Bài phỏng vấn dài với Inio Asano về Oyasumi Punpun và hơn thế nữa!

CẢNH BÁO: Bài phỏng vấn có spoil nặng cốt truyện, RẤT DÀI và sẽ trả lời một lượng câu hỏi cực lớn về bộ manga chết tiệt này. Còn nữa, nếu thích bài phỏng vấn này, tôi gợi ý bạn xem thêm “Matt Thorn lật tẩy truyền thuyết Asano là người chuyển giới?”

  • Chúc mừng anh đã hoàn thành Oyasumi Punpun. Anh cảm thấy thế nào?
    Inio Asano: Thật tốt vì cuối cùng cũng xong.
  • Đây là tác phẩm dài hơi nhất của anh cho tới giờ. Một đứa trẻ có thể đã vào tiểu học và tốt nghiệp vào thời điểm anh hoàn thành.
    Asano: Gần 7 năm. Tôi đã phác thảo sẵn Oyasumi Punpun ngay từ đầu và đã biết mọi chuyện sẽ kết thúc ra sao từ nhiều năm trước nên với tôi, bộ truyện đã hoàn thành từ lâu. Nhưng tôi không để bản thân nghỉ ngơi. Tôi phải theo sát cho tới cuối, nếu không tôi sẽ không thể hài lòng với bản thân. Vì vậy, tôi đã kiên trì vẽ và đến cuối cùng bộ truyện dài gấp đôi số tập dự kiến ban đầu (7 tập). Nên vâng, thật tốt vì cuối cùng cũng xong.
  • Tôi có phỏng vấn anh hồi tập 3 mới ra và anh đã nói anh nghĩ ra toàn bộ cốt truyện trong khoảng 30 phút. Câu chuyện mà anh nghĩ ra thời điểm đó là gì?
    Asano: Lúc vẽ xong chương đầu tiên, tôi dự định sẽ kể câu chuyện về một cậu bé tên Punpun khi cậu lớn lên, kéo dài khoảng 10 năm.
  • Ra vậy.
    Asano: Nữ chính là Aiko, và đây là truyện tình cảm nếu bạn tò mò về thể loại. Một chuyện tình lãng mạn. Bước ngoặt của manga sẽ là một sự cố nào đó xảy ra giữa truyện rồi Punpun và Aiko bỏ chạy và sau đó nửa còn lại của truyện sẽ giống như một bộ phim hành trình (road movie).
  • Nên nhịp điệu nhẹ nhàng của bộ truyện hồi các nhân vật còn ở tiểu học chắc chắn sẽ bị xáo động.
    Asano: Tôi đã xác định ngay từ đầu một sự cố sẽ xảy ra và muốn nó càng gây shock càng tốt nên quyết định dành thời gian để vẽ toàn bộ tuổi thơ ngốc nghếch của họ.
  • Đó có phải là ý tưởng đằng sau cách Punpun và Aiko lần đầu yêu nhau không?
    Asano: Chà, tôi mở đầu truyện bằng cảnh Punpun yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên với một học sinh chuyển trường, nghe cliché đúng không. Trong lịch sử của manga, ta gần như có một khuôn mẫu chung về cách thực hiện một bộ truyện ra sao. Punpun là một phần nỗ lực của tôi trong việc có thể phá hủy bao nhiêu cái khuôn mẫu đó – đó là lý do tôi bắt đầu với một mô típ tình cảm hài hước chỉ để xem mình quậy tung được tới mức nào.
  • Sau khi Punpun tốt nghiệp trung học, họa sĩ manga triển vọng Sachi Nanjo xuất hiện. Có phải cô ấy vẫn luôn nằm trong kịch bản không?
    Asano: Tôi dự định tạo ra chuyện tình tay ba giữa Punpun, Aiko và Satchan ngay từ đầu. Ở chương 1, có cảnh bố của Punpun nhìn ra kính viễn vọng và nói về tam giác mùa hè đó. Tôi đã đặt cảnh đấy vào để sau này đọc lại, mình sẽ nhớ rằng Punpun kể về một mối tình tay ba.
  • Anh đã báo trước điều này ngay từ chương đầu tiên!
    Asano: Vega là Chức Nữ, Altair là Ngưu Lang – và rồi với sự bổ sung của Deneb (Thiên Tân) chúng trở thanh tam giác mùa hè. Satchan, cũng như vậy, tạo ra tam giác giữa cô với Punpun và Aiko – hay Ngưu Lang và Chức Nữ. Cặp sừng mọc ở trên đầu Punpun (tập 11) không phải sừng ác quỷ; Ngưu Lang còn được gọi là thần chăn trâu, nên cặp sừng đó đúng ra phải là sừng trâu.
  • Vậy, tại sao Punpun lại trở thành kim tự tháp?
    Asano: Tôi cố biến cậu ta thành hình khối đơn giản nhất có thể, nên tôi quyết định vẽ khối tứ diện, cũng là khối cơ bản nhất trong các khối đa diện.
  • Cậu ấy cũng biến thành các hình như hyottoko
    (TN: một loại mặt nạ của Nhật) khi đùa giỡn…
    Asano: Cái đó chả có ý nghĩa gì đâu. (cười) Tôi vốn thích các đồ trang trí truyền thống nên là hyottoko là do tôi thích vẽ. Chỉ thế thôi. Bộ truyện này là sự pha trộn giữa những cái có nghĩa và những cái hoàn toàn không có nghĩa gì cả.
  • Vậy về cơ bản, nửa đầu của manga là một loạt các tình tiết khiến người đọc nhớ về ký ức cuộc đời họ và khiến họ thấy gắn kết với Punpun, rồi từ đây họ bước vào một câu chuyện về cuộc đời họ không bao giờ trải qua – giết người vì tình. Anh quyết định giết người trở thành “sự cố” bước ngoặt của bộ truyện khi nào?
    Asano: Khoảng tầm bắt đầu tập 3 khi Punpun mới lên cấp 3, tôi quyết định sự cố sẽ là Punpun ở tuổi 20 giết ai đó và rồi Punpun và Aiko bỏ trốn cùng nhau. Cũng khoảng tập 3 mà tôi quyết định Harumin, bạn cũ hồi tiểu học, sẽ xuất hiện ở chương cuối.
  • Cậu bé chuyển đi năm lớp 5 gặp lại Punpun ở tập cuối, cả hai giờ đều đã lớn.
    Asano: Câu chuyện được viết dưới góc nhìn của Punpun nên độc giả đều biết cuộc đời của Punpun ra sao, nhưng một người lạ nhìn vào sẽ không biết gì hết đúng không? Harumin là một người có đạo đức và thực sự là người bình thường nhất trong cả bộ truyện, nên tôi nghĩ cho cậu ta xuất hiện và đối lập với Punpun sẽ rất thú vị.
  • Ở chương cuối, Harumin nhìn thấy một Punpun được bao quanh bởi bạn bè. Chỉ nhìn vậy thôi thì có vẻ đây là một cảnh thực sự hạnh phúc.
    Asano: Chính xác. Nhưng thực tế, trong suốt cuộc đời của Punpun chưa từng có bất cứ chuyện nào xảy ra theo ý cậu. Chưa một lần nào.
  • Đúng vậy.
    Asano: Sau khi Aiko mất, cậu thực sự chỉ muốn sống một đời cô độc để tang cô ấy, nhưng đến cuối cùng lại bị Satchan bắt gặp và mọi chuyện trở nên rối tung hết cả. Thời điểm đó, Punpun đã hoàn toàn tan vỡ. Khi nói chuyện với Aiko trong mơ (chương 145), cậu có nói gì đó về mong muốn biến mất khỏi ký ức của mọi người, nhưng ngay cả mong ước đó cũng không thành hiện thực.
  • Cụm “Ngủ ngon, Punpun” xuất hiện nhiều lần trong suốt manga, nhưng đến cuối cùng, khi bản thân Punpun lẩm nhẩm “Ngủ ngon” thì bị Satchan phá vỡ. Có thể nói đó là câu chuyện về một người chọn giấc ngủ vĩnh hằng nhưng vẫn bị đánh thức.
    Asano: Đúng vậy. Còn nữa, có lẽ tôi không trình bày rõ lắm nhưng Satchan đang biến Punpun thành một bộ manga. Cô ấy đào xới cuộc đời của Punpun – cuộc đời cậu muốn mọi người quên đi, và biến nó thành thứ vĩnh viễn – manga.
  • Xét tính cách của Punpun thì đó hẳn là địa ngục sống với cậu.
    Asano: Cho tới cuối, tôi vẫn không chắc phải làm thế nào với đoạn kết. Trong số các khả năng được đặt ra để suy xét, tôi đã nghĩ tới một cái kết Punpun chết.
  • Như thế nào vậy?
    Asano: Con của Satchan rơi khỏi sân ga, Punpun nhảy xuống để cứu cậu bé và chết. Đó là một cách kết thúc rất gọn. Nhưng tôi không chắc mình có muốn một kết thúc gọn ghẽ như thế không.
  • Ý anh “gọn ghẽ” là sao?
    Asano: Đó là một kết thúc quá rõ ràng. Nó gói mọi thứ lại gọn gàng quá. Sống thì khổ hơn chết, nên tôi nghĩ đây mới là cái kết đau đớn nhất, tồi tệ nhất cho Punpun, và đó là lý do tôi đã vẽ chương cuối này.
  • Ý anh là cái kết tồi tệ nhất là cái kết chân thực nhất cho bộ truyện.
    Asano: Đúng vậy. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng đây là kết cục có hậu. Rốt cuộc, Punpun vẫn là truyện giả tưởng nên tôi ủng hộ độc giả nghĩ những gì họ muốn. Thực ra, nếu ai cũng có chung một quan điểm thì khá là nhàm chán. Cách mọi người chia phe ở chương cuối chính là điều khiến tôi thấy thú vị khi đọc ý kiến của họ.
  • Chi tiết nổi bật nhất của Oyasumi Punpun hẳn phải là ngoại hình như bánh quy chim bồ câu (dove sablé) của nhân vật chính. Nhưng trong khi Punpun trông như chiếc bánh quy dưới góc nhìn của chúng ta, các nhân vật khác lại thấy cậu với gương mặt con người bình thường. Anh đã từng phác họa gương mặt thật của Punpun bao giờ chưa?
    Asano: Chưa. Do muốn để cái đó cho trí tưởng tượng nên tôi chẳng thấy có lý do nào để phải nghĩ về nó cả. Tôi chưa từng tưởng tượng gương mặt cậu ấy.
  • Khi tập 10 ra mắt, tôi có viết một bài review: “Gương mặt của cậu ấy không giống ai hết, và đó chính là điều khiến độc giả thấy gắn kết với cậu và tự do tưởng tượng biểu cảm trên gương mặt cậu. Ban đầu, tôi cho rằng đó là mục đích đằng sau khuôn mặt biếm họa, nhưng rồi với sự khởi đầu của vụ giết người, tôi nhận ra một điều: gương mặt phi thực tế này chính là lý do chúng ta quan sát thế giới và hành động của nhân vật một cách trực diện mà không ngoảnh đi đâu hết. Điều đó cũng khiến chúng ta – với tư cách là độc giả, và tôi đồ rằng cả với tác giả cũng vậy – rằng nhờ có gương mặt ấy mà anh tạo ra được những phân cảnh đó” Anh nghĩ sao?
    Asano: Đúng vậy, nếu Punpun có gương mặt bình thường, có lẽ có rất nhiều cảnh tôi không thực hiện được. Ví dụ, nếu cố gắng, tôi vẫn có thể vẽ khuôn mặt một người đang giết người, nhưng tôi không nghĩ đó là một manga mà mọi người muốn đọc. Dù gì thì mục tiêu vẫn là khiến người đọc đọc tiếp và tôi nghĩ khuôn mặt của Punpun đóng một vai trò lớn trong chuyện đó.
  • Anh có nói ở khoảng tầm tập 3 anh quyết định để Punpun giết người. Khi để cậu ấy có khuôn mặt dove sablé, anh có cảm nhận bằng bản năng rằng nó sẽ hữu ích như vậy không?
    Asano: Có lẽ là có. Dù gì tôi cũng biết mọi chuyện sẽ chuyển biến xấu mà. Sau khi vẽ xong “Solanin”, khi biên tập viên bắt đầu hỏi tôi muốn làm thể loại nào tiếp theo, tôi luôn nói rằng tôi đã hoàn thành một câu chuyện vui vẻ rồi.
  • Solanin là một cú hit lớn – thậm chí còn được chuyển thể thành phim điện ảnh.
    Asano: Tôi không nghĩ Solanin là một câu chuyện hoàn toàn vui vẻ – cảm giác cuốn sách đã phản bội độc giả vậy và chỉ kết thúc bằng một nốt nhạc dễ chịu – nhưng tôi không muốn làm truyện như thế nữa. Để khiến độc giả cầm một cuốn sách kiểu vậy lên, tôi nghĩ ít nhất cũng phải chọn các nhân vật ưa nhìn chút. Nói cách khác, nếu tôi đưa được các hình ảnh đại chúng vào, có lẽ tôi sẽ làm được tốt.
  • Vậy nhân vật chính ngoại hình dove sablé là một chiêu trò quảng cáo để lôi kéo độc giả chăng?
    Asano: Tôi muốn mọi người ban đầu đọc sách vì nghĩ Punpun thật đáng yêu, rồi làm họ đau khổ. (cười) Tôi muốn nói với độc giả rằng: “Đây là một thể loại manga khác đấy. Hãy nhìn xem manga có thể đào sâu vào hiện thực tới mức nào”
  • Chúng ta thường nghe nói rằng các họa sĩ manga hay thích đồng cốt vì họ hứng thú vẽ những chuyện họ chưa từng trải qua. Trong trường hợp của anh, anh vẽ cảnh giết người. Phải chăng anh cũng muốn thử thách bản thân như vậy – mô tả trực diện, cận cảnh vụ giết người?
    Asano: Chà, cái này nghe có vẻ lạ nhưng tôi thực sự bị cuốn hút bởi ý tưởng giết người. Chắc cả đời tôi sẽ không đi giết người đâu, nhưng một phần nào đó sâu thẳm trong tôi lại mang thôi thúc đó, vì vậy tôi muốn mô tả cảnh giết người một cách tàn khốc nhất có thể để độc giả được trải nghiệm một cách chân thực nhất. Tôi muốn một kiểu giết người “có thể xảy ra”.
  • Ý anh là sao?
    Asano: Tôi muốn vẽ một vụ giết người đôi lúc phải xảy ra. Không phải là giết vì hận thù, hay vì trả thù, hay vì thể thao, hay vì luật lệ. Đôi lúc con người giết nhau trong những tình huống thực sự bộc phát thôi.
  • Vậy về cơ bản, một vụ giết người “có thể xảy ra” theo ý anh là chuyện có thể xảy ra với bất kỳ ai chứ không chỉ kẻ tâm thần. Đó là một trong những thông điệp mà Oyasumi Punpun gây ấn tượng với độc giả.
    Asano: Vâng, đúng vậy. Tôi đã sợ hãi suốt một khoảng thời gian dài bởi ý nghĩ mình có thể bị ai đó giết hay thậm chí đi giết ai đó. Punpun ra đời ở thời điểm tôi quyết định vẽ một bộ manga về những gì sẽ xảy ra nếu nỗi sợ đó thành sự thật.
  • Nỗi sợ của anh đã thay đổi chút nào chưa sau khi hoàn thành bộ manga này?
    Asano: Tôi nghĩ cảm giác đó không bao giờ có thể xóa bỏ hoàn toàn, nhưng khi thực hiện bộ truyện này, tôi cảm giác đã loại bỏ được nó từng chút một.
  • Ra vậy.
    Asano: Một trong những lý do tôi bắt đầu vẽ manga là để giải quyết những băn khoăn và sợ hãi của riêng tôi. Nếu bạn so sánh tôi khi mới vẽ Punpun và tôi hiện nay, tôi đã khá hơn rất nhiều. Rất nhiều những khó chịu và sợ hãi trong tôi hồi đó giờ đã đi mất, và tôi nghĩ vẽ manga đã giúp tôi làm được điều đó.
  • Phản ứng với cảnh Punpun giết người ra sao ạ?
    Asano: Trước khi vẽ cảnh này, tôi đã sợ mọi người sẽ gọi Punpun là một “manga trầm cảm” (“utsumanga”). Đây là thuật ngữ khá mới và tôi cảm thấy khá nguy hiểm khi mọi người gắn nhãn cho nó – tôi rất ghét bị gộp chung vào như vậy. Nhưng ngay cả khi Punpun được lan truyền với danh nghĩa trầm cảm, mọi người vẫn cứ đọc và thưởng thức thôi. Cái vụ “manga trầm cảm” đã dần được chấp nhận như một hình thức giải trí khác. Tôi đoán bây giờ, ngay cả cú shock nhân vật chính là kẻ sát nhân cũng không to tát quá nữa.
  • Tôi cá là mọi người sợ phải thưởng thức một bộ manga có quá nhiều sự hỗn loạn như vậy – đó là lý do họ gắn nó là “manga trầm cảm” để tránh xa khỏi nó.
    Asano: Tôi nghĩ đó là một thói quen xấu của giới trẻ ngày nay, đặt tên cho mọi thứ để họ có thể gộp tất cả lại thành một thể loại. Nó khiến họ tiếp nhận mọi thứ một cách rất hạn hẹp và quan điểm của mọi người sẽ luôn lệch về một phía. Một từ khác tôi cũng nghe mọi người nhắc rất nhiều là “siêu thực” – tức bao gồm tất cả mọi thứ luôn. Tôi thấy họ sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều nếu cứ như vậy.
  • Anh nói đúng. Nếu như mọi người thôi vồ vập gắn nhãn và bắt đầu chấp nhận những cám xúc phức tạp lẫn mơ hồ về tác phẩm, chúng ta có lẽ sẽ được chứng kiến những phản ứng thú vị xảy ra.
    Asano: Nhưng rồi… tôi đọc lại toàn bộ bộ truyện tầm một tháng trước.
  • Và anh nghĩ sao?
    Asano: Rất nhiều phần trong tôi đã nói: “Đương nhiên không phải ai cũng thích thú đọc cái này rồi!” (cười) Và có câu Punpun nói thế này – chả có nghĩa gì cả. Nó làm tôi nhận ra cái truyện này bung bét thế nào.
  • Điều làm tôi suy nghĩ sau khi đọc lại truyện là truyện có một thế giới quan với niềm tin nghiêm ngặt (fundamentalist world view), ví dụ rõ nhất phải kể đến là lời hứa giữa Punpun và Aiko.
    Asano: Đúng vậy.
  • Những lời bạn nói ra trong quá khứ vẫn sẽ còn ở hiện tại, và manga rất khắt khe việc bạn có sống đúng theo những gì mình nói không. Đương nhiên, nếu có người sống như vậy thật thì bạn sẽ phát điên – từng lời bạn thốt ra đều đã biến thành lời nguyền.
    Asano: Đúng vậy. Ban đầu, Punpun là cậu bé rất trong sáng và trung thực và cậu quá coi trọng mọi thứ. Cậu là kiểu nhân vật nghĩ rằng mình cần phải thực hiện mọi điều mà mình đã nói là sẽ làm. Với cậu, không hề có vùng xám nào. Đó chính là tôi khi bắt đầu vẽ Punpun.
  • Cậu ấy cứ bám chặt nỗi hối tiếc vì không thể giữ lời – dù cho cậu có khả năng thực hiện điều đó hay không – và chuyện cứ tệ dần đi.
    Asano: Có lẽ tôi đã sẵn sàng chia sẻ vấn đề này – chuyện các họa sĩ manga bị ràng buộc bởi những chi tiết họ đưa vào manga ra sao. Có một câu thoại ở chương 1 Solanin nói về những người trưởng thành cứ rảo bước và nói “Sao chẳng được”.
  • Câu thoại Aoi Miyazaki (diễn vai Meiko – nhân vật chính) nói ở đầu phim.
    Asano: Solanin được vẽ ra để chối bỏ chuyện đó, rằng những người trưởng thành cứ nghĩ “Sao chẳng được” là những kẻ thất bại. Và vì tôi là người nói ra câu đó, tôi không bao giờ có thể gạt phăng bất cứ điều gì bằng “Sao chẳng được”. Tôi đã viết ra thì giờ tôi phải sống đúng như thế; tôi không thể tự nhủ với bản thân rằng do mình nói câu đấy lâu rồi.
  • Giống hệt Punpun!
    Asano: Đúng vậy. Đó là trạng thái tâm lý của tôi khi bắt đầu vẽ Punpun, là lý do nhân vật Punpun, tương tự, không thể dung thứ những vùng xám và cũng là lý do tôi ép bản thân phải gắn bó với bộ truyện đến cùng.
  • Lời nguyền đã được phá bỏ chưa khi anh hoàn thành manga?
    Asano: Rồi… là điều tôi muốn nói. (cười) Manga tới đây sẽ cho phép tôi được lộn xộn và thả lỏng một chút. Có thể nói rằng Solanin cho phép tôi vẽ Punpun, và Punpun cho phép tôi thực hiện manga tới này.
  • Điều gì khiến kế hoạch 7 tập ban đầu kéo dài tới 13 tập?
    Asano: Một phần là vì tôi muốn vẽ mọi khung hình thật cẩn thận, nhưng phần lớn là do những nhân vật nằm ngoài dự tính cứ xuất hiện và các câu chuyện khác cũng mở rộng ra vì thế.
  • Anh có thể lấy ví dụ một nhân vật nằm ngoài dự tính được không?
    Asano: Yuichi (chú của Punpun) xuất hiện ở chương 1, nhưng tôi không hề biết mình sẽ dành hẳn một tập kể về quá khứ của anh ta. Ngoài ra, tôi cũng không nghĩ sẽ dùng Chúa nhiều như thế. Tôi chỉ nhét gã vào chương đầu vì thấy vui vui.
  • Anh đưa họ vào chỉ cho vui, và rồi họ bắt đầu có một cuộc đời riêng.
    Asano: Chuyện này xảy ra liên tục luôn. (cười) Seki và Shimizu, tay Pegasus kì lạ xuất hiện tầm giữa truyện: tất cả nhân vật cứ tự nhảy vào từ đâu không.
  • Toshiki Hoshikawa và Dàn giao hưởng Pegasus chiếm một lượng lớn đến khó hiểu ở nửa cuối manga. Chuyện này là sao?
    Asano: Vâng, tôi cũng nghi là mọi người không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Pegasus xuất hiện ở giữa tập 7, khi Punpun mới tốt nghiệp cấp 3 và đang sống một mình. Đây là thời điểm có ít sự kiện xảy ra nhất trong truyện – chỉ có Punpun nằm nghiền ngẫm trong căn hộ của mình. Chuyện là, tôi đưa phần đó vào manga vì tôi muốn, nhưng tôi cũng biết tự thân phần đó sẽ khá buồn tẻ, do đó tôi nghĩ nên thêm vào một câu chuyện khác nằm ở trục hoàn toàn khác với Punpun.
  • Vâng.
    Asano: Đó là lúc tôi quyết định dùng nhân vật xuất hiện trước đó – Pegasus – tạo nên một câu chuyện song song. Nếu như Punpun và Aiko gợi nhớ tới thể loại hài lãng mạn thì Dàn giao hưởng Pegasus gợi nhớ tới shonen manga. Tôi khá chắc độc giả đọc manga sẽ không hiểu, nhưng Pegasus đang lập một đội thực sự chiến đấu với cái ác.
  • Thật sao?!
    Asano: Punpun hoàn toàn không biết các siêu nhân đang chiến đấu đến chết trước thế lực của cái ác. Con daruma không biết xuất hiện từ đâu ở tập cuối đó? Ừm, đại loại là vậy đó. (cười)
  • Tôi không hề biết có chuyện đó luôn.
    Asano: Nếu không vì Pegasus và đồng đội, một sao băng hay gì đó sẽ phá hủy Trái đất và khiến loài người tuyệt chủng đúng như Punpun và Aiko mong muốn. Đội Pegasus đã giải cứu Trái đất với cái giá là cả cuộc sống của họ, nhưng không ai biết. Ý tưởng là vậy.
  • Đây chắc là tin shock nhất trong ngày.
    Asano: Chuyện là vậy đó và hơn nữa, tôi muốn dùng Pegasus làm đại diện ngôn luận cho những phát ngôn tôi không để Punpun nói được, vì Punpun đã được định sẵn một nhân vật rồi. Như trong buổi phát thanh bầu cử thị trưởng Tokyo, có đoạn Pegasus nói thế giới này đã chín mọng và sẵn sàng thu hoạch – tôi viết đoạn này ngay sau trận động đất Tohoku.
  • Chương 92, tập 9. Gần như toàn bộ một chương là hình ảnh Pegasus phát biểu trong bài phát thanh chính trị cho buổi tuyển cử, trong đó nói rằng: “Khoa học, tôn giáo, văn hóa – tất cả đều đã vươn tới tuyệt đỉnh ở ngay khoảnh khắc này. Nói cách khác, thế giới đã đạt tới độ chín mọng để thu hoạch”
    Asano: Chúng ta gặp phải thảm họa và nhiều người đã phàn nàn rất nhiều, vậy mà tôi đã nghĩ: “Nhưng đây cũng là một thế giới tươi đẹp nhường này!” Tôi đoán là để xả stress đôi chút thôi, nhưng để có thể tiếp tục hoàn thiện Punpun, gã là một nhân vật vô cùng quan trọng.
  • Anh có nói rằng các nhân vật phụ và lùm xùm của họ mở rộng ra theo tiến trình câu chuyện, nhưng tôi nghĩ, về cơ bản họ đều có cùng một xuất phát điểm như mối quan hệ giữa Punpun và Aiko. Mỗi một câu chuyện bên lề là một biến thể của xung đột trung tâm về niềm tin và nghi ngờ và cả những lời hứa.
    Asano: Đúng vậy. Các nhân vật chính trong Punpun vẫn luôn là đứa trẻ mà chính sự trong sáng của họ đã dẫn họ tới chỗ thất bại và trở thành kẻ lạc loài trong xã hội. Aiko, Punpun, Pegasus, Seki, Shimizu, tất cả bọn họ. Pegasus là người đặc biệt thuần khiết – gã tôn sùng chủ nghĩa nhân đạo tới mức tin vào tất cả mọi người. Trong khi đó, Punpun hoàn toàn ngược lại, chỉ tìn mình Aiko. Theo nghĩa đó, hai người họ chính là những hình tượng tương phản. Tôi thực sự đã cân nhắc việc đưa Pegasus thành một nhân vật chính nữa của manga. (cười) Vấn đề là nhân vật này hơi quá độc đáo nên không ai coi gã ra gì.
  • Anh tạo dựng nhân vật này hơi quá nhiệt tình rồi. (cười)
    Asano: Nhưng sự thật là gã ta trông như vậy và hành xử như vậy chính là điều tôi thích ở nhân vật này, có rất nhiều cậu thoại mà chỉ mình Pegasus nói được. Gã ta luôn ra rả nói về cách Trái đất sẽ trở nên đẹp đẽ hơn, và tôi không nghĩ có quá nhiều nhân vật có thể nói ra những lời đó một cách hợp lý đâu.
  • Cho nhân vật ngầu lòi nói những lời ngầu lòi sẽ…
    Asano: Xấu hổ. (cười) Tôi không thể tạo ra một nhân vật ngầu được. Rõ ràng Punpun không ngầu chút nào.
  • Cậu ấy là một nhân vật siêu không-ngầu.
    Asano: Đó là điều tôi tâm niệm khi tạo ra Punpun. Khi viết truyện, tôi không hề nghĩ hành động của Punpun là đúng đắn – lúc nào tôi cũng cho là cậu ấy sai. Nhưng với hầu hết manga đạt doanh thu tốt, mọi người thường cảm động trước nhân vật chính vì cậu ta nghiêm túc thế nào, cố gắng ra sao. Nếu bạn quen với dạng manga đó, bạn sẽ bắt đầu coi nhân vật chính là hình mẫu để noi theo. Tuy nhiên, chuyện đó sẽ không xảy ra ở các tạp chí seinen.
  • Vậy anh hướng tới vẽ truyện mang giá trị khác với các tạp chí shonen.
    Asano: Tôi tin rằng tạp chí seinen dành cho độc giả và họa sĩ đủ trưởng thành để chấp nhận những chuyện vô đạo đức. Punpun được tạo ra hoàn toàn theo mạch đó.
  • Oyasumi Punpun ban đầu được đăng trên tạp chí Young Sunday, và khi tạp chí này dừng bán, truyện được đăng trên Big Comic Spirits, đúng không ạ?
    Asano: Với tôi, cả Young Sunday và Big Comic Spirits đều mang vibe kiểu “giải trí không lành mạnh”. Trai công sở thành thị nói chuyện thô tục, đại loại vậy. Thời đại hiện nay có thể khá khắt khe với những sự không lành mạnh, nhưng đó luôn là kiểu tôi thích nên tôi dự định sẽ cố gắng làm bất cứ điều gì có thể để duy trì vibe này và tiếp tục làm những điều mình thích.
  • Anh định cố gắng bằng cách nào?
    Asano: Tôi phải đảm bảo không đánh mất Big Comic Spirits. Hồi còn dưới trướng Young Sunday, tôi vẫn là một họa sĩ trẻ nên không suy nghĩ gì nhiều, nhưng giờ tôi đã hiểu tình cảnh rõ hơn, và tôi cảm nhận được mối hiểm nguy mà một tạp chí manga gặp phải.
  • Dù gì anh cũng đã phải trải qua đau thương khi đang làm dở bộ truyện thì tạp chí của mình ngừng xuất bản.
    Asano: Có đủ loại tạp chí seinen ngoài kia – ví dụ, ta có Kadowa và Square Enix mà với tôi, là manga viết bởi người đam mê manga, dành cho người đam mê manga. Đây là một loại hình giải trí riêng biệt. Mặt khác, các tạp chí seinen nói chung lại đề cập đến các chủ đề thực sự gắn liền với xã hội, vì vậy bạn không cần phải đam mê manga mới thưởng thức được. Tôi thực sự thích những manga do Shogakukan xuất bản.
    (TN: Big Comic Spirits là tạp chí do Shogakukan xuất bản).
  • Đó là lý do anh tiếp tục làm manga ở đó.
    Asano: Tôi từng cân nhắc thực hiện manga tiếp theo ở tạp chí khác ngoài Spirits, nhưng Spirits là mục tiêu của tôi hồi mới bắt đầu làm họa sĩ nên nếu biên tập ở đây yêu cầu tôi làm cho họ, tôi sẽ làm, và tôi cũng muốn đảm bảo không đánh mất tạp chí này nữa.
  • Khi đang thực hiện Punpun, anh cũng xuất bản một manga khác tên “Cô gái bên bờ biển” (Girl by the sea), cũng kể về mối tình đầu.
    Asano: Ban đầu tôi định vẽ một chuyện tình cực kỳ trong sáng của hai đứa trẻ ở tuổi thiếu niên, nhưng khi phác thảo thô, tôi không tài nào nắm bắt được câu chuyện nên quyết định vẽ một chuyện tình đi ngược.
  • Bắt đầu bằng sex và kết thúc bằng thổ lộ tình cảm.
    Asano: Tôi muốn bổ sung là Isobe, một trong các nhân vật chính, là nhân vật tôi tạo ra sau khi học được thuật ngữ “Hội chứng học sinh lớp tám” (chuunibyo). Giờ đã là người trưởng thành nên tôi chỉ nghĩ các bé trai hành động như thế thật đáng yêu. Tôi nhìn chúng từ góc nhìn của bố mẹ. Tôi cố gắng miêu tả sự trưởng thành ngụy tạo đáng yêu đó từ một điểm nhìn xa cách một chút.
  • Tôi có cảm giác Girl là một tác phẩm khác tựa Punpun mà chủ đề cốt lõi là tình yêu tuổi trẻ. Anh có tình cờ gặp tổn thương nào đó bởi mối tình đầu chăng?
    Asano: Tôi có rơi vào lưới tình với một bạn gái mới chuyển tới trường tiểu học, nhưng bạn ấy không để lại chút ấn tượng nào với tôi nên không hẳn là một Aiko. Tuy nhiên, cô bạn gái tôi có trước vợ tôi – có lẽ là một Aiko. Tôi hẹn hò với cô ấy khi đang vẽ Solanin. Tôi đã nghĩ cô ấy vô phương cứu chữa rồi và phải cứu lấy cô thôi – nhưng thật sự, cô ấy chẳng cần tôi chút nào.
  • Ý anh là sao?
    Asano: Tôi đã tin rằng cô ấy bất lực nếu không có tôi, nhưng hóa ra cô lại là người đáng tin cậy một cách kinh ngạc, nên sau khi chia tay, cô ấy bắt đầu đi làm như những người bình thường khác. Khi thấy cô ấy không thực sự cần mình, tôi nhận ra mình mới là kẻ phụ thuộc vào cô ấy và thực sự xấu hổ.
  • Wow.
    Asano: Tôi nghĩ tôi muốn cô gái đó rơi vào tình huống bất hạnh như Aiko để tôi có thể giải cứu.
  • Và chuyện chuyển hướng khá xấu khi anh mang khao khát đó vào manga.
    Asano: Sự thật là vậy. Một trong những điều tôi hối tiếc về Punpun là làm rất nhiều độc giả tránh xa. Với mỗi bước ngoặt đen tối của manga, doanh số lại suy giảm. Hình ảnh tàn khốc đầu tiên xuất hiện ở đoạn hồi tưởng của chú Yuichi, doanh số giảm mạnh. Và rồi Punpun giết người, mọi chuyện lại tái diễn một lần nữa. Đây là câu chuyện tôi đã rất nỗ lực tới cuối cùng nên hy vọng mọi người sẽ cố gắng đọc hết. Tôi biết đọc xong sẽ không khiến mọi người hạnh phúc đâu, nhưng thôi nào. (cười)
  • Một điều đáng nói là thời điểm đó, anh cũng thực hiện Ozanari-kun, một manga parady hài nữa.
    Asano: Ozanari-kun là manga bán kém nhất của tôi, nhưng tôi cũng coi đây là manga hoàn chỉnh nhất của mình cho tới giờ. Tôi không tìm ra cái gì vẽ thú vị hơn nữa.
  • Thật không ngờ – bảo vệ Ozanari-kun! (cười) Đây là tác phẩm đầu tiên của anh xuất hiện tình yêu đồng giới.
    Asano: Chỉ là chuyện diễn ra hướng đó thôi. (cười) Tôi muốn đặt bố cục sao cho nửa đầu truyện là manga hài siêu thực và rồi tự nhiên có cốt truyện nào đó. Với Punpun, icon duy nhất tôi đưa vào sử dụng là thiết kế nhân vật Punpun, nhưng khi vẽ Ozanari-kun và đưa icon vào toàn bộ manga, tôi nhận ra truyện thú vị và dễ đọc như thế nào.
  • Đúng vậy, Ozanari-kun là manga giống manga nhất của anh.
    Asano: Tôi có dự định tận dụng yếu tố này ở manga tiếp theo. Phong cách vẽ của tôi sẽ có nhiều biến đổi ở tác phẩm mới này – tôi không cố gắng vẽ mọi thứ thật chân thực nữa. Bạn sẽ thấy nhiều chất liệu manga hơn ở tranh của tôi.
  • Anh hướng tới độ chân thực full HD trong Punpun, ngoại trừ nhân vật chính. Đặc biệt phải kể tới những cảnh như vụ cháy ở đoạn cao trào của manga chẳng hạn.
    Asano: Vẽ lửa thực sự khó luôn. Khi vẽ cái gì lần đầu, tôi không thể giải thích cho trợ lý hiểu mà chưa tự mình vẽ lần nào nên thành ra tôi tự vẽ gần như toàn bộ các cảnh cháy nổ. Tôi cũng rất thích tìm tòi cải thiện kỹ năng vẽ vì rõ ràng bạn có thể thấy được những tiến bộ bằng mắt thường. Nhưng khi vẽ nền đã thành một thói quen, tôi có thể hình dung ngay bản vẽ hoàn thiện khi vừa thấy ảnh mẫu. Vẽ một bức hình mà bạn đã hình dung được thì không còn thú vị gì nữa, và tôi bắt đầu thấy mình như đang phá hỏng các bức tranh đã vẽ bằng bút máy bằng cách đưa chúng vào xử lý kỹ thuật số, nên tôi thực sự ghét vụ này. Tôi vẫn giữ phương pháp này trong suốt quá trình thực hiện Punpun để duy trì sự nhất quán, nhưng manga tới đây sẽ có chút khác biệt.
  • Một vấn đề nữa tôi muốn hỏi là về trận động đất Tohoku – xảy ra khi manga vẫn đang ra. Chuyện này có ảnh hưởng tới manga của anh không?
    Asano: Vụ động đất xảy ra khi tôi đang vẽ dở tập 9. Tôi đã đấu tranh xem có nên đưa nó vào manga không và thú thực, tôi có thể dễ dàng thoát tội nếu bỏ qua chi tiết đó nhưng cuối cùng vẫn đưa vào. Lý do không phải là vì bản thân vụ thảm họa, mà vì tôi nhất định phải đưa nó vào cảnh bầu cử thị trưởng để Pegasus có cơ hội tỏa sáng, và tôi còn quyết định sẽ hoàn thiện trong năm 2011 nữa, nên xét mọi khía cạnh, đương nhiên tôi sẽ nhắc tới vụ động đất trong manga rồi.
  • Anh đã làm cách nào để nắm tường tận vụ động đất với tư cách một nhà văn?
    Asano: Tôi nhận ra trận động đất phơi bày những khía cạnh đạo đức mà mọi người thường che giấu. Thời điểm đó tôi vẫn chưa dùng Twitter nên hoàn toàn im hơi lặng tiếng vì không có công cụ để biểu lộ bản thân, nhưng tôi có theo dõi hành vi và lời nói của mọi người, thật tệ khi thấy mọi người tấn công lẫn nhau và cứ tỏ vẻ thánh thiện hơn kẻ khác.
  • Ra vậy.
    Asano: Có lẽ mọi chuyện chắc chắn phải tồi tệ đi do sự cố ở nhà máy điện hạt nhân và nói thật, trong manga lúc nào tôi cũng ra vẻ hơn người dù cho không có thảm họa nào để mà tức giận nên cũng chẳng phải kẻ đi nói người khác, nhưng tôi đã quyết định sau này sẽ không bao giờ đi thuyết giáo ai nữa. Đó cũng là điều tôi luôn nói với trợ lý – hãy thực hiện bộ truyện mới của tôi mà không lên giọng dạy đời.
  • Ý anh “lên giọng dạy đời” là sao?
    Asano: Tôi thích đưa những suy nghĩ và quan điểm của riêng mình vào manga. Cho tới Punpun, toàn bộ manga của tôi đều đầy những cảnh tôi ra rả nói về bản thân mình, hoặc những cuộc đối thoại mà nhân vật phải đi tới đi lui để chứng tỏ quan điểm của tôi là đúng. Với tôi thế là đủ rồi. Giờ tôi chỉ muốn nhân vật của mình thích nói gì ngớ ngẩn thì nói, sống ngớ ngẩn thế nào thì sống.
  • Nghe có vẻ như đây là bước đột phá lớn so với các tác phẩm trước của anh.
    Asano: Sự thật là tôi rất ghét phải làm vậy, nhưng tôi lại khao khát mọi người hiểu vô cùng rồi lại phát cáu đến mức đi rao giảng lần nữa. Tuy nhiên sau trận động đất, tôi không quan tâm nữa. Tôi đã có thể coi trọng ý kiến của người khác nhưng cũng không còn mong đợi điều gì từ họ – tôi không quan tâm liệu mình có đồng cảm với quan điểm của họ hay họ có đồng cảm với tôi không. Cứ như vậy, tâm trí của tôi được giảm bớt gánh nặng, nhưng tôi cũng nhận thấy mình trở nên lạnh lùng hơn.
  • Theo tôi hiểu, nếu phải chọn giữa một nhà nhân đạo như Pegasus hay một người theo chủ nghĩa cá nhân như Punpun, anh sẽ nhận mình là Punpun.
    Asano: Tôi đoán là vậy. Miễn là tôi vẫn sống theo lý tưởng của mình – thế là ổn; tôi không phải làm gì cho ai hết. Đó là điểm tương đồng giữa Punpun và tôi. Đoạn độc thoại cuối của Punpun được viết ra sau khi tôi nghiền ngẫm rất kỹ về nhiều thứ sau trận động đất. Nói thế để nói rằng, vâng, trận động đất có tác động lớn tới tôi.
  • Manga mới của anh cuối cùng cũng ra mắt. Câu chuyện diễn ra tại một thành phố nọ, 3 năm 2 tháng sau ngày một UFO tới và xuất hiện xa xa trên bầu trời. Nhân vật chính là Ontan và Kadode, hai nữ sinh trung học.
    Asano: Tôi đã nghĩ nên vẽ gì tiếp theo từ một hay hai năm trước khi Punpun kết thúc. Bộ truyện này là kết quả từ việc tập hợp nhiều ý tưởng lại và ghép vào với nhau như trò xếp hình, nên để giải thích tại sao câu chuyện lại như vậy thì khá khó. Ban đầu tôi muốn vẽ một manga có các sinh vật sống ở nhà nhân vật chính như Doraemon ấy; mẩu chuyện xuất hiện đầu chương 1 chính là vết tích từ ý định đó.
  • Ý anh là Isobeyan với bảo bối thần kỳ cất trong chiếc túi bốn chiều? Có khi nào bộ manga- trong-manga này sẽ xâm nhập vào thực tế cốt truyện không?
    Asano: Có thể. UFO xuất hiện trên Trái đất hẳn là cũng vì lý do nào đó. Để ép bản thân tiếp nối mạch truyện, tôi đã chuẩn bị rất nhiều chi tiết như vậy, nhưng đây cũng không phải trọng tâm của manga nên bạn sẽ không được đọc một manga khoa học viễn tưởng nặng đô đâu. Trọng tâm mà tôi nói đến ở đây là khiến các nhân vật tiếp tục làm những trò thú vị.
  • Một hiện tượng diệu kỳ đang diễn ra mà toàn bộ các trang gần như là hình ảnh các cô gái tuổi teen và những cuộc chuyện trò khúc khích của họ. Cũng có vài đoạn độc thoại nữa nhưng đây vẫn chưa là gì so với tác phẩm trước của anh.
    Asano: Theo dự tính của tôi, manga sẽ tiếp tục như vậy. Không như với Punpun – đã có bản phác thảo sẵn với một cốt truyện lớn, lần này tôi chỉ muốn tiếp diễn cuộc sống đời thường của nhân vật. Một phần cảm hứng của tôi đến từ cuộc gặp không lâu trước đó với Hikaru Nakamura, họa sĩ của Saint Young Men.
  • Saint Young Men – một manga hài ngắn về đời sống ấm lòng của Đức Phật và Chúa Jesus khi đến sống chung trong một căn hộ tồi tàn ở Tachikawa, Tokyo.
    Asano: Tôi hỏi cô ấy về lý do vẽ manga, và cô ấy trả lời cô muốn được bước vào thế giới do mình tạo ra. Điều này khiến tôi cực kỳ ấn tượng. Tôi ghen tị vì cô ấy có thể nghĩ theo hướng đó. Cô ấy tạo ra những nhân vật yêu đời kết thân với nhau, và vì vẽ họ vui quá nên cô còn muốn nhập hội với họ – rồi chính độc giả cũng thấy thú vị nên manga bán tốt. Thật là một tác phẩm vui vẻ và lành mạnh.
