Trẻ đau mắt đỏ gia tăng, nhiều ca biến chứng nặng đến viêm kết mạc có giả mạc
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong 1 tháng, khoa Mắt của bệnh viện đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ). Trong đó, có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng như có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc). Bệnh viện Mắt Trung ương cũng ghi nhận gần 2.600 ca đau mắt đỏ trong tháng 7 vừa qua; tháng 8, bệnh viện ghi nhận hơn 2.400 ca bệnh.
Trước tình trạng trên, nhiều thắc mắc đặt ra viêm kết mạc có giả mạc là gì? Sau khi bóc giả mạc có tái lại không? Trao đổi với PV Dân Việt, Ths. BS Hoàng Thanh Nga, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho hay, bóc giả mạc là quy trình thường quy trong điều trị viêm kết mạc (đau mắt đỏ), việc phải làm để thuốc điều trị viêm kết mạc phát huy tác dụng.
Viêm kết mạc là tình trạng viêm phù nề của kết mạc, thường được gọi là đau mắt đỏ, là một bệnh thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm trùng (virus, vi khuẩn), dị ứng, hoá học….
“Viêm kết mạc do virus là nguyên nhân thường gặp nhất và Adenovirus là nhóm có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành các đợt dịch trong cộng đồng, tại trường học hoặc tại nhà. Bệnh thường nhẹ, có thể tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp có thể gây biến chứng trên giác mạc. Viêm kết mạc có giả mạc là tình trạng mặt trên của kết mạc có màng. Trong y khoa chia làm 2 loại là màng giả và màng thật. Màng thật chính là biểu mô của kết mạc bị hoại tử, nó phù lên như một cái màng nhưng lại không thể bóc nó ra được”, bác sĩ Nga thông tin.
Theo bác sĩ Nga, màng giả hay còn gọi là giả mạc thường do kết mạc bị viêm quá mức dẫn đến tăng thấm thành mạch, làm các protein phân tử lượng cao thoát ra khỏi mạch máu (đặc biệt là fibrinogen), tạo ra màng xuất tiết mà thành phần chủ yếu là fibrin phủ lên mặt trên của kết mạc. Giả mạc là biểu hiện của phản ứng viêm rất nặng.
Tình trạng giả mạc gặp trong nhiều bệnh về mắt chứ không riêng các bệnh viêm kết mạc do virus, vi khuẩn như bỏng mắt, hội chứng Stevens Johnson (dị ứng thuốc)…
“Màng này như một tấm khiên chắn không cho thuốc tiếp xúc với kết mạc, đồng thời nó lại là nơi để vi khuẩn phát triển, dễ dẫn đến nhiễm trùng. Nhưng vì là màng giả nên có thể bóc ra khỏi kết mạc tương đối dễ dàng. Vì vậy điều trị viêm kết mạc có giả mạc cần phải bóc màng này khỏi kết mạc, phối hợp dùng thuốc kháng sinh, chống viêm để dự phòng nhiễm trùng, giảm tính thấm của thành mạch máu”, bác sĩ Nga lưu ý.
Bác sĩ cho rằng, các hướng dẫn trên thế giới hiện nay cũng đều khuyến cáo nên bóc giả mạc để thuốc tra vào mắt ngấm tốt hơn và giảm tình trạng viêm xuất tiết. Trong một số bệnh lý viêm khác, giả mạc có thể làm dính kết mạc ở các vị trí khác nhau, ví dụ như bỏng, hội chứng Stevens Johnson mà không vệ sinh, bóc màng giả mạc trong giai đoạn cấp sẽ làm dính kết mạc mi vào kết mạc nhãn cầu gọi là dính mi cầu. Khi đó thì rất khó để chữa trị.
Bệnh nhân viêm kết mạc do virus có giả mạc sau khi bóc phải khám lại sau 2 – 3 ngày để xem mức độ tái lập và các biến chứng trên giác mạc nếu có. Tuỳ mức độ viêm mà giả mạc sẽ tái lập lại, thông thường mắt viêm kết mạc do virus có giả mạc phải bóc 2 -3 lần (sau mỗi 2-3 ngày) mới ổn định.
“Hiện nay, chưa có thuốc kháng Adenovirus đặc hiệu, vì vậy ngoài việc bóc giả mạc bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh tra tại mắt để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và thuốc chống viêm tra tại mắt để giảm phản ứng viêm.
Thông thường không cần thuốc kháng sinh, chống viêm đường toàn thân (tiêm, uống). Tỷ lệ mắc bệnh viêm kết mạc cấp khoảng 0,03 – 1,10% trong tổng số toàn bộ dân số, nhưng trong các môi trường có sự tiếp xúc gần gũi giữa người có bệnh và người không có bệnh, như công sở, trường học thì tỷ lệ này tăng đột biến 10 – 32 %”, bác sĩ Nga phân tích.
Làm gì để tránh bị đau mắt đỏ?
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho rằng, đường lây lan bệnh có thể do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi hoặc lây qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh.
“Với một số loại virus đường hô hấp (như Adenovirus…) đường lây có thể qua giọt bắn. Thời gian ủ bệnh viêm kết mạc có thể từ 1 đến 2 tuần và thời gian người bệnh có thể lây cho người lành là từ 2 tuần trở lên kể từ khi biểu hiện bệnh. Đặc biệt một số trường hợp mắc virus, chưa có biểu hiện viêm kết mạc nhưng đã có thể lây cho người khác, vì vậy dễ tạo nên dịch trong cộng đồng”, bác sĩ nói.
Bác sĩ Nga cho biết thêm, đau mắt đỏ là bệnh dễ bị lây nhiễm qua đường hô hấp, giọt bắn. Năm nay dịch viêm kết mạc lây lan nhanh mạnh, dễ gây biến chứng viêm giác mạc hơn so với các năm, nhiều trường hợp trẻ em hay có giả mạc hơn so với các năm trước.
Với diễn biến dịch phức tạp như vậy, cha mẹ cần phòng bệnh cho con bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, đến nơi tụ tập đông người và thực hiện sát khuẩn tay thường xuyên, tránh tiếp xúc vào các vật dụng nơi công cộng….
“Đau mắt đỏ không lây truyền qua việc nhìn. Đeo kính râm chỉ giúp mắt đỡ kích thích khó chịu với ánh sáng và tránh bụi bặm chứ không tránh được lây nhiễm. Nên đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần với người bị viêm kết mạc.
Triệu chứng phổ biến của bệnh đau mắt đỏ là đỏ mắt, chảy nước mắt và cộm mắt, có gỉ mắt. Trẻ ở trong môi trường có người bị đau mắt đỏ, ví dụ như trong lớp có bạn bị đau mắt đỏ, thì khả năng bị lây cũng rất cao. Nếu đợi đến sưng nề, trẻ có dấu hiệu sợ ánh sáng… mới đi khám thì lúc này giác mạc đã tổn thương nặng, rất dễ biến chứng.
Cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, vận động hợp lý. Tăng cường sức đề kháng là việc phải làm hàng ngày để tăng miễn dịch của cơ thể.”, Bác sĩ Nga khuyên.