thuong-xuyen-phai-lam-viec-den-3-4-gio-sang,-mot-phu-nu-tram-cam-muon-tu-tu

Thường xuyên phải làm việc đến 3-4 giờ sáng, một phụ nữ trầm cảm muốn tự tử

Đang vui vẻ hạnh phúc hóa thành suy sụp, trầm cảm

Bác sĩ Ngô Tuấn Khiêm, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, mới đây, bác sĩ sĩ đã điều trị cho 1 bệnh nhân bị trầm cảm sau 1 thời gian làm việc căng thẳng. 

Bệnh nhân là chị L.T.S 40 tuổi, nhập viện trong tình trạng buồn chán, có ý định tự tử. Chồng bệnh nhân cho biết, bệnh nhân được đánh giá là người hiền lành, chăm chỉ, ít nói. 

Bệnh nhân lấy chồng từ năm 19 tuổi, dù kinh tế gia đình chỉ ở mức trung bình nhưng hai vợ chồng rất yêu thương nhau, chồng không bao giờ quát mắng bệnh nhân.

Thường xuyên phải làm việc đến 3-4 giờ sáng, một phụ nữ trầm cảm muốn tự tử - Ảnh 1.

Tình trạng căng thẳng, trầm cảm ngày càng gia tăng (Khám sức khỏe cho bệnh nhân tại Viện Sức khỏe Tâm thần. Ảnh CTV_)

Hiện bệnh nhân đang làm công nhân, đã có 2 con, đều đã lớn. Khoảng 3 tháng gần đây, bệnh nhân có áp lực công việc nhiều, thậm chí phải làm đêm đến 3-4h sáng mới được nghỉ. Đặc biệt, chỉ trong vòng một tháng cân nặng sụt tới 5kg. 

Về sức khỏe toàn thân, bệnh nhân thấy mệt mỏi, ngay cả buổi sáng khi mới ngủ dậy, không còn thiết tha làm việc, trình trạng mất ngủ ngày càng nhiều, tình trạng tuyệt vọng ngày càng nhiều, nhiều lần nghĩ đến cái chết, thường nghĩ đến việc tự tử vào buổi tối, khi nằm một mình vì thấy tương lai ảm đạm.

Bệnh nhân mất hứng thú với các thói quen trước đây, chán ăn, ăn không ngon miệng. Thấy vợt bất thường, chồng đã đưa vợ đến Viện Sức khỏe Tâm thần thăm khám. 

Theo bác sĩ Khiêm, bệnh nhân được chẩn đoán bị trầm cảm ở giai đoạn nặng, không có các triệu chứng loạn thần nhưng có ý tưởng tự sát. Bệnh nhân được điều trị dùng thuốc, phối hợp với liệu pháp điều trị tâm lý.

Sau 15 ngày, bệnh nhân đã cải thiện nhiều. Bệnh nhân đỡ buồn chán, bi quan, hết ý tưởng tự sát, ăn ngon miệng hơn, đêm ngủ tốt. Bệnh nhân được xuất viện đưa về nhà chăm sóc, theo dõi. 

Tuy nhiên, bác sĩ cũng tư vấn cho người nhà hạn chế các nguy cơ tự sát của bệnh nhân như loại bỏ các vật sắc nhọn, theo dõi 24/24h, nhất là vào ban đêm và lúc trời rạng sáng… 

Lý giải về việc “bỗng nhiên trầm cảm” của bệnh nhân, bác sĩ Khiêm cho biết, bất kỳ ở độ tuổi nào và giai đoạn nào mỗi người đều có nguy cơ rối loạn trầm cảm khi đối mặt với các vấn đề căng thẳng của cuộc sống. 

“Trong trường hợp cụ thể như chị S. thì gần đây do công việc căng thẳng, thức khuya dẫn đến stress. Bệnh nhân không tự điều chỉnh được cảm xúc, rơi vào trầm cảm và muốn tự sát”, bác sĩ Khiêm chia sẻ. – BS Khiêm cho hay.

Bác sĩ Đặng Thị Hải Yến, phòng tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần cũng nhận định, với trường hợp của chị S, nếu gia đình có thể phát hiện những triệu chứng sớm hơn, động viên người bệnh, dành sự quan tâm đến bệnh nhân nhiều hơn có thể giúp cải thiện suy nghĩ, giúp bệnh nhân cân bằng lại cảm xúc.

Dấu hiệu rối loạn trầm cảm

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung. 

Bệnh kéo dài và tái diễn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và chức năng của người bệnh.

“Tỷ lệ người mắc bệnh trên 15 tuổi ngày càng tăng. Với những bệnh lớn tuổi hoặc nhỏ hơn 11 tuổi tại thời điểm khởi phát rối loạn có tiên lượng tồi tệ hơn”, bác sĩ Vân nhận định. 

Thường xuyên phải làm việc đến 3-4 giờ sáng, một phụ nữ trầm cảm muốn tự tử - Ảnh 2.

Theo WHO, trầm cảm là nguyên nhân hàng thứ 3 của gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới trong năm 2004 và sẽ chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030. (Ảnh minh họa Pixabay)

Trầm cảm là làm gia tăng nguy cơ tự sát. Theo bác sĩ Vân, nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 1 triệu người chết do tự sát mỗi năm, tương đương 3.000 người chết vì tự sát mỗi ngày. Với mỗi một người chết vì tự sát, có khoảng 20 người hoặc nhiều hơn có toan tự sát.

Đồng thời, nguy cơ tử vong sau nhồi máu cơ tim ở các bệnh nhân trầm cảm cũng cao hơn và liên quan đến mức độ trầm cảm. Rối loạn trầm cảm cũng liên quan đến giảm năng suất công việc và tăng nguy cơ nghỉ việc, qua đó gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Trầm cảm gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền vững trong tình cảm gia đình, dẫn đến ly thân hoặc ly hôn.

Theo bác sĩ Vân, người trầm cảm thường có dấu hiệu: 

– Khí sắc giảm: biểu hiện là nét mặt của bệnh nhân luôn buồn bã, các nếp nhăn giảm nhiều thậm chí mất hết nếp nhăn. Tình trạng khí sắc giảm rất bền vững do bệnh nhân buồn, bi quan, mất hy vọng.

– Mất hứng thú hoặc sở thích cho các hoạt động: người bệnh mất hết các sở thích vốn có trước đây.

– Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân: Sự ngon miệng thường bị giảm sút, thậm chí trong các trường hợp nặng bệnh nhân nhịn ăn hoàn toàn. 

– Rối loạn giấc ngủ: hay gặp nhất trong trầm cảm chủ yếu là mất ngủ, người bệnh thường than phiền khó vào giấc ngủ, ngủ hay tỉnh dậy và khó khăn trong việc tiếp tục ngủ lại hoặc thức dậy sớm hơn bình thường. Một số ít người bệnh ngủ nhiều hơn bình thường.

– Rối loạn hoạt động tâm thần vận động: Các triệu chứng ức chế vận động nặng nề thường thấy như người bệnh nằm lỳ trên giường cả ngày mà không hoạt động gì.

– Giảm sút năng lượng: Người bệnh thường than phiền năng lượng bị giảm sút, họ bị kiệt sức và mệt mỏi, gần như không có sức để làm việc gì nữa. Mệt mỏi thường nặng hơn về buổi sáng.

– Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi: Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi là rất hay gặp trong giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Bệnh nhân cho rằng mình là kẻ vô dụng, không làm nên trò trống gì.

– Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định: Nhiều bệnh nhân than phiền khó suy nghĩ, khó tập trung chú ý vào một việc gì đó. Bệnh nhân cũng rất khó khăn khi cần đưa ra quyết định, họ thường phải cân nhắc rất nhiều trời gian với những việc thông thường. 

– Có ý tưởng hoặc có hành vi tự sát. Khi người muốn tự sát thường có những biểu hiện như thường xuyên nói về tự tử, chết chóc, bận tâm đến cái chết; tăng cường sử dụng rượu hoặc ma túy; thể hiện cảm giác tuyệt vọng. 

Ước tính có trên 300 triệu người trên thế giới mắc rối loạn trầm cảm, khiến trầm cảm được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là yếu tố đơn độc lớn nhất góp phần gây ra tàn tật chung. 85% bệnh nhân ở trong độ tuổi từ 13 đến 18 tuổi. Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18.

Theo WHO, trầm cảm là nguyên nhân hàng thứ 3 của gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới trong năm 2004 và sẽ chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030. Tỉ lệ tử vong được tiêu chuẩn hóa do tự sát ở bệnh nhân trầm cảm tái diễn là 20,9 ở nam và 27,0 ở nữ, tức là các bệnh nhân nam và nữ mắc trầm cảm có nguy cơ tự sát hoàn thành cao gấp 20,9 và 27 lần so với quần thể dân số chung.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *