hop-bao-dai-hoi-13-cong-doan-viet-nam:-dat-muc-tieu-thuong-luong-tien-luong-lam-trong-tam

Họp báo Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam: Đặt mục tiêu thương lượng tiền lương làm trọng tâm

Đàm phán tăng lương cho lao động là 1 trong 3 đột phá

Sáng nay, 3/12, Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 -2028 đã bế mạc. Tham gia buổi họp báo có 6 đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa 13. Đoàn Chủ tịch đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên báo chí.

Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về vấn đề tiền lương, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định trong 5 năm qua Công đoàn đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong thương lượng về tiền lương. 5 năm qua, nhờ đẩy mạnh thương lượng, tiền lương của công nhân, lao động trong các doanh nghiệp đã tăng 25,34%.

ĐH công đoàn 13

Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí. Ảnh: Nguyễn Hải

Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong việc nâng cao chất lượng đời sống cho đoàn viên công đoàn, người lao động thông qua thương lượng tiền lương.

Ông Hiểu cũng cho biết thêm, vào mỗi thời điểm, căn cứ nhu cầu của người lao động công đoàn sẽ có những tính toán khác nhau. Công đoàn cũng sẽ khảo sát kỹ hơn bức tranh tiền lương, sức khỏe của doanh nghiệp để đưa ra các chính sách thương lượng, kiến nghị phù hợp.

Ông Hiểu khẳng định, thương lượng tập thể là 1 trong 3 khâu đột phá của tổ chức công đoàn trong thời gian tới. Công đoàn sẽ tập trung vào tiền lương; tiền thưởng; an toàn lao động… trong đó tiền lương là trọng tâm, được tập tập trung cao nhất. Bởi vì người lao động đi làm cần có tiền lương đủ sống.

“Trong thương lượng tiền lương chúng tôi sẽ thực hiện nhiều giải pháp. Đầu tiên là đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ công đoàn các cấp, đồng thời nâng cao kỹ năng đàm phán thương lượng cho họ,  thứ 2 là tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tiền lương tối thiểu hiện nay”, ông Hiểu nói.

Sáng nay, 3/12, Đại hội Công đoàn lần thứ 13 đã thông tin về kết quả bầu Ban chấp hành Tổng Liên đoàn khóa 13. Kết quả bầu 28 đồng chí tham gia Đoàn Chủ tịch, bầu đồng chí Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa 13 và bầu 5 đồng chí, gồm: Đồng chí Phan Văn Anh, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, đồng chí Thái Thu Xương, đồng chí Huỳnh Thanh Xuân, đồng chí Nguyễn Xuân Hùng giữ chức Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa 13; bầu Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa 13 gồm 17 đồng chí và bầu đồng chí Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cụ thể, tổ chức Công đoàn cũng đề xuất thay đổi tiền lương tối thiểu ở những vùng được cho là chậm phát triển. Ngay cả những vùng khó khăn cũng có những huyện, vùng phát triển hơn, có điều kiện mức sống tối thiểu cao hơn. Do vậy cần nâng lương để đảm bảo cuộc sống của người lao động ở vùng này.

“Cũng liên quan tới việc thực hiện chế độ tiền lương, Công đoàn sẽ tổ chức giám sát việc thực hiện, đảm bảo nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi thực hiện chế độ lương”, ông Hiểu nói.

Nhiều khả năng tiền thưởng Tết năm 2024 sẽ khó khăn

Trước các câu hỏi của phóng viên về tình hình thưởng Tết năm 2024, ông Hiểu cho biết, theo dự báo tình hình thưởng Tết năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn. Khả năng nhiều lao động không có thưởng Tết. Trước tình hình đó, tổ chức Công đoàn cũng đã chỉ đạo liên đoàn công đoàn các tỉnh để các tỉnh chỉ đạo công đoàn cơ sở nắm tình hình, phân loại các doanh nghiệp với các mức độ khó khăn khác nhau chủ động thương lượng đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

ĐH công đoàn lần thứ 13

Ban chấp hành Công đoàn khóa 13 ra mắt đại hội. Ảnh: N.Hải

Ông Hiểu cho biết, Công đoàn luôn mong muốn người lao động có thưởng Tết cao, nhưng phải phù hợp với thực tiễn. “Tuy nhiên chúng tôi cũng thấy thưởng Tết bắt nguồn từ sức khỏe của doanh nghiệp, vì thế nếu doanh nghiệp khó khăn mức thưởng không được như năm ngoái hoặc vài năm gần đây thì tôi tin rằng với truyền thống của giai cấp công nhân, người lao động vẫn có thể chia sẻ, thông cảm với doanh nghiệp.

Với người lao động thưởng Tết không chỉ có giá trị vật chất mà còn có giá trị tinh thần. Điều này càng quan trọng khi doanh nghiệp đang khó khăn, thiếu lao động thì việc đảm bảo phúc lợi cho người lao động giúp họ yên tâm làm việc, càng có giá trị với doanh nghiệp”, ông Hiểu nói.

Ông Hiểu cũng thông tin thêm về phiên đàm phán tăng lương tối thiểu vùng. Thời điểm này sắp tới dịp Tết dương lịch, Tết âm lịch, các doanh nghiệp đang phải chi trả rất nhiều chi phí nên khá khó khăn. Vì vậy đợt tết này Công đoàn sẽ phối hợp tốt với doanh nghiệp chăm lo Tết cho người lao động.

Dự tính sau Tết, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ khởi động phiên họp để đàm phán tăng lương tối thiểu vùng. “Chúng tôi quán triệt tinh thần với người lao động là hài hòa. Khi khó khăn chúng ta sẵn sàng chia sẻ, khi thành công chúng ta cùng hưởng lợi. Tuy nhiên với những doanh nghiệp làm ăn tốt thì chúng tôi cũng chỉ đạo công đoàn cơ sở tích cực thương lượng cho người lao động mà không cần phải chờ tăng lương tối thiểu vùng”, ông Hiểu nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *