Tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện vừa điều trị cho 1 trường hợp “khá lạ” khi tăm tre xuyên thành môn vị đâm vào gan trái.
Đáng nói, bệnh nhân đã bị đau bụng suốt 2 tháng nhưng tưởng bản thân đau dạ dày nên tự uống thuốc điều trị viêm dạ dày. Đến khi cơn đau tăng lên mới đi khám.
Bệnh nhân là bà C.L.H, 48 tuổi, trú tại Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử khoẻ mạnh, thói quen xỉa răng bằng tăm tre sau mỗi bữa ăn.
Bà H cho biết bà bị đau xuất hiện cách 2 tháng, đau âm ỉ vùng thượng vị, có lúc quặn cơn, kèm vào đau nhiều và khó thở. Lúc đầu bà chịu đựng nhưng sau đó tự uống thuốc điều trị viêm dạ dày tại nhà.
Sau 2 tuần uống thuốc không đỡ, bà không đỡ nên đi khám tại một bệnh viện đa khoa, nội soi chỉ thấy khối đẩy lồi vào lòng dạ dày, chụp phim không phát hiện bất thường.
Bà tiếp tục qua thăm khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, hình chụp phim nghi có dị vật xuyên thành môn vị đâm vào gan trái nên đã được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thao, Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân C.L.H vào viện trong tình trạng tỉnh, không sốt, bụng mềm, ấn đau tức thượng vị và hạ sườn trái, không có phản ứng hay cảm ứng phúc mạc, không nôn, đại tiện bình thường.
Chụp CT thấy 2 dị vật: 1 dị vật dài 22mm xuyên thành môn vị và 1 dị vật 21mm dưới gan trái. Nội soi thấy thâm nhiễm viêm ở hành tá tràng, dễ chảy máu, hút áp lực âm không thấy chảy mủ hay dị vật.
Sau 1 tuần điều trị kháng sinh, theo dõi tình trạng đau bụng của bệnh nhân vẫn còn, chụp CT dị vật vẫn ở vị trí cũ, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật nội soi lấy dị vật cho bệnh nhân.
Trong mổ thăm dò thấy ổ bụng sạch, không có dịch, mặt trên môn vị dính với mặt dưới gan trái, thâm nhiễm viêm nhiều, gỡ ra kiểm tra thấy 3 mảnh dị vật giống tăm tre bị gãy, đâm xuyên từ môn vị lên mặt dưới gan, tiến hành lấy bỏ dị vật, kiểm tra kĩ môn vị không thấy rõ lỗ thủng, đặt 1 dẫn lưu theo dõi.
Sau khi lấy bệnh phẩm khỏi ổ bụng ghép lại thấy rất giống 1 que tăm tre.
Bác sĩ Thao cho biết, đây là một tai nạn sinh hoạt xảy ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở người có thói quen ngậm tăm sau khi ăn.
Dị vật có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa từ miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn.
Dị vật thường là các xương động vật (xương gà, xương vịt, xương cá…), thậm chí là cả miếng thịt; các dị vật trong đời sống sinh hoạt (tăm tre, đinh, ốc vít, đồng xu…).
“Tai nạn sinh hoạt này rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, gây thủng nội tạng chảy máu, gây áp xe hầu họng, áp xe trung thất, áp xe trong ổ bụng, áp xe tiểu khung, gây nhiễm trùng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Khi bị dị vật người bệnh cần được chẩn đoán kịp thời, đúng cách và chuyển ngay đến các cơ sở uy tín để được khám và kiểm tra, lấy bỏ dị vật, điều trị các thương tổn phối hợp: thủng thực quản, thủng dạ dày, thủng ruột”, bác sĩ Thao khuyến cáo.