Đứa trẻ bị cái “nghèo” nuôi dưỡng đã lớn lên như thế nào?

Gần đây tôi đang đọc sách của một nhà Xã hội học Chizuko Ueno.
Khi viết về gia đình, Chizuko Ueno có trích lại một câu mà bà từng tốn rất nhiều năm mới có đủ dũng khí để nói với mẹ mình:
“Mẹ ơi, cho đến khi rời khỏi ngôi nhà này, con lại một lần nữa nuôi dưỡng chính mình”
Lần đầu tiên đọc được câu ấy, nước mắt tôi cứ rơi mãi không thôi.
Tôi nghĩ rằng chỉ có đứa trẻ từng trải qua tuổi ấu thơ gian khó, lại phải nỗ lực thật nhiều, thật nhiều để tự vá víu chính mình, mới hiểu được rốt cuộc nó có ý nghĩa gì.

  1. Lớn lên trong một gia đình chẳng mấy giàu có.
    Hồi nhỏ, tôi thường dùng cụm từ “chẳng mấy giàu có” thay cho “nghèo”, bởi vì “chẳng mấy giàu có” nghe còn có chút hy vọng, rằng lớn lên chỉ cần tự mình kiếm tiền, mọi thứ rồi sẽ ổn.
    Từ bé đến lớn, tôi đều mặc quần áo cũ của chị họ; món đồ chơi duy nhất cũng là thứ mẹ may cho bằng vải vụn; và cũng vì chưa từng ăn đồ ăn vặt, nên không bị sâu răng.
    Trong hồi ức của tôi, mùa đông ở miền Bắc lạnh vô cùng. Có lần vì mặc quá ít, liền bị bố mắng một trận nhớ đời: “Con không biết bị ốm sẽ tốn tiền à, bệnh rồi lấy tiền đâu mà chữa?”
    Hồi đó chỉ cần nghĩ đến câu này tôi liền bật khóc nức nở, tại sao mình lại khổ như thế, lại càng thương bố mẹ phải nuôi một cái bình không đáy, ăn mặc đều tốn rất nhiều tiền.
    Vì thế tôi liều mạng học tập, cũng chưa từng đi mua sắm với bạn bè, bởi vì tự biết rằng mình chẳng mua nỗi những đôi giày trong cửa tiệm sáng trưng ấy. Hồi đại học, tủ quần áo của mọi người trong ký túc xá đều đầy ắp, còn tôi thì mặc đi mặc lại mấy bộ suốt nhiều năm.
    Quá khứ như một con đường hầm vừa dài vừa tối, đi mãi đi mãi không tìm thấy lối ra.
    Bởi thế từ lâu tôi đã biết, mọi dấu vết quá khứ sẽ hằn sâu theo quá trình trưởng thành, dù là nghèo đói, dù là bạo lực hay thiếu thốn tình thương, đứa trẻ cứ thế lớn lên, tròn méo nhàu nhĩ theo sự nhào nặn của năm tháng.
  2. Rời khỏi nhà nhiều năm, tôi mới dần dần học cách xoa dịu chính mình.
    Từ việc dám bỏ tiền thay cái điện thoại cũ đơ lên đơ xuống, từ việc đi thẳng vào cửa hàng và nói với nhân viên rằng mình muốn mua thứ nọ thứ kia, cũng dần dần thẳng lưng trong tình yêu, bỏ sự mẫn cảm và tự ti ở phía sau, từng chút, từng chút buông tay để bắt đầu lại.
    Nỗ lực kiếm tiền, dùng của cải vật chấp để chắp vá những khuyết thiếu trong hồi ức; chăm chỉ đọc sách, để thế giới tinh thần của chính mình ngày càng rộng lớn; là chuyện đúng đắn nhất tôi đã làm sau khi trưởng thành.
    Mấy ngày trước tôi ở dưới nhà gặp hai học sinh tiểu học đứng trước của tiệm dồn tiền mua một phần mì trộn. Lúc ấy người xếp hàng cực kì đông, mà hai đứa nhỏ cứ ỏm tỏi tranh cãi xem phải mua theo khẩu vị của ai. Tôi nhìn ông chủ có chút không kiên nhẫn, giọng điệu bắt đầu cáu gắt, liền bảo ông ấy làm cho mỗi đứa một phần, tiền tôi sẽ trả.
    Ban đầu hai đứa nhỏ còn ái ngại từ chối, cuối cùng cũng e dè gật đầu. Lúc rời đi, một đứa còn gắp lại bát tôi vài miếng xúc xích, vui vẻ nói lời cảm ơn.
    Trong thoáng chốc tôi nhìn thấy tuổi thơ nghèo đói của mình trên khuôn mặt ấy, tấm lưng bé nhỏ nán lại trước xe xiên chiên năm đó, cuối cùng cũng nếm được một chút dư vị hạnh phúc muộn màng.
    Tôi nghĩ “nuôi dưỡng lại chính mình” cũng có nghĩa là dùng cách của bản thân để phá giải lời nguyền “khuyết thiếu tuổi ấu thơ sẽ ám ảnh người ta vĩnh viễn”, lấy hết dũng khí rời khỏi kịch bản bố mẹ chọn sẵn.
  3. Trong tâm lý học có khái niệm “đứa trẻ bên trong” (Inner Child)
    Nó lưu giữ những xúc cảm chưa được bộc lộ, nỗi đau không thể xóa nhòa và những khát khao sâu kín.
    Đứa trẻ may mắn có tuổi ấu thơ hạnh phúc, khi nhìn thế giới sẽ toàn là vui vẻ và lạc quan; nhưng đứa trẻ trải qua quá khứ tồi tàn, chẳng thể nào giấu nổi sự bi thương trong đáy mắt.
    Có một sự thật mà ai cũng biết, rằng cách người ta dạy dỗ một đứa trẻ, là muốn nó trở thành dáng vẻ mà chính mình mong muốn, bởi vì đó là vết thương ta dùng nửa đời để chữa lành.
    Ai cũng bảo rằng chúng ta phải học cách hòa giải với chính mình. Hòa giải, thực ra là học cách chấp nhận đứa trẻ bên trong, cùng nó lớn lên, bù đắp chính mình bằng những yêu thương từng khao khát.
    Bước ra khỏi những thương tổn từ gia đình, bước ra khỏi cảnh sống chật vật năm đó, dù phải trải qua vô vàn gian khó, cuối cùng chúng ta cũng đã vượt qua được con đường hầm tăm tối, gặp được ánh sáng.
    Tôi rất thích câu văn cuối cùng trong Harry Potter: “Vết sẹo đã 19 năm không đau, tất cả rồi sẽ ổn”
    Có lẽ món quà tuyệt vời nhất của trưởng thành là chính “tôi” của hiện tại, chín chắn và hiểu biết, một bản thân có thể kiên định nói với đứa trẻ năm ấy, người sẽ luôn yêu thương, bảo vệ nó vô điều kiện, cuối cùng cũng đến rồi.
    Người đó là bản thân bạn.
    Cũng chỉ có thể là chính bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *