Có câu chuyện nào về sự kiên trì vượt qua người thường làm bạn ấn tượng thật sâu không?

Năm bà nội 70 tuổi, bà vẫn vui vẻ nói với những người xung quanh rằng, bà hẵng còn trẻ…
Bà sinh năm 1926, cả đời bà sinh 7 người con, cả nam lẫn nữ, lại hộ các con trông 16 đứa cháu.
Năm bà 70 tuổi, em họ nhỏ nhất của tôi cũng đi học tiểu học rồi.
Sức khỏe bà tốt cực, không bị bệnh vặt, không bị lãng tai cũng chẳng bị hoa mắt.
Con cháu ai cũng hiếu thuận với bà, để bà ở nhà lớn, lắp máy lạnh mới, mua tivi xịn…
Chung là bà chẳng lo ăn lo mặc tuổi về già.
Một hôm, tôi thấy trên bàn bà có 1 cuốn vở, trong đó là những dòng chữ ngoằn nghèo viết về từng thành viên trong gia đình, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, không thiếu một ai, gọi là gia phả cũng không quá…
Bà nhẹ nhàng đi qua bảo: “Hay con chỉ bà viết đi, bà muốn nhận mặt chữ…Bà không muốn mù chữ cả đời…Nay bà biết được 10 chữ rồi đấy, bà còn trẻ mà, một ngày bà học 2 chữ thôi, 8 năm 10 năm là học được hết, sau này bà cũng đọc sách, đọc báo được nữa…”
Năm đó tôi mới 15 tuổi, nói chuyện không biết chừng mực, tôi bảo: “Bà 70 tuổi rồi mà, còn trẻ trung cái gì nữa, bà muốn học chữ á? Nhưng học hành khổ cực lắm, bà xem mấy đứa con nít tụi con nè, có đứa nào thích đi học đâu, bởi vậy mới bảo, học hành khổ cực mà mệt người lắm á bà, bà đừng học…”
Bà bĩu môi tỏ vẻ không hài lòng bảo: “Ai nói bà không học được, bà rất muốn đi học. Lúc nhỏ trong nhà còn nghèo, không có tiền cho bà đi học. Bà muốn học chữ, muốn đọc sách 60 năm nay rồi. Vậy mà mấy đứa con không muốn đi học? Đúng là sống trong phúc mà không biết phúc!”
Tôi còn tưởng là bà rảnh rỗi không có chuyện gì làm nên nổi hứng nhất thời…
Không ngờ, bà lại nghiêm túc thật!
Bà thường mang theo sách mình viết, gặp ai thì hỏi: “Chữ này đọc như thế nào, chữ kia đọc ra làm sao, có phải đọc như thế này không?”
Lúc đó tôi học cấp 3, sắp thi đại học rồi nên không dám lơ là. Sau bị bà hỏi nhiều đành phải mua cuốn “Từ điển chữ Hán” cho bà tra. Tôi nói với bà, muốn học chữ, đầu tiên phải học thuộc phiên âm, học rành phiên âm rồi thì tra từ điển, như vậy bà có thể tự học được rồi.
Lúc nhỏ đứa nào trong chúng tôi mà chả bị phiên âm chữ Hán hành đến mức kêu cha gọi mẹ.
Anh chị em họ tôi còn cược với nhau một hồi xem sau khi bị phiên âm dằn vặt, bà có thể kiên trì được mấy ngày…
Những ngày sau đó, bà lão thân mình đầy tiền và tự do lại lựa chọn rời bỏ thú vui tản bộ mỗi ngày cùng với lịch múa quảng trường để vùi đầu vào sách vở.
Mấy năm trôi qua, bà thật sự học được phiên âm chữ Hán rồi…
Lại thêm mấy năm nữa, ấy mà bà đã chập chững biết cách tra từ điển…
Lúc mừng thọ bà tròn 90 tuổi, nhìn hàng chữ trên chiếc bánh kem con cháu tặng, bà rất đắc ý đọc to:
“Phúc như Đông hải; Thọ tỷ Nam sơn…Haha…Mấy chữ này bà đều biết đấy nhé…”
Bà còn vui vẻ khoe với con cháu là: “Cũng may bà già này hồi còn trẻ chịu học chữ từ 20 năm trước, nếu không giờ có khi vẫn là kẻ mù chữ. Hai năm gần đây bà cũng đọc sách đọc báo được rồi, cũng may, bà là người biết chữ rồi, không phải là kẻ thất học”
Nghe câu này của bà, tôi không nói được gì.
Nhóm con cháu xung quanh cũng không nói được gì.
Bà cực khổ một đời, đến năm 90 tuổi mới chịu bảo là mình già, chứ 20 năm trước, tức là năm 70 tuổi, bà vẫn cho rằng bản thân còn độ trẻ trung…
Người ở độ tuổi 70 không thiếu ăn thiếu mặc lại vẫn cứ kiên trì một mực đi học từng con chữ, chỉ để thực hiện niềm tiếc nuối khi còn nhỏ không được cắp sách đến đường, chỉ để gỡ cái mũ “mù chữ” đã đội gần hết cả cuộc đời xuống, để trở thành một bà lão biết mặt chữ, có thể tự đọc sách đọc báo mà chẳng cần nhờ ai…
Nay bà cũng đã 97, mong mỗi ngày bà đều vui vẻ sống lâu thật lâu với con cháu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *