lan-dau-ra-mat,-ban-trai-doi-sac-mat-khi-bo-vo-tuong-lai-lam-phep-thu-“tinh-yeu”

Lần đầu ra mắt, bạn trai đổi sắc mặt khi bố vợ tương lai làm phép thử “tình yêu”

Tôi là người khó yêu nên mãi mới tìm được bạn trai phù hợp với các tiêu chí mà bản thân mong muốn. Bạn trai tôi sinh ra trong gia đình gia giáo, học hành đến nơi đến chốn và đang đảm nhận vị trí quản lý tại một công ty.

Trong mắt tôi, anh là người hoàn hảo, không có điểm trừ. Tuy vậy, có lẽ chừng đó vẫn là chưa đủ. Bố mẹ tôi rất kỹ tính, muốn lựa chọn được chàng rể tốt để yên tâm gả con gái.

Ngày ra mắt, tôi ngã ngửa vì cách thử lòng con rể tương lai của bố - Ảnh 1.

Mặc cho tôi giải thích, bạn trai không đồng tình với “phép thử” của bố. (Ảnh minh họa: BuzzFeed).

Từ hôm biết con gái có bạn trai, bố tôi giục đưa anh về ra mắt để xem có đủ tin tưởng hay không.

Ngày tôi đưa bạn trai về, bố mẹ đón tiếp rất nồng hậu. Hai bên trò chuyện khá cởi mở. Tôi thở phào như trút bỏ được gánh nặng.

Sau bữa cơm, tôi cùng mẹ rửa bát trong bếp, còn anh và bố tiếp tục cuộc nói chuyện ở phòng khách. Xong xuôi mọi việc, tôi đưa hoa quả lên để cả nhà thưởng thức.

Bố bảo với bạn trai tôi, gia đình xây căn nhà mới đang nợ 300 triệu đồng. Bố muốn con rể tương lai sẽ cùng gánh vác với tôi trả hết số tiền này.

Sắc mặt của bạn trai tôi có chút thay đổi sau khi nghe lời đề nghị từ bố. Dường như anh có điều gì đó hoài nghi về bố mẹ. Tuy vậy, anh ấy vẫn giữ sự bình tĩnh và không phản ứng quá mức khiến bố phật ý.

Tôi khá bất ngờ khi nghe về số tiền bố nói. Bởi anh chị ở xa đã gửi một phần hỗ trợ bố mẹ, ngoài ra tôi có đóng góp một ít. Bấy lâu nay, tôi nghĩ không có khoản nợ nào lớn như vậy. Thay vì xen vào câu chuyện của bố và bạn trai, tôi chọn cách im lặng.

Sau khi bạn trai ra về, tôi hỏi bố về số tiền 300 triệu đồng. Bố bảo đó chỉ là “phép thử lòng” con rể tương lai, xem thái độ của anh ta ra sao. Bố tôi khen anh ấy có vẻ không phải là người nóng tính, biết cách cư xử và lắng nghe.

Tôi không muốn tình yêu của mình bị đưa ra làm phép thử như vậy. Tôi trách bố đã không trao đổi trước về tình huống này. Bởi lời nói của bố có thể dẫn đến sự rạn nứt trong mối quan hệ của chúng tôi.

Vài ngày sau, tôi và anh gặp lại nhau trong một cuộc hẹn. Anh nói không đồng tình với quan điểm về chuyện muốn con rể chung tay giúp đỡ nhà vợ trả nợ. Đúng như tôi dự đoán, anh cảm thấy bị lợi dụng trong mối quan hệ này và là công cụ “bòn tiền” của nhà vợ.

Tôi giải thích cho anh mọi chuyện và nói ra sự thật về “phép thử” của bố. Anh càng tức giận, cho rằng cả gia đình tôi xem tình cảm chỉ là trò đùa.

Sau khi được nghe kể về thái độ của bạn trai, bố tôi lắc đầu và thở dài. 

Ông bảo anh chàng đã không vượt qua được “phép thử”.

Bố tôi cho rằng, với người yêu bạn gái thật lòng, anh ta sẽ chấp nhận chung tay giúp đỡ nhà vợ, không phản ứng và kêu ca. Theo bố, tình cảm của bạn trai tôi chưa đủ lớn nên không biết cách vượt qua thử thách.

Bố đề nghị tôi suy nghĩ kỹ về mối quan hệ này, tốt nhất nên tìm một anh chàng khác.

Tôi bỗng nhiên trở thành người khó xử, muốn ngả theo ý kiến của bên nào cũng khó. Tôi hiểu cảm giác của bạn trai khi bị đưa vào “phép thử lòng”, còn quan điểm của bố tôi đánh giá về chuyện tình cảm chưa hẳn đã sai.

Lúc này, tôi đang cảm thấy rất bối rối. Liệu có phải bạn trai không yêu tôi đủ nhiều nên phản ứng như vậy?

Trong trường hợp tôi cố chấp kết hôn, liệu sau này có phải hối hận do sống với người chồng tính toán quá mức hay không? 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *