Cô nhớ lại, ba mẹ ly hôn khi cô đã khá lớn nhưng em trai vẫn còn nhỏ. Hành trình ly hôn dai dẳng và căng thẳng, ba mẹ cô không thỏa thuận được về quyền nuôi con, quay sang tranh chấp kịch liệt. Giành không lại với nhau, họ giao con cho tòa phân xử.
Cậu em trai vừa vào tuổi dậy thì nổi loạn, thêm khủng hoảng trước cuộc ly hôn của bố mẹ đã chọn cách im lặng, từ chối mọi câu hỏi “muốn ở với bố hay mẹ?”. Bởi trong lòng, với chính mình, cậu bé cũng không trả lời nổi câu hỏi đó. Nó yêu bố và nó yêu mẹ.
Cô chị hơn nhiều tuổi được tòa tham khảo ý kiến về việc “em trai nên ở với ai”. Cô phải chọn một trong hai, không phải chọn cho mình mà chọn cho em trai.
Kể về bố, cô nói suốt tuổi thơ đã rất yêu ông, một tình yêu đặc biệt giữa bố và cô con gái được cưng chiều. Ông là người có nhiều ảnh hưởng đến cuộc đời chị về tính cách, cách sống, cách đối nhân xử thế…
Sau khi đưa ra câu trả lời, cô chị còn phải viết một lá thư xác nhận lại ý kiến của mình gửi cho tòa. Cô kể lại, trong lá thư đó đã viết đại ý rằng “em tốt nhất nên ở với mẹ”.
Bố suy sụp, giận con gái một thời gian dài vì việc này… Thời điểm đó, con trai là nguồn sống duy nhất với ông.
Giờ nhìn lại chuyện đã qua, người phụ nữ đã trưởng thành, chín chắn vẫn không lý giải được tại sao lại đưa ra lựa chọn “em nên ở với mẹ”. Chọn vì phải chọn. Nói là chọn nhưng thật ra cô đâu có được lựa chọn. Một bên là bố, một bên là mẹ, con có chọn ai thì cũng đau đớn và nghiệt ngã.
Hệ quả của việc này là cô con gái mang trong mình “món nợ” với bố. Cho đến khi ông qua đời, nỗi day dứt đó vẫn ở lại đeo đẳng cô…
Từ trải nghiệm đau thương của mình, tại chuyên đề về ly hôn ở TPHCM, người phụ nữ nói trong nước mắt: “Tôi mong các ông bố bà mẹ khi ly hôn hãy cố gắng thương lượng, thỏa thuận với nhau các vấn đề sao cho tốt nhất, đặc biệt là chuyện nuôi con. Đừng để phải kéo nhau cho tòa, đừng bắt đứa trẻ chỉ được chọn một trong hai. Làm sao chúng chọn cho nổi hay chọn rồi sẽ đau cả đời”.
Giai đoạn ly hôn, hai bên thường rất căng thẳng, ai cũng muốn giành phần thắng về mình, không ai muốn chịu thua ai. Nhưng chính lúc này, người trong cuộc phải cần thật kiên nhẫn, có khi cần lùi lại, thậm chí chịu thua để tìm ra phương án tốt nhất cho con, cho mình.
Khi có sự đồng thuận của bố mẹ trong vấn đề nuôi con, đứa trẻ dù ở với ai cũng sẽ bớt khó xử, đau đớn phần nào.
Ly hôn giải thoát cho bố mẹ lại nhấn chìm con trẻ?
Ly hôn không chỉ là chuyện của riêng hai người. Giữa những cuộc ly hôn là đứa con bằng da bằng thịt, biết đau biết buồn, hiểu những giằng xé, khổ sở… Đừng quên trước khi bố mẹ dắt nhau ra tòa, có thể con cái đã phải chịu nhiều tổn thương từ mâu thuẫn, xung đột giữa bố mẹ trong gia đình.
Rồi giờ đứng giữa cuộc ly hôn của bố mẹ, nhiều đứa trẻ bị đẩy vào tình thế vô cùng đau thương.
Có đứa trẻ bị bố mẹ giành giật quyền nuôi dưỡng. Có trường hợp chúng không được lựa chọn, cũng có khi phải ra trước tòa để nói ra nguyện vọng muốn sống cùng ai. Ngay cả khi được chọn, việc đó cũng có thể để lại tổn thương suốt đời với trẻ.
Tệ hơn nữa, có những đứa trẻ bị bố mẹ xem như “vật cản”, bị đẩy qua đẩy lại, không ai muốn nhận về phần mình.
Cũng chẳng thiếu những đứa trẻ trở thành vũ khí để bố mẹ “hạ bệ” đối phương. Nhiều người giành nuôi con chưa hẳn vì muốn được bên con mà để “trả thù” người kia, dùng con đẩy cuộc đời người kia vào địa ngục…
Còn nhớ, cách đây không lâu, một cảnh tượng gây tan nát cõi lòng được lan truyền khắp cõi mạng. Đó là clip bé trai 7 tuổi ở Thái Bình gào thét, giằng co, cố thoát khỏi tay bố và bà nội ngay trước cổng tòa. Phiên tòa ly hôn vừa kết thúc với phán quyết cháu được giao cho bố, còn em nhỏ ở với mẹ.
Đứa trẻ liên tục kêu gào, vẫy tay muốn chạy lại phía mẹ và nhà ngoại đang đứng đó nhưng bị bên này giữ lại, bắt lên xe. Hai bên nội ngoại cãi vã, đấu khẩu, giằng kéo nhau ầm ĩ cổng tòa…
Nhiều lắm, nhiều lắm cảnh tượng những đứa trẻ gào khóc ở tòa như vậy khi phải về phía bên này, bịn rịn dứt áo với phía bên kia trong sự giằng co.
Đó là chưa nói đến những bi kịch của những đứa trẻ sau cuộc ly hôn của bố mẹ. Chúng có thể bị cấm cản việc gặp cha/mẹ hay có khi chính cha/mẹ khước từ nghĩa vụ thăm nuôi, trợ cấp cho con… Nào ít những đứa trẻ không còn biết mặt cha, không còn nhớ tiếng mẹ, vật lộn với nỗi nhớ thèm mùi cha mùi mẹ.
Ly hôn có khi là sự giải thoát cho người lớn nhưng cách ứng xử của cha mẹ trong cuộc chia tay, có hẳn là sự giải thoát cho trẻ, hay chính là đợt sóng sau cùng nhấn chìm bọn nhỏ?
Theo thạc sĩ tâm lý Vũ Cẩm Vân, người có kinh nghiệm gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý gia đình, có những cặp vợ chồng chia tay nhẹ nhàng, cũng không ít đôi ly hôn trong cảnh tan nát, khiến con trẻ bị sang chấn nặng nề.
Bà Vân nhấn mạnh, cách ứng xử của cha mẹ trước và sau ly hôn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý đứa trẻ.
Để hạn chế những tổn thương cho con và chính mình, trước và sau ly hôn, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề như cân nhắc kỹ quyết định ly hôn, không nên xúc phạm nhau trước mặt con cái, không lôi kéo con về phía mình, cố gắng hợp tác, chia sẻ việc nuôi dạy con…