Clip: Nhộn nhịp phiên chợ vùng cao Co Mạ (Thuận Châu, Sơn La) dịp Tết Độc lập 2/9.
Thức dậy thật sớm để đón phiên chợ vùng cao Co Mạ dịp Tết Độc lập 2/9
Từ tờ mờ sáng, khi tiếng gà trống gáy “ò ó o” đầu tiên của ngày 2/9 vang lên, khắp các ngả đường vào trung tâm xã vùng cao Co Mạ, có rất đông bà con xúng xính trong bộ trang phục truyền thống màu sắc sặc sỡ tìm về dự phiên chợ Tết Độc lập. Âm thanh rộn ràng của xe cộ, tiếng chào hỏi ríu ran, nhịp chân bước rộn ràng… làm sống động cả một vùng cao yên ả.
Nhiều năm trở về trước, khi đường giao thông đi lại khó khăn, hệ thống điện lưới quốc gia chưa về với bà con vùng cao, việc đón Tết Độc lập ở Co Mạ chưa thuận lợi như bây giờ nên ít sôi động. Nhưng hôm nay, đường giao thông liên xã, liên huyện đã được nhựa hóa khang trang, điện về thắp sáng vùng quê nghèo, đời sống người dân đã nâng lên, nông sản ngày càng phong phú tạo nên nhu cầu thông thương lớn hơn.
Cùng với đó, trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu và xã Co Mạ đã tổ chức phiên chợ vùng cao gắn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Đặc biệt là những phiên chợ vào đúng dịp Tết Độc lập. Từ đó, Co Mạ đã trở thành điểm đến có sức hút rất lớn đối với bà con vùng cao và du khách thập phương.
Bà Vừ Thị Chu, năm nay đã hơn 70 tuổi ở bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu nhớ lại: “Mỗi dịp Tết Độc lập 2/9 là sự háo hức, không khí vui tươi phấn khởi trong lòng mỗi người dân chúng tôi lại trào dâng. Do đó, phiên chợ vùng cao Co Mạ dịp Tết Độc lập này không chỉ diễn ra 1 ngày như những phiên chợ vùng cao khác, mà được kéo dài từ ngày mùng 1/9 đến hết mùng 2/9, làm cho không khí đón Tết Độc lập ở vùng cao nhộn nhịp hẳn lên”.
Bà con đến với phiên chợ vùng cao dịp 2/9 để mua bán, trao đổi hàng hóa, gặp gỡ những người thân, chia sẻ những câu chuyện về sản xuất, mùa vụ trên nương và hòa mình vào không gian văn hóa, thưởng thức những món ẩm thực độc đáo… khi từ phiên chợ trở về, cùng với tâm trạng lâng lâng đầy cảm xúc thì cái lù cở trên lưng cũng gùi nặng những gói mì, muối, dụng cụ lao động phục vụ sản xuất, hướng về một mùa vụ thắng lợi, ấm no.
Ông Thào A Ly, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu bảo: “Ngày Tết Độc lập, nhiều người con của bản đi làm ăn xa nhưng vẫn trở về nhà và đến chơi phiên chợ. Năm nay, tôi tranh thủ đưa con đi chơi chợ để mua sắm thêm đồ dùng cho con bước vào năm học mới. Chúng tôi cùng nhau mua thêm ít đồ dùng gia đình, ăn những món ăn ưa thích ở chợ phiên”.
Phiên chợ vùng cao Co Mạ dịp Tết Độc lập 2/9 diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc
Trước đó, chuẩn bị cho phiên chợ, UBND xã Co Mạ đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các xã trong cụm xã vùng cao của huyện Thuận Châu như: Mường Bám, Long Hẹ, É Tòng, Pá Lông, Co Tòng chuẩn bị các gian hàng trưng bày sản phẩm của địa phương, các đội văn nghệ, các đội thi đấu môn thể thao và trò chơi dân gian truyền thống.
Ngay sau khai mạc, bà con 6 xã vùng cao Co Mạ, Long Hẹ, Pá Lông, Co Tòng, Mường Bám, É Tòng lại được vui chơi, tham gia các hoạt động, hội thi văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống, như: Thi đấu cầu lông, bóng chuyền, thổi khèn, giã bánh dày, kéo co, tu lu, pa pao; thi tìm hiểu về luật hôn nhân gia đình, bình đẳng giới. Huyện cũng tổ chức chiếu phim có lồng tiếng Mông, Thái về cách mạng, về Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Vui nhất là phần thi ném pao đã thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ. Các đội chơi chia làm hai bên nam – nữ, mỗi bên từ 3 -10 người, đứng đối diện và được chia 1 cự ly thi đấu ném pao. Nếu đội nào làm rơi quả pao nhiều nhất đội đó sẽ thua cuộc.
Phiên chợ vùng cao năm nay có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu để người dân lựa chọn phục vụ sản xuất và đời sống. Chúng tôi nhận thấy nhiều gian hàng bán dụng cụ sản xuất truyền thống, như: Dao, cuốc, liềm, lù cở… và những mặt hàng thổ cẩm của đồng bào Mông, Thái. Ngoài ra, tại phiên chợ còn bày bán rất nhiều sản vật truyền thống, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc, như: Táo mèo, dưa mèo, gà đen, bánh dày, rượu ngô…
Anh Chá Chua Và, đến từ xã Pá Lông, huyện Thuận Châu chia sẻ: “Đến phiên chợ năm nay, gian hàng của xã Pá Lông chủ yếu bày bán mũ, áo, váy Mông do bà con trong xã tự dệt, tự thêu. Chúng tôi hy vọng sản phẩm này sẽ là hàng hóa được nhiều người trong tỉnh, ngoài tỉnh biết đến, trao đổi để bà con vừa có thêm nghề sản xuất, tăng thêm thu nhập, vừa duy trì được nét văn hoá của dân tộc mình”.
Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thuận Châu cho biết: “Mong muốn quảng bá, giới thiệu sâu rộng hơn nữa các sản phẩm nông sản của huyện đến khách hàng trên cả nước và khích lệ các cá nhân, HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng các nền tảng số trong kinh doanh nông sản, trong ngày 1/9, phòng đã phối hợp tổ chức 3 phiên livestream trực tiếp quảng sản phẩm của địa phương đã thu hút hơn 4.000 vào xem, bán được gần 100 đơn hàng, góp phần giới thiệu hình ảnh nông sản vùng cao Thuận Châu, đặc biệt là quả sơn tra và nhiều sản phẩm đặc trưng khác của huyện đến đông đảo người tiêu dùng trong nước”.
So với những năm trước đây, phiên chợ vùng cao năm nay thu hút người dân và du khách đến chung vui đông hơn. Mặc dù các phương tiện giao thông được xã Co Mạ bố trí chỗ để riêng, người dân chỉ đi bộ vào phiên chợ, thế nhưng tất cả các ngả đường xung quanh trung tâm xã Co Mạ đều chật kín.
Chị Nguyễn Thị Sao, du khách đến từ TP.Sơn La, nói: “Chúng tôi đến đây cảm nhận được những sắc thái riêng của vùng cao, bà con người Mông ai nấy đều diện trang phục truyền thống rất đẹp, nét mặt vui tươi, phấn khởi. Những người bán hàng rất thành ý, trả lời mọi câu hỏi của du khách tìm hiểu về phong tục, tập quán, nét văn hóa bản địa”.
Ông Thào A Súa, quyền Chủ tịch UBND xã Co Mạ, huyện Thuận Châu cho hay, phiên chợ vùng cao ở đây diễn ra hàng tuần, là nơi bà con vùng cao trao đổi hàng hoá. Song đều đặn hàng chục năm nay, cứ vào dịp Tết Độc lập, huyện Thuận Châu giao cho xã Co Mạ tổ chức phiên chợ đặc biệt với nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao để tăng cường tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm nông sản và du lịch địa phương.
Đồng thời, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm nông nghiệp, thủ công tiêu biểu, những giá trị văn hóa truyền thống nhằm tìm kiếm cơ hội kết nối với các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các chương trình du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm ở các xã vùng cao của huyện Thuận Châu.