Trước đây, thuốc chống lao hàng 1 được cấp miễn phí để người bệnh điều trị lao, nhưng bắt đầu từ tháng 7/2022 bệnh viện triển khai cấp thuốc chống lao hàng 1 bằng nguồn Quỹ BHYT. Đến nay sau hơn 1 năm triển khai, tấm thẻ BHYT đã thực sự là “người trợ lực” cho bệnh nhân lao, nhất là những trường hợp phải điều trị dài ngày.
Gia đình ông N.H.H ở Tứ Kỳ, Hải Dương từ nhiều năm nay đều mua thẻ BHYT cho cả gia đình do nhận thấy tầm quan trọng của nó nếu không may gặp rủi ro về sức khỏe. Đầu năm nay, trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ ông phát hiện mình mắc lao. “Vốn có chút nhận biết về căn bệnh này nên tôi đã chuẩn bị tinh thần cũng như kinh phí để điều trị nhưng thật không ngờ trong suốt 6 tháng điều trị tích cực bệnh lao, tôi được BHYT chi trả 100%. Mỗi tháng tôi chỉ tự chi thêm gần 2 triệu đồng dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe” – ông N.H.H phấn khởi chia sẻ.
Điều đáng nói là, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động và phần lớn khó khăn. Trung bình một người mắc lao sẽ mất đi từ 3 – 4 tháng lao động. Sự nghèo khó lại càng đưa người bệnh lao và gia đình vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật. Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
PGS-TS Nguyễn Bình Hòa – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình lao quốc gia cho biết, khả năng tiếp cận chẩn đoán vẫn là một rào cản đáng kể đối với việc chăm sóc và điều trị lao. Việt Nam đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng về lao và bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca bệnh lao mới mắc, 8.900 trường hợp kháng đa thuốc và khoảng 14.200 ca tử vong. Tuy vậy, việc sàng lọc, phát hiện các ca lao mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện còn có khoảng 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện. “Hậu quả của việc chẩn đoán chậm là gia tăng nguy cơ lây lan bệnh lao trong cộng đồng và làm chậm trễ trong điều trị đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao” – PGS Hòa cho biết.
Trước những khó khăn của bệnh nhân lao, các tổ chức xã hội, ban, ngành, địa phương… đã có nhiều sáng kiến giúp đỡ người yếu thế như: Tư vấn, tuyên truyền để bệnh nhân thấy được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT trong điều trị bệnh. Đối với người nghèo, một số đơn vị triển khai tặng thẻ BHYT. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đã được điều trị kịp thời, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng, trong đó có những chính sách hỗ trợ để bệnh nhân mãn tính, bệnh nhân lao… dễ dàng tiếp cận BHYT hơn.