Cải cách tiền lương: Ngoài tiền lương công chức có thêm 2 khoản
Sau khi cải cách tiền lương năm 2024 theo Nghị quyết 27-NQ/TW thì cán bộ, công chức, viên chức sẽ có thêm một khoản thu nhập nữa là tiền thưởng hoặc phụ cấp (nếu có).
Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương), bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Căn cứ vào Nghị quyết 27-NQ/TW về chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp có thể hiểu, bảng lương mới sẽ tiến hành bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay, tiến đến việc áp dụng mức lương cơ bản bằng tiền lương cụ thể được quy định trong bảng lương của cán bộ công chức, viên chức.
Hiện nay nguồn thu nhập chính bằng tiền lương của cán bộ công chức vẫn là số tiền được tính từ lương cơ sở (1,8 triệu đồng) x hệ số lương. Sau đó mới đến thu nhập từ những khoản phụ cấp (nếu có).
Việc bỏ đi mức lương cơ sở cũng như hệ số lương và thay thế bằng bảng lương mới cho thấy thu nhập chính từ tiền lương của cán bộ công chức, viên chức sau khi cải cách tiền lương 2024 sẽ đến từ lương cơ bản – số tiền cụ thể được quy định trong bảng lương mới xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh chức vụ lãnh đạo.
Tiền lương của công nhân, lao động sẽ thế nào?
Cải cách tiền lương là cải cách một cách toàn diện, cả tiền lương cho nhóm cán bộ, công chức, viên chức (khu vực công) và cả tiền lương của nhóm công nhân, lao động (tiền lương khu vực tư).
Ở khu vực tư, công nhân, lao động được hưởng lương theo thỏa thuận, đảm bảo tiền lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Chế độ tiền lương cho người lao động ở khu vực tư được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động năm 2019.
Ngoài tiền lương, công nhân lao động cũng được hưởng thêm các khoản tiền phụ cấp, tiền thưởng dựa trên năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Các khoản phụ cấp có thể kể đến như là: Phụ cấp ăn trưa; phụ cấp di chuyển; phụ cấp chuyên cần; phụ cấp trách nhiệm… Các khoản tiền thưởng gồm có: Tiền thưởng ngày lễ, Tết như: Thưởng Tết dương lịch, thưởng Tết âm lịch, tiền thưởng ngày lễ như Quốc khánh; ngày 1/5; ngày giỗ Tổ Hùng Vương…
Giá trị của các khoản tiền thưởng, phụ cấp này tùy thuộc vào sự thỏa thuận, thương lượng của doanh nghiệp với người lao động.
Theo Nghị định 38 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng từ 180.000 – 260.000 đồng so với trước đó tùy theo vùng lương. Hiện mức lương tối thiểu của vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp đóng chân, hoạt động sản xuất kinh doanh ở vùng nào, thì phải trả lương cho người lao động đang làm việc ở đó dựa trên mức lương tối thiểu vùng ở trên. Mức tiền lương đảm bảo không được thấp hơn mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định 38. Đương nhiên là mức tiền lương tối thiểu sẽ được thay đổi, điều chỉnh liên tục dựa trên sự thay đổi chỉ số tiêu dùng, và mức sống tối thiểu của người lao động.
Thực tế thì hiện nay các doanh nghiệp đang trả lương cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng. Mức bình quân tiền lương ở khu vực tư đang dao động trong khoảng từ 7-7,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền lương bình quân của lao động ở khu vực công chỉ vào khoảng 4,5-5 triệu đồng/tháng.
Theo nhiều chuyên gia tiền lương, tới đây nếu cải cách tiền lương, tiền lương của nhóm công nhân, lao động (khu vực tư) sẽ không chịu nhiều biến động. Lý do là bởi tiền lương của nhóm này là tiền lương dựa trên cơ sở thị trường, đã được điều chỉnh liên tục dựa trên sự thỏa thuận của doanh nghiệp và người lao động.
Nhóm có mức tiền lương thay đổi nhiều nhất sẽ là nhóm công chức, viên chức, nhất là nhóm viên chức có tiền lương thấp.