  • Chẳng phải chuyện này hoàn toàn trái ngược với Punpun sao?
    Asano: Chà – không cần phải nói cũng biết, tôi muốn được mọi người tán dương tác phẩm của mình. Với Punpun, tôi từng muốn độc giả phải thốt lên “wow!” với những tình tiết mới mẻ và thú vị, nhận được những phản ứng đó chính là sợi dây liên kết giữa tôi và độc giả. Nhưng sự thật là, mọi người sẽ vẫn ca ngợi bạn chừng nào bạn còn tạo ra những tác phẩm thú vị. Tôi chỉ cần có thế. Tôi muốn vẽ một bộ truyện vui vẻ. Một tác phẩm mọi người có thể ngẫu hứng đọc.
  • Tôi đoán rằng phản ứng dữ dội với Punpun cũng liên quan đến chuyện này.
    Asano: Có cảm giác khi vẽ Punpun, tôi coi độc giả là kẻ thù. (cười) Tôi biết nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu đấy, thậm chí còn ghét tôi. Nhưng khi chống lại những chỉ trích và thù ghét đó, tôi bắt đầu tìm cách làm họ khó chịu hơn và ghét tôi hơn nữa.
  • Một vòng luẩn quẩn! Nhưng có lẽ đó chính xác là những gì một manga như thế cần. (cười)
    Asano: Tôi sẽ không thể hoàn thành Punpun nếu không có chút cảm giác thỏa mãn tội lỗi đó, nhưng tôi mong chuyện này không tái diễn. Ở tác phẩm mới này, tôi sẽ vẽ những điều tích cực mà mọi người muốn thấy.
  • Điều mọi người muốn thấy… Chà, các nhân vật nữ anh vẽ dễ thương lắm luôn. (cười)
    Asano: Khi vẽ Punpun, tôi nhận ra có khi mình lại giỏi vẽ các cô gái dễ thương nên tôi nghĩ manga tiếp theo sẽ tập trung vẽ họ. Hiện tại, tôi thấy vẽ thực sự thú vị – chỉ toàn con gái, gần như không có một nhân vật nam nào. (cười) Tôi cũng cho họ vẻ ngoài tròn trịa và tổng thể nét vẽ cũng khác biệt nữa – giờ tôi vẽ tay nhiều hơn. Hiện tại tôi thấy rất vui – vẽ những thứ tôi chưa vẽ bao giờ.
  • Cho đến giờ, tác phẩm của anh luôn mang lại cảm giác “bình yên trước cơn bão”, như thể tận thế đuổi theo sát lưng vậy. Với Dead Dead Demons De-De-De-De-Destruction, ta bước vào một trận chiến. Cá nhân anh có cảm thấy mình đã vượt qua ranh giới nào chưa?
    Asano: Chủ đề chung của những năm 2000 dường như là sự trì trệ, nhưng rõ ràng ở thời điểm này, chúng ta đã bước vào kỷ tận thế. Thế giới không kết thúc sớm đâu; nó mới bắt đầu kết thúc. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sống trong một thời đại mà cả thế giới đang cuốn xuống, xuống nữa, xuống nữa.
  • Có lẽ manga của anh có thể phần nào giúp độc giả cứng rắn hơn để đối diện với thực tại đó.
    Asano: Hmm… không, tôi không nghĩ vậy. Cho tới giờ, tôi vẫn luôn nói những manga trốn chạy hiện thực chỉ là trò nhảm nhí rồi thì tôi muốn vẽ một bộ manga có thể tác động tới hiện thực, nhưng giờ tôi chỉ muốn mọi người đọc truyện của tôi để giải trí thôi.
  • Tranh cãi này cũng nổ ra trong Punpun: Manga nên là công cụ thoát ly khỏi hiện thực hay được sử dụng như một vũ khí?
    Asano: Lần này tôi nhắm tới vế đầu tiên, 100%. Hiện thực khắc nghiệt lắm rồi nên hãy cầm cuốn manga có các cô gái dễ thương này rồi vui vẻ lên nào. Tôi nhận ra tầm quan trọng của điều này sau khi xem K-On! (cười) Con gái vui vẻ thì dễ thương và dễ thương thì không cần giải thích – thế nên nó mới tuyệt vời. Tôi cho rằng tôi chỉ cần có vậy.
  • Nhưng với những người biết tới Punpun và đọc manga mới này, họ sẽ cảm thấy anh chỉ đang dựng một cốt truyện lớn: làm họ tưởng đây là phiên bản K-On! của Asano và rồi nửa chừng truyện…
    Asano: Vâng, các nhân vật K-On! đi giết người. (cười) Cái này thì shock quá. Ngay cả tôi cũng chẳng ưa. Nhưng lại nữa, tính cách của tôi về cơ bản vẫn vậy, nên nếu mọi người cứ lải nhải manga này hài hước ra sao và tôi cần duy trì tiến trình như vậy thế nào, tôi lúc nào cũng có thể lái câu chuyện theo hướng đó. (cười) Nhưng có lẽ lần này, tôi sẽ không làm trò đó nữa nếu độc giả không muốn. Đó là quan điểm của tôi.
  • Tôi muốn nghe anh nói gì khi vẽ tới tập 3. (cười)
    Asano: Punpun là bộ truyện tôi thực hiện mà không quan tâm tới độc giả, nhưng với manga tới này, tôi muốn họ có thể đọc hết chương này sang chương khác vì tôi muốn nó bán chạy. Tôi muốn nỗ lực hết sức để giúp tạp chí bán tốt hơn, vì nếu doanh thu cao, các biên tập có thể cho phép câu giờ một chút và cho xuất bản mấy thứ bệnh hoạn như Punpun. Hơn nữa, tôi cũng muốn được khoe khoang. (cười)
  • Anh hoàn toàn xứng đáng được khoe khoang.
    Asano: Điểm khác biệt lớn nhất so với Punpun là lần này không có cốt truyện sẵn. Tôi chọn cách vẽ từng chương một, quyết định bước đi tiếp theo dần dần. Tôi cũng không biết truyện sẽ kéo dài bao lâu – có thể rất ngắn hoặc có thể kéo dài suốt đời tôi giống như Danchi Tomoo vậy. Tôi xây dựng câu chuyện thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào phản ứng của độc giả. Đó là cách tôi tiếp cận bộ truyện này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *