Phải quy định chặt chẽ việc rút bảo hiểm xã hội một lần
Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phát biểu thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho rằng, bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng trong thời gian qua “là một thực tế đáng lo ngại” đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá nguyên nhân dẫn tới xu hướng gia tăng của tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần để có giải pháp căn cơ.
Đại biểu đề nghị xem xét điều kiện giúp bảo hiểm xã hội một lần thật thận trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Đại biểu cũng phân tích về ưu, nhược điểm của 2 phương án do cơ quan soạn thảo trình và đề nghị nên nghiên cứu phương án người lao động được lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc rút 50% thời gian đã đóng; thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu và không nên chỉ giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đã đóng.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) nhận định, dự luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đã đặt ra nhiều vấn đề sâu sắc và tương đối toàn diện.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ hơn chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm xã hội và tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn, để bảo hiểm xã hội trở thành trụ cột chính của an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu chuẩn bị trước áp lực già hóa dân số…
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết, chỉ trong tháng 7/2023, cả nước có 92.000 lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần. Khi doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội tăng, họ cũng bức xúc và mong muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần hơn.
Vì vậy, đại biểu cho rằng cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để người lao động không muốn rút bảo hiểm một lần. Đại biểu cho rằng, cả 2 phương án đều dẫn đến tình trạng gia tăng việc rút bảo hiểm xã hội một lần trước thời điểm luật có hiệu lực.
Đại biểu bày tỏ, phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên là phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút bảo hiểm xã hội một lần để một lượng người không lớn đáp ứng điều kiện. Từ đó, có thể xem xét thiết kế thành các phương án khác nhau để người lao động lựa chọn.
Thứ nhất, nếu người lao động bảo lưu để hưởng lương hưu thì được hưởng quyền lợi tăng thêm so với thông thường như giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, có trợ cấp hàng tháng trong trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, hưởng bảo hiểm y tế…
Thứ hai, nếu “qua” được các điều kiện khắt khe để rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động không được hưởng quyền lợi tăng thêm.
Thứ ba, người lao động có thể chọn bảo lưu 50% chế độ khi rút bảo hiểm. Phương án này giúp người lao động có tiền giải quyết một phần khó khăn khi mất việc và vẫn tạo cơ hội cho họ tiếp tục tham gia bảo hiểm.
Cần giải pháp để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần
Cùng góp ý về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho hay dự thảo luật đưa ra 2 phương án với mục đích chung để hạn chế người lao động rút.
Nhưng theo bà Kiều, phương án 1 chỉ cho những người tham gia bảo hiểm xã hội trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực, đủ điều kiện được rút. Với những người tham gia sau thời gian luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) lại không được, như vậy chưa đầy đủ.
Với phương án 2 cho tất cả người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng chỉ được 50%. Song vấn đề đặt ra theo bà Kiều là nhiều người lao động có lương thấp, mức đóng thấp nên khi rút bảo hiểm xã hội một lần số tiền ít sẽ không giải quyết được khó khăn.
Do đó, theo bà Kiều, cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn đảm bảo để họ có thể ổn định đời sống sau khi ngừng việc.
Bà đề nghị nên có phương án sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm xã hội để thành lập quỹ cho vay với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Phát biểu tranh luận về Bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 70, dự thảo luật nêu ra 2 phương án, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) bày tỏ thống nhất cao với quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Nữ đại biểu này cho rằng, nếu chọn hương án 1 sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Bởi một trong những lý do chính khiến người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt.
Quy định như phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp. Do vậy, việc rút bảo hiểm xã hội một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ. Như vậy, sẽ không tạo động lực để người lao động trẻ, lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội, không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng của Bảo hiểm xã hội như quan điểm xây dựng luật đã nêu, khiến cho mục tiêu ý nghĩa của chính sách về bảo hiểm xã hội không đạt được như Nghị quyết 28 của Trung ương đề ra.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, nếu chọn phương án 2 người lao động vẫn có thể rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng là tiền của người lao động. Bên cạnh đó, việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt của cuộc sống.