Công đoàn đã thương lượng tăng mức tiền lương tối thiểu lên hơn 25%, trong 5 năm qua
Đây là thông tin được ông Ngọ Duy Hiểu – Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin trong buổi Thông tin báo chí hướng tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 -2028 vào chiều nay (ngày 22/11).
Phát biểu tại buổi thông tin báo chí, ông Nguyễn Mạnh Kiên – Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028 là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; xác định mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023 – 2028; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII; đánh giá việc thi hành và thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).
Ông Kiên cho biết, thời gian qua công đoàn các cấp cũng đã tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp. Về kết quả quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, trong 5 năm qua các cấp công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động nhất là trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Nổi bật là thành tích trong thương lượng về tiền lương. 5 năm qua, công đoàn đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở; có 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp với 224 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, 119.336 người lao động được thụ hưởng.
Hoạt động tư vấn pháp luật được đẩy mạnh với hơn 330.000 vụ tư vấn cho hơn 1,1 triệu lượt đoàn viên, người lao động; tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án cho 12.369 người…
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3/12/2023. Tham dự đại hội có 1.100 đại biểu. Đại hội lần này sẽ cho ý kiến thảo luận về 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Bên cạnh đó, công đoàn cũng có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Có thể kể đến như chăm lo lao động dịch Covid-19; chăm lo cho hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp “Tết Sum vầy” với trên 28 nghìn tỷ đồng; tổ chức hỗ trợ “Mái ấm Công đoàn” hỗ trợ hơn 14 nghìn người lao động xây dựng, sửa chữa với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng cùng hàng vạn ngôi “nhà tình nghĩa”, “nhà đại đoàn kết”.
Mục tiêu đẩy mạnh thương lượng tiền lương, xem đây là một trong 3 đột phá của công đoàn
Đại Hội Công đoàn lần thứ XIII đặt mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội.
Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt.
Đại hội đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như: 85% trở lên đoàn viên, người lao động được tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và công đoàn; 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khu vực nhà nước, ít nhất 85% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
Chỉ tiêu hết nhiệm kỳ cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật…
Phát biểu kết luận tại buổi thông tin báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định nhiệm kỳ vừa qua là nhiệm kỳ rất quan trọng, là nhiệm kỳ Quốc hội ban hành Bộ Luật lao động với nhiều những điểm thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức với tổ chức công đoàn, trong đó có nội dung cho phép các đơn vị thành lập tổ chức đại diện cho người lao động.
“Bên cạnh đó các yế tố như: Chiến tranh, xung đột vũ trang, dịch Covid-19; khủng hoảng kinh tế… cũng đã tác động rất lớn tới hoạt động của tổ chức Công đoàn. Trong bối cảnh đó, Tổ chức Công đoàn đã lãnh đạo giai cấp công nhân vượt qua thách thức, đạt được nhiều thành tựu”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ mới, công đoàn sẽ đẩy mạnh đối thoại, thương lượng, trong đó trọng tâm là đối thoại thương lượng về tiền lương. Đây được xem là 1 trong 3 nội dung đột phá của nhiệm kỳ tới.
Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng cần phải kiên trì, khéo léo, tùy thuộc tình thực tế để đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó các cấp công đoàn cũng chú trọng tới thương lượng tiền thưởng, chế độ phúc lợi cho người lao động…
Ông Hiểu cho biết thêm, thời điểm này, vấn đề quan trọng, căng thẳng nhất với công nhân lao động chính là vấn đề thiếu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đang có chiều hướng tăng. Vì vậy, một nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của tổ chức công đoàn là phải tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tiếp đó là giải quyết vấn đề tiền lương, nhà ở… cho người lao động. Ngoài ra, Công đoàn cũng kiến nghị giải quyết vấn đề tham gia BHXH của công nhân lao động, đặc biệt là vấn đề nợ BHXH cho 200.000 người lao động. Điều này tác động trực tiếp tới đời sống của người lao động và người thân của họ.