Rào cản trong phát hiện bệnh lao hiện nay
Ngày 5/10, tại Hội thảo Một số phương pháp chẩn đoán mới và mẫu bệnh phẩm lao mới trong định hướng thanh toán bệnh lao, PGS.TS Nguyễn Bình Hoà, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng ban điều hành Chương trình lao Quốc gia cho biết, Việt Nam đứng 11/30 nước có gánh nặng về lao và bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu.
Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca bệnh lao mới mắc, 8.900 trường hợp kháng đa thuốc và khoảng 14.200 ca tử vong.
Gánh nặng về bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn cao nhưng việc sàng lọc, phát hiện các ca lao mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện còn có khoảng 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện.
Theo PGS Hòa, khả năng tiếp cận chẩn đoán vẫn là một rào cản đáng kể đối với việc chăm sóc và điều trị lao. Các phương pháp chẩn đoán vi khuẩn lao hiện nay bộc lộ nhiều mặt hạn chế về thời gian trả kết quả lâu như nuôi cấy, độ nhạy thấp như soi AFB trực tiếp, hay chi phí cao như Xpert và hầu hết các phương pháp đều vẫn còn có những hạn chế.
“Ngoài ra, việc chẩn đoán dựa trên mẫu đờm thường khiến cho việc chẩn đoán bị kéo dài vài ngày thậm chí vài tuần và khiến người bệnh không được xét nghiệm chẩn đoán lao kịp thời.
Hậu quả của việc chẩn đoán chậm là gia tăng nguy cơ lây lan bệnh lao trong cộng đồng và làm chậm trễ trong điều trị đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao”, PGS Hòa chia sẻ.
Nghiên cứu về quan điểm của người bệnh và các bên liên quan về một số mẫu bệnh phẩm mới trong chẩn đoán lao do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện cho thấy, hiện nay, việc phát hiện lao ở 1 số nhóm đối tượng gặp khó khăn do không lấy được mẫu bệnh phẩm (đờm).
Có đến 64,1% nhân viên y tế được hỏi cho biết khó khăn trong việc lấy mẫu đờm do 97% người bệnh không thể khạc đờm. Lý do là người bệnh không biết cách khạc đờm, một số nhóm người bệnh không có đờm, sợ lây nhiễm; không thích, không có địa điểm thích hợp lấy đờm…
Việc đưa mẫu đờm về phòng xét nghiệm và vài tuần sau mới có kết quả cũng là rào cản khiến người dân nhận được kết quả xét nghiệm. Có đến 88,6% người dân có kết quả sau khi lấy mẫu từ 1 tuần-1 tháng; 7,4% lấy mẫu trong khoảng từ 1-3 tháng, có đến 2,7% chưa bao giờ nhận được và chỉ có 1,3% có được kết quả trong khoảng dưới 1 tuần.
Từ tháng 6/2021 – 6/2025, Chương trình Chống lao Quốc Gia – Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với FIND thực hiện Nghiên cứu đa trung tâm đánh giá độ chính xác của các xét nghiệm chẩn đoán mới để phát hiện lao ở người trưởng thành: FEND-TB. Phương pháp mới lấy mẫu xét nghiệm bệnh lao bằng nước bọt (phết lưỡi) và nước tiểu, thay vì lấy đờm như hiện nay.
Mục đích là thu thập dữ liệu và mẫu bệnh phẩm lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao thông thường làm tiêu chuẩn tham chiếu và thực hiện các xét nghiệm.
Lợi thế trong phương pháp mới phát hiện bệnh lao
“Nếu kết quả đánh giá các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán lao mới nay có độ chính xác cao, có thể áp dụng rộng rãi trong việc xét nghiệm phát hiện các ca lao mới trong cộng đồng sẽ vô cùng hữu ích.
Bởi các lấy mẫu nước tiểu hay nước bọt đều dễ dàng, đặc biệt với các bệnh nhân ốm nặng, những ngươi không thể khạc đờm, bệnh nhân HIV, bệnh nhân mắc lao ngoài phổi. Hơn nữa, chẩn đoán bằng phương pháp mới cũng cho kết quả nhanh hơn, dễ dàng triển khai tại tuyến y tế cơ sở và cộng đồng.
Điều này sẽ đẩy nhanh tốc độ phát hiện ca lao mới, sàng lọc bệnh lao nhanh chóng. Chẩn đoán nhanh còn giúp làm giảm được tỷ lệ mất dấu, giảm yêu cầu truy tìm bệnh nhân để thông báo kết quả xét nghiệm, giảm nguy cơ phát tán lây truyền bệnh, nhờ vậy cải thiện kết quả dự phòng và điều trị lao”, PGS Hòa chia sẻ.
Nghiên cứu về quan điểm của người bệnh và các bên liên quan về một số mẫu bệnh phẩm mới trong chẩn đoán lao do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cũng chỉ ra rằng, phương pháp lấy mẫu chẩn đoán lao mới là phết lưỡi và nước tiểu, người dân đều thấy rằng dễ lấy mẫu hơn, đỡ lây nhiễm hơn và đỡ bị phân biệt, vệ sinh, thuận tiện hơn…
Với các chẩn đoán nhanh này, có đến 87% người bệnh cho rằng, chỉ cần nhân viên y tế hướng dẫn 1 lần là người bệnh có thể tự lấy mẫu cho bản thân.
Với mẫu phết lưỡi, đa số người được hỏi đều cho biết, phương pháp này dễ dàng thực hiện, nhất là đối với trẻ em, quy trình lấy mẫu nhanh, đơn giản và dễ dàng, phù hợp với các chiến dịch sàng lọc chân đoán lao ở quy mô lớn.
Đây là hướng tiếp cận quan trọng góp phần đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm thấp, giảm khối lượng công việc cho nhân viên y tế, mức giá thấp hơn so với xét nghiệm đờm.
Còn đối với mẫu nước tiểu, nhân viên y tế, mọi người cũng đều đánh giá có nhiều lợi thế hơn lấy mẫu đờm , giá thành tương đối rẻ…
Theo TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, với 2 phương pháp phết lưỡi, có đến hơn 92% nhân viên y tế cho biết sẽ sử dụng nếu phương pháp này được chấp thuận lưu hành ở Việt Nam.
Tuy nhiên, với phương pháp lấy mẫu nước tiểu, mọi người còn có nghi ngại như không đủ nhà vệ sinh để lấy mẫu, phụ nữ hay trẻ em có tâm lý xấu hổ nên khó lấy, bệnh nhân nằm liệt khó lấy và vận chuyển mẫu khó…
Ngoài ra, TS Hạnh cho rằng, nghiên cứu chỉ ra rằng, cách lấy mẫu phết lưỡi và nước tiểu trong chẩn đoán lao có nhiều lợi thế, quy trình đơn giản, dễ dàng, cho kết quả nhanh, phù hợp với nền tảng kỹ thuật, trang thiết bị xét nghiệm chẩn đoán lao tại nhiều cơ sở y tế tuyến huyện hiện nay (mẫu phết lưỡi)…
Tuy nhiên, để sử dụng rộng rãi cần cải thiện độ nhạy của các xét nghiệm này đến 85-90% (hiện mới đạt dưới 70%).
“Các phương pháp chẩn đoán lao hiện nay bộc lộ nhiều mặt hạn chế về thời gian, độ nhạy, chi phí và loại mẫu bệnh phẩm.
Hầu hết các phương pháp đều vẫn còn nhiều hạn chế khi áp dụng cho bệnh nhân mắc lao ngoài phổi, lao phổi ít vi khuẩn, hay bệnh nhân HIV.
Do vậy, việc nghiên cứu và phát triển các xét nghiệm mới hiệu quả, thuận tiện và phù hợp hơn là đòi hỏi cấp thiết, đặc biệt các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao sử dụng các bệnh phẩm lâm sàng không phải là đờm rất cần thiết cho bệnh nhân mắc lao ngoài phổi, bệnh nhân không khạc được đờm, bệnh nhân HIV…
Ngoài ra, việc sử dụng bệnh phẩm khác ngoài đờm sẽ mở ra cơ hội phong phú hơn về giải pháp kỹ thuật để phát triển xét nghiệm mới.
TS. Nguyễn Thị Vân Anh – Trưởng Văn phòng FIND Việt Nam