Nhà là tài sản lớn với mỗi người nên khi xây nhà, mua nhà người xưa cho đến người nay đều rất chú trọng tới yếu tố phong thủy.
Chẳng hạn như nhà quay về hướng nào, địa hình và môi trường xung quanh ra sao,… Ngoài ra, cách bài trí từng món đồ nội thất trong nhà cũng đóng vai trò rất quan trọng. Vì việc này không chỉ ảnh hưởng tới tính tiện nghi trong nhà mà còn ảnh hưởng tới tài lộc của gia chủ.
Về vấn đề này, người xưa có câu: “Nhà có 3 chỗ trống, con cháu dễ nghèo khó”.
Ý người xưa là trong nhà nhất định 3 chỗ này phải lấp đầy, không được để trống, nếu không nghèo mãi hoàn nghèo, đời con cháu cũng không khá hơn được. Vậy 3 chỗ trống đó là nơi nào?
1. Phòng khách không thể trống
Phòng khách là nơi đón tiếp khách khứa, bạn bè tới chơi nhà, cũng là không gian sinh hoạt chung của cả gia đình. Trong phong thủy, phòng khách cũng là mặt tiền của ngôi nhà, là một trong những nơi đón những luồng khí mới.
Phòng khách có nhiều đồ đạc cũng được cho là thịnh vượng, sung túc. Nếu trong phòng khách không có gì thì tức là thiếu “khí” nên không có hơi thở của sự sống, trông không được tốt lắm.
Còn xét trên thực tế, không đặt bất cứ thứ gì trong phòng khách sẽ không thuận tiện cho cuộc sống của chúng ta. Ví dụ như không có bàn ghế, ấm chén,… thì khi khách đến nhà sẽ ngồi ở đâu, mời nước thế nào. Như thế khá bất tiện và bất lịch sự.
Vì vậy phòng khách không nên quá trống trải, bạn nên đặt những đồ nội thất thiết yếu ở đây. Ngoài ra, có thể trang trí thêm bằng tranh ảnh, cây cảnh,… để không gian thêm bắt mắt, sinh động.
Gia chủ cũng có thể đặt một số vật phẩm phong thủy ở phòng khách để chiêu tài, đón lộc, giúp gia đình ăn nên làm ra, có cuộc sống thịnh vượng. Tuy nhiên, những món đồ nên được chọn màu sắc, kích thước phù hợp với diện tích của ngôi nhà.
Đồng thời nên sắp xếp hài hòa sao cho cân đối, đừng nhồi nhét quá nhiều kẻo gây cảm giác bí bức, ngột ngạt mà lại không tốt cho phong thủy vì các luồng khí không lưu thông được.
2. Phòng học không được để trống
Phòng học là nơi để trau dồi kiến thức, có tác động quan trọng tới sự phát triển của cá nhân và gia đình. Vị trí phòng học tốt nhất là nơi yên tĩnh, sáng sủa và thông thoáng. Tránh đặt phòng học gần nhà bếp, nhà vệ sinh, nơi dễ phát sinh năng lượng tiêu cực hay gây mất tập trung như gầm cầu thang, gần lối ra vào.
Việc sắp xếp đồ đạc trong phòng học cần phải hợp lý, không nên quá trống trải. Nên đặt sách vở ở đây, sách nên đa dạng với nhiều kiến thức khác nhau để mở mang kiến thức.
Ngoài ra, phòng học không được để trống còn được hiểu theo một nghĩa khác là cần phải có người vào học tập, đọc sách ở đây thường xuyên, không nên bỏ trống nơi này. Theo người xưa, chăm chỉ đọc sách, trau dồi kiến thức sẽ giúp con người mở mang đầu óc, con đường tương lai thuận lợi và tươi sáng hơn.
3. Bếp không được để trống
Theo người xưa, bếp được coi là trái tim của ngôi nhà, cũng là “kho lương của gia đình”.
Căn bếp trống rỗng tượng trưng cho sự nghèo khó của gia đình, không tốt cho tài vận. Vì vậy không nên để căn bếp trống rỗng, nhất là thùng gạo, tủ lạnh để tránh ảnh hưởng tới tài lộc của gia chủ.
Ngoài ra, nên tránh đặt bếp ở hướng xấu như hướng Tây Nam hoặc Tây Bắc. Cần phải có sự hòa hợp giữa yếu tố Thủy và Hỏa, không nên để những vật dụng mang những yếu tố này ở gần nhau. Chẳng hạn như bếp nấu không nên đặt quá gần bồn rửa bát, tủ lạnh,…
Đồng thời, cần giữ cho không gian này sạch sẽ, ngăn nắp để nâng cao chất lượng món ăn và sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
(*) Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo!