cuoc-song-cua-nu-giao-vien-thoat-nan-trong-vu-chay-chung-cu-mini:-“xin-cam-on-cuoc-doi-nay!”

Cuộc sống của nữ giáo viên thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini: “Xin cảm ơn cuộc đời này!”

Nữ giáo viên xúc động kể ngày định mệnh cả gia đình thoát nạn vụ cháy chung cư mini

Tối muộn một ngày giữa tháng 11, cô Đặng Thị Hải Yến (31 tuổi), giáo viên môn Lịch sử, trường THPT FPT (Hà Nội) bước chân trở về nhà sau một ngày giảng dạy ở trường. Khi vừa bước chân vào cửa nhà đang thuê tạm ở quận Hà Đông, Hà Nội, cô Yến ôm chầm lấy cậu con trai 3 tuổi. 

Cô Yến và chồng là anh Hà Trung Đức (31 tuổi) cùng con trai đã may mắn sống sót trong vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội cách đây hơn 2 tháng.

Cuộc sống của nữ giáo viên thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini:

Cô Yến ôm chầm lấy con trai sau một ngày giảng dạy ở trường trở về. Ảnh: Gia Khiêm

Đang mang thai ở tháng thứ 5, cô Yến tỏ vẻ mệt nhọc hơn. Thế nhưng cô vẫn luôn tỏ vẻ lạc quan khi chính bản thân mình và chồng con đã may mắn sống sót sau hơn 5 tiếng trải qua khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời. Sợ hãi có, lo lắng có và xen lẫn hạnh phúc khi cả gia đình may mắn đều thoát nạn. 

“Cho đến bây giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn cuộc đời này khi tôi cùng chồng con đều thoát nạn. Cả tầng tôi chỉ có 2 gia đình, trong đó có vợ chồng tôi và một cặp vợ chồng hàng xóm thoát nạn. Các gia đình khác đều chịu cảnh mất mát người thân”, cô Yến chia sẻ.

Thời điểm xảy ra vụ cháy, cô Yến đang mang thai 12 tuần, sau khi được cứu hộ, vợ chồng cô và con trai trong tình trạng nhiễm độc do ngạt khí CO được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cấp cứu. Sau đó, cả gia đình được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. 

Cuộc sống của nữ giáo viên thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini:

Cô Yến xúc động nhớ lại những gì đã trải qua. Ảnh: Gia Khiêm

Nhớ lại phút giây đối mặt với tử thần, cô Yến kể, hơn 23h đêm 12/9, gia đình cô vừa lên giường đi ngủ, anh Đức nghe thấy tiếng kêu cháy ở dưới nên vội vàng chạy xuống. Đến tầng 6, phát hiện tòa chung cư đang ở xảy ra hoả hoạn kèm khói lớn, anh chạy lên gọi vợ con dậy, lấy khăn nhúng nước rồi đắp lên mũi. Anh dắt cả nhà rời khỏi tầng 8, men theo hành lang ra cầu thang bộ. Thấy khói đen bốc mạnh phía dưới, phán đoán không thể đi xuống, anh Đức quyết định đưa cả nhà chạy ngược lên tầng thượng.

“Lúc này, lối thang bộ lên sân thượng chen chúc, chồng tôi nghĩ nếu ở ngoài sẽ lạc mất nhau nên quyết định đưa hai mẹ con quay lại nhà và kéo ra ngoài ban công”, cô Yến nhớ lại.

Vận dụng kiến thức được tập huấn về kỹ năng phòng cháy cách đó 1 tuần tại cơ quan, anh Đức lấy chiếc chăn vắt qua dây phơi quần áo làm thành một lều nhỏ rồi dùng vòi nước xịt lên để cả nhà chui vào trong. Nhận thấy có tín hiệu của lực lượng phòng cháy chữa cháy, anh Đức bật đèn điện thoại ra dấu hiệu, liên tục hét lớn “trên tầng 8 có người” và nhờ nhà đối diện, gọi cảnh sát phun vòi rồng lên để lấy nước uống. Nước từ dưới ao gần hiện trường vụ cháy được cảnh sát bơm lên dập lửa đã giúp ba người thoát chết. 

