Cuối tháng 9 vừa qua, Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về công cuộc chống lao, WHO đã tổ chức thành công cuộc họp chiến lược cấp cao về việc thành lập Hội đồng thúc đẩy tiến trình phát triển vaccine phòng ngừa lao. Tại đây, đại diện của Việt Nam đã tuyên bố cam kết của Việt Nam trong việc tiên phong tham gia các nỗ lực thực hiện nghiên cứu và phát triển vaccine.
Ưu tiên phát triển các vaccine mới phòng ngừa bệnh lao
Cuối tháng 6/2023, Quỹ Bill & Melinda Gates thông báo dành 400 triệu USD cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine lao M72/AS01E (M72). Tổ chức Wellcome cũng cam kết cung cấp đến 150 triệu USD để hoàn thành nghiên cứu. Thử nghiệm sẽ đánh giá hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa sự tiến triển từ nhiễm lao tiềm ẩn sang lao thể hoạt động. Khoảng 26.000 người sẽ tham gia thử nghiệm, bao gồm cả những người nhiễm HIV và không nhiễm lao, tại hơn 50 địa điểm thử nghiệm ở châu Phi và Đông Nam Á.
Cuộc họp do TS Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng Giám đốc Tổ chức Y thế thế giới (WHO) chủ trì cùng Bộ trưởng Y tế của Brazil và Indonesia, với sự tham gia của bộ trưởng bộ y tế của nhiều quốc gia và các nhà lãnh đạo quốc tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam, trong đó có lãnh đạo Ban Điều hành Chương trình chống lao quốc gia, tham dự cuộc họp này.
Bên cạnh việc ra mắt Hội đồng thúc đẩy tiến trình phát triển vaccine phòng ngừa lao, cuộc họp chiến lược cấp cao này là dịp để WHO thúc đẩy các cam kết và đầu tư quốc tế cho phát triển các loại vaccine mới để ngăn ngừa bệnh lao. Cuộc họp bao gồm 2 phiên thảo luận về kinh nghiệm và kỳ vọng của các quốc gia đối với hội đồng mới thành lập, cũng như những đóng góp và quan tâm từ các tổ chức quốc tế có quy mô lớn.
Theo Tổng Giám đốc WHO, hoạt động này có mục đích mở rộng việc phát triển và thử nghiệm các phương án vaccine, thu hẹp khoảng cách tài chính và thiết lập các lộ trình tiếp cận vaccine cho tất cả mọi người với giá phải chăng. Với hiệu lực bảo vệ của vaccine lao mới, WHO ước tính, trong 25 năm tới loại vaccine này có khả năng ngăn chặn 8,5 triệu ca tử vong do bệnh lao trên toàn cầu. Điều này góp phần giảm nhu cầu điều trị bằng kháng sinh và tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, phần lớn trong số đó là hộ nghèo và nhóm đối tượng yếu thế.
Phát biểu tại cuộc họp. TS Đinh Văn Lượng – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban Điều hành Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam nhấn mạnh đến việc Việt Nam ưu tiên phát triển các vaccine mới phòng ngừa bệnh lao. Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia tích cực tham gia vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine lao M72.
TS Đinh Văn Lượng cũng tuyên bố cam kết của Việt Nam trong việc tiên phong tham gia các nỗ lực thực hiện nghiên cứu và phát triển vaccine; nhấn mạnh sự chủ động của Việt Nam trong triển khai và chia sẻ các chiến lược truyền thông, cũng như khuyến khích phân phối vaccine hiệu quả. “Cuộc họp kết thúc với những thông điệp nhiều hy vọng, cho thấy lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, đã có sự tiến bộ đáng kể trong phát triển vaccine, mở ra cơ hội mới trong cuộc chiến chống lại bệnh lao” – TS Đinh Văn Lượng cho biết.
Kỳ vọng hiệu quả vaccine mới
Bệnh lao thường được điều trị bằng thuốc. Vaccine bệnh lao duy nhất được sử dụng ngày nay là bacille Calmette-Guérin (BCG), lần đầu được tiêm rộng rãi vào năm 1921. BCG giúp bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chống lại các dạng lao toàn thân nghiêm trọng. Tuy nhiên, loại vaccine này tác dụng hạn chế chống lại bệnh lao phổi ở thanh thiếu niên và người lớn.
Vaccine M72 là một trong 17 ứng viên vaccine lao đang được tiến hành, được phát triển từ đầu những năm 2000. Công ty dược phẩm GSK của Anh hợp tác với Aeras và Sáng kiến Quốc tế về Vaccine AIDS (IAVI) triển khai nghiên cứu M72 đến giai đoạn 2b (giai đoạn chứng minh tính khả thi và thực tiễn).
Trong thử nghiệm giai đoạn 2b, M72 cho thấy hiệu quả khoảng 54% trong việc giảm lao phổi ở người lớn bị nhiễm lao tiềm ẩn, kết quả chưa từng có trong nhiều thập kỷ nghiên cứu vaccine lao.
Ông Eric Rubin 0 nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, cho biết về mặt khoa học, con số này có ý nghĩa rất lớn: “Nếu có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh lao xuống một nửa, rất nhiều người trên thế giới sẽ được cứu sống”.
Bà Nomathamsanqa Majozi – đại diện Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi cho biết, dù có thể chữa khỏi, bệnh lao vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nam Phi. “Ở khu vực tôi sống và làm việc, hơn một nửa đã hoặc sẽ mắc bệnh lao, gây thiệt hại cả ở mức độ cá nhân và cộng đồng. M72 mang đến hy vọng mới về một tương lai không có bệnh lao” – bà Nomathamsanqa nói.
Thực tế, GSK đã ngưng nghiên cứu vaccine M72 từ năm 2019 vì thiếu tiềm năng thương mại. Năm 2020, GSK cấp phép thực nghiệm vaccine lao cho Viện Nghiên cứu Y tế Gates, sau khi hãng quyết định không tài trợ cho các thử nghiệm giai đoạn 3 của loại vaccine này. M72 có chung một thành phần quan trọng với một sản phẩm khác của GSK là vaccine phòng bệnh zona, đã mang lại hàng tỷ USD cho doanh nghiệp.