loai-rau-dai,-nguoi-thich,-ke-nho-bo,-giau-vitamin,-con-chuyen-tri-tieu-duong,-thieu-mau

Loại rau dại, người thích, kẻ nhổ bỏ, giàu vitamin, còn chuyên trị tiểu đường, thiếu máu

Loại rau dễ sống, không bị sâu ăn lá nhưng nhiều người coi như cỏ dại

Rau dền cơm (còn gọi là rau dền xanh) là loại rau có màu xanh trắng, hoa tụ lại ở trên ngọn như những núm cơm nhỏ. Từ lâu, loại rau này được nhiều người trồng để làm rau ăn. Phần để ăn là ngọn, lá, thân non và cả cây non (bỏ rễ). Tuy nhiên, vẫn có nhiều người cứ thấy cây mọc trong vườn là nhổ bỏ.

Loại rau chẳng chăm cũng lớn, giúp ngừa ung thư, tốt cho máu và tiểu đường nhưng bị nhiều người rẻ rúng - Ảnh 1.

Loại rau dền cơm mọc trong vườn rau nhà chị Phương Linh. Ảnh: Diệu Thuần.

Vợ chồng chị Phương Linh (31 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP.HCM) có một mảnh vườn nhỏ, rộng khoảng 25m2. Khu vườn này được vợ chồng chị khai hoang ở mảnh đất bên cạnh chưa xây nhà để trồng các loại rau cải, rau khoai (rau lang), mồng tơi, xả, ớt, bầu, bí xanh, bí đỏ, mướp và một số loại rau thơm để lấy rau sạch ăn.

Chị Phương Linh cho biết số rau trong vườn luôn xanh tốt do được chị liên tục tưới nước, bón phân, bắt sâu. Tuy nhiên, điều chị không vừa lòng là những cây rau dền cơm không biết từ đâu mọc lên khiến chị phải liên tục nhổ bỏ. “Vợ chồng tôi không ăn cây rau này, không biết hạt nó từ đâu mà mọc nhiều lắm”, chị Phương Linh chia sẻ.

Hàng xóm nhà chị Phương Linh là bà Trần Cứ (65 tuổi) cũng thường xuyên phải nhổ bỏ những cây rau dền cơm “hở” tí là mọc lên trong vườn rau rộng hơn 14m2

Bà Cứ cho biết hạt cây rau dền cơm cứ rơi xuống đất là mọc cây xanh tốt, không cần bón phân, tươi nước và không bị sâu ăn lá.

Loại rau chẳng chăm cũng lớn, giúp ngừa ung thư, tốt cho máu và tiểu đường nhưng bị nhiều người rẻ rúng - Ảnh 2.

Bà Trần Cứ cho biết loại rau này liên tục mọc đầy vườn, bà phải nhổ bỏ. Ảnh: Diệu Thuần.

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), dền cơm là một loại rau được sử dụng phổ biến trong các bữa ăn của gia đình Việt. Cây rau này có thể dùng dưới dạng luộc, nấu canh hoặc chế biến thành nhiều món khác nhau. Ngoài công dụng làm thực phẩm, dền cơm còn là dược liệu có nhiều tác dụng trị bệnh quý.

Loại rau này chỉ cần hạt rơi xuống đất sẽ mọc cây lên. Có khi, hạt của cây bị chôn vùi một thời gian dài mới nảy mầm. 

Bộ rễ của cây khỏe, ăn sâu và bám chắc vào lòng đất để hút chất dinh dưỡng cũng như nước duy trì sự sống cho cây. Vì cây dễ mọc, lại mọc nhiều nên loại rau này thường bị nhổ bỏ để nhường đất trồng cây rau khác.

Nhiều nước trên thế giới dùng loại rau dền cơm làm rau ăn và làm thuốc trị bệnh

Theo y học cổ truyền, rau dền cơm có vị ngọt, tính hàn nên có tác dụng giải nhiệt, làm mát gan, nhuận tràng, thông tiểu, lợi khí, trừ thấp, khai khiếu. Mỗi bộ phận của cây được dùng với mục đích trị bệnh khác nhau. 

Trong đó, thân cây được dùng làm thuốc trị bỏng nhẹ, làm tiêu mụn nhọt, lợi sữa. Lá kích thích tiêu hóa, điều trị táo bón, long đàm, giảm ho, viêm họng và một số vấn đề về đường hô hấp. Hạt làm thuốc đắp trị gãy xương, băng bó chấn thương.