“Do hít phải lượng khói lớn nên cổ họng cả gia đình tôi bị khô, nếu không uống nước sẽ bị bỏng hô hấp, phổi bị tổn thương. Lúc đó, không biết nước bẩn hay sạch, miễn có nước là chúng tôi hứng lấy uống. Lúc đó vợ chồng tôi động viên con trai cố gắng lên, con phải uống nước các chú cứu hoả mới lên cứu con được. Lúc đó chỉ sợ con đau bụng nhưng không còn sự lựa chọn nào khác giữa sự sống và cái chết”, cô Yến kể.

Cuộc sống của nữ giáo viên thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini:

Cậu con trai 3 tuổi của cô Yến mong sau này lớn lên làm cảnh sát PCCC. Ảnh: Gia Khiêm

Mặc dù cháy lớn nhưng người con trai 3 tuổi không hề khóc. Cậu bé trước đó hay xem phim hoạt hình thấy lính cứu hoả nên nghĩ cháy lúc sẽ dập được. Cậu bé bảo “Ba ơi, để con làm lính cứu hoả chữa cháy cho”. Với lượng oxy ít ỏi và khói đen mỗi lúc một dày đặc trong phòng, đã có lúc gia đình cô Yến cảm thấy tuyệt vọng, nghĩ không thể sống tiếp được nữa, ôm nhau khóc nức nở. Đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, chồng cô Yến lại động viên cả nhà cùng nhau cố gắng vượt qua.

Một khoảnh khắc khiến cô Yến bị ám ảnh, không thể quên được là những tiếng hò hét, kêu cứu của người già, trẻ em vọng ra từ nhà hàng xóm chỉ cách nhau một bức tường. Tiếng kêu cứu sau đó thưa dần rồi tắt hẳn, để lại những tiếng chuông điện thoại reo liên hồi nhưng không có người bắt máy. 

Gần 4h sáng khi có mưa thì cả nhà cô Yến hứng nước mưa uống. Lửa lớn cuối cùng cũng được dập, khói tan dần cả nhà mệt quá ôm nhau ngủ thiếp đi. Cầm cự đến 5h sáng, cảnh sát tiếp cận được với gia đình cô Yến trên tầng 8. 

Cuộc sống của nữ giáo viên thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini:

Hình ảnh lực lượng cứu hộ chạy đua cứu chữa nạn nhân trong vụ cháy. Ảnh: Xuân Huy

“Hai anh lính cứu hỏa vào nhà tôi, mở cửa ban công ra thấy 3 người vẫn còn sống họ bất ngờ. Khi được đưa ra, thấy người mất nằm la liệt, tôi ngất xỉu không biết gì cho đến khi được đưa vào viện. Đó là hình ảnh khiến tôi nhớ và đau xót mãi. Trong số đó, có những người hàng xóm hôm trước tôi vẫn thường gặp, chào hỏi nhau”, cô Yến nghẹn ngào nói. 

Gia đình cô Yến là những người sống sót cuối cùng được đưa ra khỏi chung cư, đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đối với cô Yến, những ngày nằm viện là những ngày đầy mệt mỏi, bởi cô đang mang thai nên không được dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Có lúc cô ho ra đờm đen đặc vì hít phải hơi khói. Sau thời gian điều trị tích cực, sức khỏe của cả gia đình cô tiến triển tốt, trận hoả hoạn không ảnh hưởng lớn đến thai nhi trong bụng. 

“Hàng tháng, gia đình tôi vẫn đi khám sức khoẻ định kỳ, Còn đối với em bé trong bụng, hai tuần tôi sẽ đi khám và theo dõi theo chỉ định của bác sĩ”, cô Yến nói và cho hay, mới đây cả gia đình đến trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC gửi lời cám ơn. Tại đây, các chiến sĩ vẫn nhớ hình ảnh con trai chị ôm lấy cảnh sát và không hề tỏ ra lo sợ.

Cô Yến quay ra nhìn con trai nói “Con có nói gì với các chú lính cứu hoả không? Con liền đáp: “Con có, con cảm ơn chú lính cứu hoả”. Chị hỏi tiếp: “Sau này lớn lên con con làm gì?” Cậu bé nhanh nhảu: Con làm lính cứu hoả”. “Để làm gì con? Để cứu người ạ”…

Cuộc sống của nữ giáo viên thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini:

Hiện trường vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ. Ảnh: Nguyễn Hoà

Thời gian nằm viện, cô Yến luôn được bác sĩ, người thân, học sinh và phụ huynh đến động viên, chăm sóc. Nhà trường, đồng nghiệp luôn tạo điều kiện giúp đỡ gia đình cô sau vụ cháy. Nữ giáo viên không nghĩ bản thân mình và gia đình lại nhận được nhiều sự yêu thương đến vậy. 

“Rất đông học sinh khi hay tin tôi gặp nạn đã đến thăm hay nhắn tin động viên. Thậm chí, có phụ huynh ở tận Hà Tĩnh, vượt quãng đường hơn 400 km ra Hà Nội để vào viện thăm gia đình tôi. Những tình cảm đó không thể nào tôi quên được”, cô Yến nhớ lại. 

Đến cuối tháng 9 vừa qua, cô Yến quyết định quay trở lại công việc giảng dạy. Dù lúc đó vẫn còn mệt nhưng cô chọn quay lại trường lớp để quên đi những ký ức đau buồn. Gặp lại học sinh, đồng nghiệp sẽ giúp cô có những suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống. Cô Yến nói gia đình cô là một trong những gia đình may mắn trong vụ cháy vì vẫn còn đủ các thành viên. Cô rất xúc động và biết ơn khi nhận được sự quan tâm của nhiều người trên cả nước. Hai vợ chồng cô sẽ tính toán mua một căn nhà nhỏ để sớm ổn định cuộc sống. 

“Vợ chồng tôi đã nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người nên chúng tôi sẽ cố gắng đi làm, tích cóp để sau này đi giúp người, trả ơn đời”, nữ giáo viên nói thêm.

“Xin cảm ơn cuộc đời này!”

Còn với gia đình nữ giáo viên Trần Thị Thanh Hương (36 tuổi, Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân), vụ cháy chung cư mini đã cướp đi sinh mệnh con gái 12 tuổi. Còn 4 người trong gia đình cô Hương may mắn thoát nạn. 

Hơn 14 năm công tác trong ngành giáo dục, năm nay là dịp 20/11 đầu tiên, cô giáo Hương đón ngày lễ tôn vinh trong một bối cảnh khác khi chưa thể đến trường tham gia giảng dạy học trò. Những tin nhắn học trò gửi đến liên tục với nội dung: “Mong cô của em bình an, thương cô hay cô chịu khó bồi dưỡng sức khỏe để nhanh chóng trở lại dạy bảo chúng con, cô nhé…” khiến cô Hương không khỏi bồi hồi xúc động. 

Cuộc sống của nữ giáo viên thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini:

Cô Trần Thị Thanh Hương chia sẻ lại sự việc. Ảnh: Gia Khiêm

Trong căn nhà nhỏ được chủ nhà hỗ trợ cho thuê miễn phí ở ngõ 77 Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cô Hương cho biết, bản thân không khỏi xúc động trước tình cảm của tất cả mọi người trong đó thậm chí có những người xa lạ chưa gặp bao giờ nhưng đã động viên, chia sẻ để cô cố gắng vượt qua nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. 

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, cô kể, đêm 12/9, đang soạn giáo án để chuẩn bị cho buổi dạy ngày hôm sau thì nghe thấy tiếng thất thanh hô “cháy, cháy” vang lên. Ngọn lửa bùng lên từ khu vực tầng 1. Hai người con lớn 8 tuổi và 12 tuổi nhanh chóng được đánh thức và chạy lên phía trên. 

Cô Hương cùng chồng và con gái út 2 tuổi phải quay lại phòng do khói đã bốc lên dày đặc. Hai vợ chồng xả nước, làm ướt nhiều tấm vải để chèn vào các khe hở, hy vọng cầm cự được lâu. Khói lửa và cả những tiếng la hét cứ thế bao trùm căn nhà 9 tầng. 

Cuộc sống của nữ giáo viên thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini:

Vụ cháy khiến con gái cô Hương tử nạn, vợ chồng cô cùng 2 con nhỏ thoát nạn. Ảnh: Gia Khiêm

Trong lúc cấp bách, cả gia đình đặt cược mạng sống bằng cú nhảy từ tầng 4 sang mái tôn nhà đối diện. Anh Thắng (chồng cô Hương) trùm chăn ôm con gái nhỏ nhảy xuống trước. Cú nhảy khiến anh gãy tay, nhưng vẫn nén đau gọi vợ cố lên. Giữa nỗi sợ và lo lắng va phải chồng con ở phía dưới, cô Hương đã nhảy xuống. 

Cú nhảy may mắn giúp cả hai vợ chồng và con gái út thoát chết. Cú nhảy cũng khiến cô Hương bị chấn thương cột sống nặng nhưng cô chắp tay cảm ơn trời phật đã rủ lòng thương nên mới may mắn thoát nạn. Đêm ấy cậu con trai 8 tuổi của chị Hương được mọi người trợ giúp đưa lên xe cấp cứu. Còn cô con gái cả đã không qua khỏi. 

Cuộc sống của nữ giáo viên thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini:

Những tin nhắn của học trò động viên như tiếp thêm sức mạnh để cô Hương sớm quay trở lại trường. Ảnh: Gia Khiêm

Những ngày điều trị trong viện một mình, cô Hương sống chung với cơn đau thắt người do đốt sống đã gãy. Nhìn vào người thân, đồng nghiệp, học trò và cả những nhà giáo chưa từng gặp mặt, cô nhủ phải cố gắng để không phụ tình cảm của mọi người.

Khi sức khỏe dần ổn định, cô Hương lập tức đi ra khỏi con ngõ để nhìn thoáng qua ngôi trường cho vơi nỗi nhớ học trò. Nhìn khung cảnh quen thuộc, nhớ về những ngày con gái tan học sớm, chạy quanh trường chờ mẹ hết tiết dạy, người mẹ ấy như chết lặng. Hiểu tâm tư của vợ, hàng ngày anh Thắng vẫn đưa đón các con đến trường. 

Mỗi lần nhắc đến con chị lại bật khóc: “Con bé ngoan ngoãn, đáng yêu vô cùng. Cô giáo con và các bạn vẫn nhớ mãi nụ cười, tiếng nói của con. Đó có lẽ là lý do lớn nhất khiến tôi chưa đủ can đảm quay lại trường. Giá như tất cả những gì đã qua chỉ là một giấc mơ và mình sớm được tỉnh lại”.

Cô Hương dự định tháng 12 tới đây sức khoẻ ổn định để có thể quay lại trường tiếp tục dạy học. Ở đó những học trò hằng ngày mong ngóng cô quay trở lại. Làm giáo viên hơn 14 năm, dạy môn Sinh học, cô Hương trải lòng ngành giáo dục thường xuyên tuy có nhiều trăn trở, nhưng luôn để lại những điều đáng trân quý về tình cảm cô trò. Ở đó, mỗi học trò là một hoàn cảnh, một mảnh đời khác nhau. 

Dịp 20/11 năm nay cũng là lần đầu tiên cô Hương đón ngày tôn vinh trong một bối cảnh khác. Những bó hoa và lời chúc được học trò gửi qua điện thoại kèm những dòng tin nhắn ngóng trông cô sớm có thể đứng lớp. Đó là tình cảm, là sức mạnh để cô tiếp tục bước tiếp.

Chia tay chúng tôi cô Hương bày tỏ: “Tôi chỉ mong trời cho mình sức khoẻ để mình làm việc thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Tôi mang ơn nhiều tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ, động viên cả gia đình tôi và gia đình các nạn nhân khác. Xin cảm ơn cuộc đời này!”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *