“Hồi mã cung” – tuyệt kỹ của kỵ binh Mông Cổ
Chiêu thức bắn cung này là nỗi kinh hoàng cho nhiều đội quân, nhất là những đội quân chưa quen việc đối đầu với người Mông Cổ.
Kỵ sĩ khi thi triển chiêu thức này sẽ ngồi trên mình ngựa, phi ngựa với tốc độ cao trong khi đối phương truy đuổi ở phía sau. Kỵ sĩ xoay người lại, kéo cung bắn về đối phương trong lúc hai chân vẫn cố gắng giữ chặt bàn đạp, kẹp chặt mình ngựa để giữ thăng bằng. Đòn tấn công này thường gây bất ngờ cho kẻ truy đuổi, có mang theo khiên cũng khó giơ lên đỡ kịp vì bị bắn ở cự ly gần.
Người kỵ sĩ dùng chiêu “hồi mã cung” này phải có khả năng giữ thăng bằng trên lưng ngựa tốt, đồng thời kỹ năng bắn cung cũng rất điêu luyện. Việc xoay người bắn nhanh và chính xác ngược về sau trong lúc đang cưỡi ngựa yêu cầu phải tập luyện nhiều năm. Người Mông Cổ lớn lên trên lưng ngựa mới có được nhiều kỵ sĩ bắn cung được như thế. Một phần cũng là do kỵ sĩ Mông Cổ được trang bị áo giáp da thú nhẹ và linh hoạt hơn nhiều loại kỵ binh khác.
Việc vận dụng thành thạo “hồi mã cung” khiến cho quân Mông Cổ có thể áp dụng tối ưu chiến thuật giả thua, vừa đánh vừa rút, đánh nhử … Hoặc lúc quân Mông Cổ thua thật, phải rút chạy thì họ vẫn rất nguy hiểm.
Tại chiến trường Đại Việt, chiêu “hồi mã cung” là nghi vấn hàng đầu về nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhiều chiến tướng Đại Việt. Các trường hợp tiêu biểu là tù trưởng Hà Đặc, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, Nghĩa dũng tướng Trần Thiệu … Những vị này được ghi chép là tử trận trong lúc truy kích quân Nguyên, trong những thời điểm mà quân Nguyên hầu như chỉ có chạy khi mà đã bị quân ta đánh tơi bời trên chiến trường chính.
-Văn hóa lịch sử-