Theo y học hiện đại, thành phần trong loại rau này gồm có: Các loại vitamin, axit amin, tinh bột, đạm thực vật, nước, chất béo, chất xơ, sắt, magie, phốt pho, mangan, kali, canxi và niacin… 

Cụ thể, cứ trong 100g rau dền có 86-92g nước, 3,2-3,4g chất đạm (protid), 6,2-6,3g chất đường (gluxit), 1,6-2,4g xenluloza (chất xơ), 241-288mg canxi, 27-63mg vitamin C, 2800-5300mcg carotene, ngoài ra còn một số vitamin khác như B1, B2, PP…

Nhờ có các thành phần dinh dưỡng này, người Trung Quốc sử dụng rau dền cơm làm ẩm thực khoảng 400 năm qua. Đây cũng là cây làm rau ăn và làm thuốc ở một số nước châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Ở Ấn Độ, Philippines, rau dền cơm được dùng điều trị tiểu đường, thiếu máu.

Loại rau chẳng chăm cũng lớn, giúp ngừa ung thư, tốt cho máu và tiểu đường nhưng bị nhiều người rẻ rúng - Ảnh 3.

Những cây rau dền cơm lớn và ra hoa rất nhanh, nhổ cây lớn thì có cây con khác mọc lên. Ảnh: Diệu Thuần.

Viện dinh dưỡng quốc gia cũng khẳng định so với nhiều loại rau ăn, tỷ lệ chất đạm trong rau dền cơm tương đối cao và điều đáng quý là nó có gần như đầy đủ các axit amin cần thiết như lysin, phenylalanine, valin, loxin, hcginin…

Hơn nữa, hàm lượng canxi trong loại rau dền cơm cao nhưng chúng ở dạng khó hấp thu (oxalat canxi), do vậy lượng canxi được cơ thể hấp thu từ rau dền không lớn. Hàm lượng caroten trong rau dền khá cao, khi ăn vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A giúp trẻ phát triển tốt, tăng sức đề kháng của cơ thể và giữ cho đôi mắt khỏe mạnh.

Lượng xenluloza (chất xơ) trong rau dền khá tốt, chất xơ của rau dền có cấu trúc mịn màng nên dễ dàng chuyển sang các dạng hòa tan ở trong ruột có tác dụng kích thích mạnh làm tăng nhu động ruột chống táo bón, kích thích bài tiết dịch ruột giúp quá trình tiêu hoá tốt và ăn ngon miệng. Chất xenluloza của loại rau dền còn có khả năng bài xuất cholesterol và chất độc hại.

Ngoài ra, trong loại rau dền cơm chứa một loại axit amin gọi là lysine và các khoáng chất như kali, phốt pho, magiê, sắt, vitamin C, vitamin E giúp ngăn ngừa các gốc tự do gây lão hóa và dẫn đến sự hình thành các tế bào ung thư.

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ăn rau dền cơm tốt, nhưng cần lưu ý những điều sau:

– Người bị dị ứng với rau dền cơm không nên dùng. Theo các bác sĩ, hiếm khi rau dền gây dị ứng. Tuy nhiên, trước đó nếu bạn từng bị nổi mẩn, ngứa ngáy, khó chịu sau khi ăn loại rau này thì không nên dùng nó làm thuốc chữa bệnh.

– Phụ nữ mang thai, người bị tiêu chảy không được khuyến khích dùng loại rau dền dưới bất cứ hình thức nào.

– Nghiên cứu cho thấy, thành phần acid oxalic trong loại rau này có thể gây cản trở khả năng hấp thu canxi và kẽm trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi oxalat. Vì vậy, bệnh nhân bị gout, sỏi thận, viêm khớp dạng thấp nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng dền cơm với tần suất liên tục trong thời gian dài.

– Rau dền cơm chế biến chung với thịt ba ba có thể gây ngộ độc. Tránh kết hợp loại rau này cùng nhau hoặc sử dụng cùng thời điểm.

– Các món ăn bài thuốc từ loại rau dền cơm sau khi chế biến xong nên dùng ngay hoặc sử dụng hết trong ngày. Không nên hâm lại nhiều lần vì thành phần nitrat trong lá rau dền có thể chuyển hóa thành nitrit – một chất có khả năng gây ung thư. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *