Loại rau được nhiều nơi trên thế giới xem là “nhân sâm”
Rau sam là loại rau dại có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Đông, nhưng có thể thích nghi với điều kiện môi trường ở các khu vực khác nhau.
Theo Viện Y học Bản địa Việt Nam, rau sam là cây mọng nước, có nhiều rễ cái với các rễ thứ cấp dạng sợi nên có thể chịu được các loại đất sét rắn, nghèo dinh dưỡng cũng như chịu hạn tốt.
Theo y học hiện đại, loại rau này có chứa vitamin A,C,B1, PP, axit béo omega-3, E.tanin, saponin và men ureaza… nên từ lâu đã được Trung Quốc dùng kết hợp với các loại dược liệu khác sắc uống để hỗ trợ điều trị ung thư thực quản, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng.
Các chuyên gia tại Viện Y học bản địa Việt Nam cho biết, nhiều nhà khoa học tại Mỹ và Úc đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong loại rau này có nhiều axit béo omega-3 nên rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch cũng như tăng cường sức miễn dịch cho cơ thể.
Nhờ những thành phần trên, tại Ấn Độ, các bác sĩ đông y của nước này dùng rau sam để chữa gầy còm, bệnh ở gan, tụy, thận. Riêng lá của cây rau này được dùng để chữa sốt nhức đầu. Hạt thì chữa kiết lỵ.
Ở Châu Âu, Châu Mỹ người ta dùng loại rau này để làm thuốc và làm rau ăn.
Còn người Hà Lan dùng rau sam làm dưa chua, người Pháp dùng rau sam trong rất nhiều món ăn, người Mỹ dùng rau sam trộn giấm.
Ở Nhật Bản, loại rau này được xem là cây rau trường thọ, vì vậy, nhiều người dân săn lùng mua ăn, dù giá bán hàng trăm ngàn đồng/kg và phải đặt trước mới mua được.
Nhiều người Việt không biết tác dụng của loại rau sam nên nhổ bỏ
Theo Y học cổ truyền, loại rau này có vị chua, tính hàn, không độc nên được dùng làm thuốc hoặc làm rau ăn.
Theo lương y Nguyễn Kỳ Nam, Phó chủ tịch Hội đông y – Hội châm cứu tỉnh Cà Mau, trừ rễ thì toàn bộ cây rau sam đều dùng được. Trong đông y, rau sam có thể kết hợp với các nguyên liệu khác hoặc giã nát để tạo nên các bài thuốc chữa giun sán, bệnh trĩ, bí tiểu, nhiễm khuẩn lỵ, ngộ độc thuốc và ho trẻ em, chữa lở ngứa hắc lào, kiết lỵ, bạch đới ở phụ nữ, giun sán, đái buốt…
Khi dùng loại rau này làm thức ăn, người ta cũng dùng toàn bộ lá, cành của cây khi còn non để luộc, làm các món salad, nấu canh với thịt, tôm, cua hoặc cá rô đồng… ăn rất tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, ngày nay, khi các loại rau trở nên đa dạng, nhiều người Việt không thích ăn rau sam, thấy cây mọc trong vườn là nhổ bỏ.
Trên một hội nhóm trồng rau sạch tại nhà, nhiều người cũng cho biết đã phải nhổ bỏ cây rau sam vì thấy cây sống tạp, không cần trồng cũng mọc lên và “lấn chiếm” đất của cây khác.
Vợ chồng anh Tuấn Anh (33 tuổi, ở TP Thủ Đức) cũng phải thường xuyên nhổ bỏ những cây rau sam tự nhiên mọc lên trước cổng và trong những chậu cây anh trồng cho mát và đẹp nhà. Nói về lý do nhổ bỏ cây rau, anh Tuấn Anh cho biết, trước đây khi còn ở quê, anh có ăn rau sam luộc và nấu canh nhưng không thích lắm, vì nó có vị hơi chua.
“Ngày trước kinh tế còn khó khăn, cha mẹ tôi tận dụng sẵn các loại rau trong vườn làm thức ăn. Bây giờ, kinh tế gia đình khá hơn, trên thị trường lại có nhiều loại rau củ quả dễ ăn hơn thì mình cứ mua mà ăn thôi” anh Tuấn Anh chia sẻ.