt mức tối đa 75%, lao động phải đóng đủ 30-35 năm BHXH thay vì 25-30 năm như trước. Trước năm 2018, lao động nữ tích lũy được 3%, lao động nam là 2% cho mỗi năm tham gia BHXH. Sau thời điểm này, tỷ lệ đồng hai giới còn 2%.
Điều này khiến giảm mức lương hưu của lao động. Đây có thể cũng là lý do giảm động lực thu hút họ ở lại hệ thống an sinh.
“Tôi cho rằng nên tính lại mức hưởng lương hưu cho mỗi năm đóng BHXH lên 2,3% thay vì 2% như hiện hành, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa tăng lên 79,5% thay vì 75%”, bà Thúy nói.
Tỷ lệ 79,5% dựa trên lao động nữ đóng BHXH 15 năm được hưởng 45%, đóng thêm 15 năm nữa đến khi đủ điều kiện 30 năm về hưu thì tích lũy thêm 34,5% (15×2,3%). Với lao động nam, tỷ lệ đóng khi đủ 35 năm là 79,75%.
Cơ sở đề xuất là tuổi nghỉ hưu đã tăng theo lộ trình đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam, đồng nghĩa lao động phải làm việc dài hơn. Thời gian đóng góp của họ vào Quỹ Hưu trí tử tuất lâu hơn, thêm 2 năm với nam và 5 năm với nữ, trong khi cách tính và tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa vẫn giữ như cũ.
Ở góc độ khác, nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng quy định rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm có thể khiến lao động lựa chọn đóng BHXH theo kiểu quay vòng, tức là tham gia thời gian ngắn rồi rút, sau đó đóng tiếp với nền lương cao hơn.
Theo cơ quan soạn thảo, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này không thay đổi công thức tính lẫn tỷ lệ hưởng lương hưu, chỉ tập trung biện pháp mở rộng diện bao phủ. Song bà Trần Thị Diệu Thúy cho rằng dự luật mới được Quốc hội bàn thảo lần đầu và sẽ còn thảo luận vào các kỳ họp sau, vẫn còn thời gian để cân nhắc, thay đổi. Ban soạn thảo cũng như Chính phủ cần lắng nghe tiếng nói của đại biểu, người lao động vì bài toán an sinh lâu dài, giảm gánh nặng ngân sách trước hệ lụy người già không có lương hưu.
Chiều ngày 7/12, trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng thật khó để có thể phân định đâu là tỷ lệ hưởng lương hưu hợp lý. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ là tỷ lệ đóng – hưởng, sự cân đối của quỹ BHXH, cũng như là mức độ đóng – hưởng dựa trên tiền lệ quốc tế.
“Tôi cho rằng cần có tính toán cụ thể khoa học dựa trên yếu tố kỹ thuật chính xác mới có thể tính toán, dựa vào đó đề xuất. Hiện tại, tổ soạn thảo chưa đề cập tới các kiến nghị này nên chưa thể bàn thêm”, ông Quảng nói.
Quan điểm cá nhân của ông Quảng cũng cho rằng: “Đứng ở góc độ người lao động, tôi có thể kiến nghị cho lao động hưởng 100% nhưng cái này còn phải xem xét dựa trên mối tương quan, nhiều yếu tố. Không thể chỉ dựa vào mong muốn của người lao động”.
Theo Bộ LĐTBXH, người Việt đang có tỷ lệ hưởng lương hưu cao tối đa 75%- cao hơn nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, mức lương hưu thấp do đóng trên nền tiền lương thấp. Với tiền đóng bình quân 5,7 triệu đồng như hiện nay, lương hưu của lao động nam đạt mức gần 2 triệu đồng và nữ khoảng 2,6 triệu đồng nếu giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm.
Bộ LĐTBXH cho biết Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.