Tôi năm nay 28 tuổi, công việc ổn định, thu nhập khá. Bạn gái tôi 26 tuổi, là giáo viên tiểu học.
Cô ấy là người con gái thứ 4 tôi yêu, sau 3 cuộc tình. Không phải tôi lăng nhăng, mà tôi thực sự muốn lựa chọn người phụ nữ biết yêu thương và phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Tôi vốn là con của bà mẹ đơn thân, là kết quả lỡ làng của cuộc tình ngang trái. Mẹ tôi từng yêu say đắm một người đàn ông. Khi mẹ thông báo mang thai, ông ấy mới thú nhận đã có vợ con, không thể chăm lo hay cho mẹ tôi một danh phận.
Ông ấy khuyên mẹ tôi bỏ thai, tìm người đàn ông xứng đáng hơn để lấy làm chồng. Mẹ tôi uất hận vì bị dối lừa, nhưng không muốn bỏ con. Mẹ quyết định sinh tôi, một mình nuôi nấng, không còn màng đến hạnh phúc của riêng mình.
Tôi chính là cuộc đời của mẹ. Mẹ cũng là người quan trọng nhất cuộc đời tôi. Đến tuổi lập gia đình, tôi luôn mong muốn có thể lấy được người yêu mình, yêu thương cả mẹ mình.
Nhưng những người con gái tôi gặp, họ đều không muốn sống cảnh làm dâu.
Họ sợ những bà mẹ một mình nuôi con độc đoán, ích kỷ. Họ không muốn cả cuộc đời mình phải sống chung với mẹ chồng.
Bất kỳ cô gái nào nghĩ không tốt về mẹ tôi đều không phải là lựa chọn của tôi. Cho đến khi tôi gặp bạn gái bây giờ, cô ấy là giáo viên tiểu học, tính tình hiền dịu, yêu thương trẻ con.
Hồi mới quen nhau, tôi hỏi cô ấy nghĩ như thế nào về việc sau khi kết hôn sẽ làm dâu, sống chung với mẹ chồng. Cô ấy trả lời rằng, đó là việc bình thường, không có gì đáng phải lăn tăn, nghĩ ngợi. Nghe thế, tôi biết cô ấy là người phụ nữ mình cần nên không tiếc thời gian, tâm sức theo đuổi.
Thấm thoắt, chúng tôi đã hẹn hò 2 năm, đủ hiểu nhau để có thể nghĩ về một đám cưới.
Hôm vừa rồi, vào ngày sinh nhật tôi, sau khi ăn cơm tối ở nhà tôi, tôi đưa cô ấy về. Trước khi chia tay, chúng tôi dạo quanh bờ hồ gần nhà cô ấy. Tôi thổ lộ mong muốn sinh nhật năm sau hai đứa sẽ ở chung một nhà.
Tôi bảo nàng: Ước mong lớn nhất của đời tôi là được thấy hai người phụ nữ mình yêu hạnh phúc. Sau này, cô ấy có thể đối xử tốt với mẹ chồng, coi bà như mẹ đẻ được không?
Nàng không nghĩ ngợi, trả lời: “Em có thể làm dâu tốt hay không phụ thuộc vào việc mẹ anh có phải là mẹ chồng tốt hay không. Một mối quan hệ tốt phải dựa trên nguyên tắc: Có đi – có lại.
Tình cảm là thứ muốn nhận về cũng phải biết cho đi. Nếu mẹ không thương em, không tốt với em, làm sao em có thể thương mẹ được”.
Câu trả lời của nàng làm tôi hơi bất ngờ. Tôi không nghĩ một cô giáo lại cũng có suy nghĩ thực dụng như vậy. Chẳng lẽ đó là những gì cô ấy dạy học trò của mình, tình cảm gia đình cũng nhất định phải sòng phẳng như thế hay sao?
Thú thật, tôi biết mẹ tôi hơi khó tính. Cuộc đời mẹ tôi nhiều vất vả, bất hạnh nên tính cách bà không được thoải mái như những phụ nữ khác. Nếu sau này con dâu sống chung, không biết kính trọng, nhường nhịn mẹ chồng mà cứ đòi “cho thế nào – nhận thế ấy”, nhà cửa khó mà yên ấm.
Tôi vốn nghĩ, người phụ nữ nếu yêu chồng thật lòng sẽ biết cách làm dâu tốt. Là con cái, “thua” mẹ một chút thì có sao. Nhưng xem ra, bạn gái tôi cũng không khác những cô gái tôi đã gặp là mấy.
Từ hôm ấy, tôi có chút băn khoăn về việc có nên tiếp tục hay dừng lại cuộc tình này. Tôi không biết rốt cuộc là do suy nghĩ của tôi có vấn đề hay con gái bây giờ quá thực tế và hời hợt.