Cúng Rằm tháng 7 Âm lịch được người Việt rất coi trọng. Lễ cúng Rằm tháng 7 Âm lịch chứa đựng ý nghĩa nhân văn, đề cao việc tri ân, báo ân, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và khơi dậy lòng tư bi, yêu thương của mọi người tới những hoàn cảnh bất hạnh, cơ nhỡ…
1. Cúng Rằm tháng 7 Âm lịch vào ngày nào tốt nhất?
Rằm tháng 7 Âm lịch trùng vào dịp lễ Vu Lan báo hiếu, cho nên con cháu thường đến chùa cầu siêu cho ông bà, tổ tiên. Vì vậy, lễ cúng Rằm tháng 7 Âm lịch luôn được tiến hành long trọng hơn những ngày rằm khác trong năm.
Năm 2023, Rằm tháng 7 Âm lịch rơi vào thứ Tư, ngày 30/8 Dương lịch. Việc cúng Rằm tháng 7 Âm lịch có thể diễn ra từ ngày 2/7 đến trước 12h ngày 15/7 Âm lịch, tức từ ngày 17/8 đến ngày 30/8 Dương lịch.
Theo lịch vạn niên, thời điểm cúng Rằm tháng 7 Âm lịch đẹp nhất năm 2023 là ngày 13/7 Âm lịch, tức ngày 28/8 Dương lịch. Ngày này được dự đoán rất thuận lợi để cầu tài, xuất hành và đạt được nhiều may mắn.
2. Mâm lễ cúng Rằm tháng 7 Âm lịch
* Mâm cúng lễ Phật (đối với gia đình thờ Phật)
Lễ cúng Phật thường có các món chay như:
+ Xôi (đỗ xanh, xôi gấc, xôi vò hạt sen, xôi trắng ruốc nấm hương…)
+ Giò, chả chay.
+ Nem chay hoặc nem nấm.
+ Canh nấm hoặc rau củ quả.
+ Đậu hũ…
* Mâm lễ cúng gia tiên
Đối với mâm lễ cúng Tổ tiên chúng ta thường sắp xếp “Trên chay dưới mặn” tức là trên hoa quả, dưới là cỗ mâm mặn. Các món ăn nấu tùy theo điều kiện gia đình, hoặc là các món mà ngày xưa ông bà Tổ tiên thích ăn.
– Nếu người cúng là trưởng tộc thì cúng xôi gà và 9 bát xếp chồng lên nhau, 9 đôi đũa. Nếu không có gà thì một miếng thịt hoặc một khoanh giò.
– Nếu là con trưởng trong nhà thì cúng 1 mâm cơm, tùy tâm và điều kiện, có ít cúng ít, có nhiều cúng nhiều, nhưng không thể thiếu 7 cái bát chồng lên nhau.
– Nếu không phải con trưởng thì cúng 1 mâm cơm gồm nhiều đồ ăn và 5 cái bát tượng trưng cho ngũ đại đồng đường, xếp 5 bát chồng lên nhau.
Chúng ta lâu nay thường lầm tưởng xếp 6 cái bát, để các các cụ ngồi thành 1 mâm, thực ra không phải vậy. Số lượng bát phải phụ thuộc vào người cúng là con trưởng hay con thứ, tượng trưng cho các đời trong dòng tộc.
Gợi ý thực đơn mâm cúng gia tiên:
– Đậu non sốt nấm
– Phù trúc kho tương
– Canh chay chua
– Thiên lý xào ngô bao tử
– Đậu đỏ hầm
– Bánh bao khoai môn
– Bánh dừa
– Bánh nếp
* Mâm cúng và đồ lễ cúng cô hồn
(Nếu gia đình nào phát Tâm cúng thí)
Chuẩn bị các lễ vật sau:
+ Quần áo chúng sinh nhiều màu sắc trên 49 bộ bằng giấy bán ở hàng mã.
+ Bánh kẹo: bim bim, bỏng ngô, bỏng gạo, thạch…
+ 12 bát cháo trắng nhỏ.
+ Tiền vàng chúng sinh.
+ Ngô, khoai lang luộc.
+ Cốc nước lã hoặc rượu
+ Đĩa gạo, đĩa muối (khi cúng xong rắc phía ngoài đất nhà mình).
+ Đĩa ngũ quả
+ 12 cục đường thẻ (nếu có).
Lễ cúng đặt ở ngoài trời, bên ngoài đất nhà mình, trước cửa và cúng vào chiều tối. Tuyệt đối không cúng chúng sinh bằng các món mặn mà chỉ các món chay như trên.
Khi kết thúc lễ cúng chúng sinh, gạo và muối sẽ tung ra phía ngoài đất nhà mình, còn vàng mã hóa đốt cháy phía bên ngoài gần vị trí cúng.
3. Những lưu ý khi cúng Rằm tháng 7 Âm lịch
+ Đối với mâm cúng Phật, thần linh và gia tiên thì cúng trong nhà, còn cúng chúng sinh thì cúng ngoài trời, trước cửa nhà hoặc ở chùa.
+ Khi tung gạo muối chúng sinh thì tung ra ngoài chứ không tung từ ngoài vào trong nhà.
+ Đối với gia đình thờ Phật thì mâm cúng phải đặt cao nhất, rồi mới đến thần linh và gia tiên.
*Món ăn và hình ảnh do Fb Viet Linh Dang thực hiện