TẠI SAO NHÀ THANH THẤT BẠI DỄ DÀNG TRONG CHIẾN TRANH NHA PHIẾN? (3)
*link hai phần trước mình để dưới cmt.
5, Từ bộ tham mưu cho tới lực lượng binh lính của nhà Thanh không thể tồi tệ hơn – Các vấn đề về đoàn kết dân tộc.
Trong các mục trước, phần nào bức tranh kém cỏi về những chỉ huy Mãn Thanh đã được khắc họa từ việc họ không lường trước được một cuộc chiến lớn sắp xảy đến, cho tới việc không định hình được đối thủ của mình. Nhưng những điều đó chưa phải là tất cả, bộ tham mưu quân Mãn Thanh, đứng đầu là Hoàng đế Đạo Quang có đầy những điểm yếu từ thượng tầng, những điểm yếu mà không một đội quân nào được mắc phải nếu muốn giành chiến thắng trong một cuộc chiến.
Chưa bàn trực tiếp tới thành phần lãnh đạo, trước hết ta phải đề cập tới vấn đề ngọn nguồn cho sự hủ bại của bộ máy quan lại, khiến “những cánh tay đắc lực” của Đạo Quang Đế trong suốt cuộc chiến hoàn toàn vô dụng, đó là nạn tham nhũng. Tham nhũng bắt đầu trở thành quốc nạn kể từ cuối thời ông của Đạo Quang, Càn Long Đế, lạm phát càng kích thích cho nạn này ngày một lan rộng trong đủ tầng lớp chính quyền, từ quan cho tới lính. Tới thời của ông thì tình trạng tham nhũng đã không thể cứu vãn được rồi, không có tham nhũng thì chắc chắn với luật giao thương hạn chế, cũng như khá khắt khe trong buôn bán Nha Phiến sẽ không có chuyện, năm 1830 Trung Quốc có tới 10 triệu người nghiện thuốc phiện, nhiều nhất thế giới.
Đến khi Lâm Tắc Từ triển khai các chiến dịch phòng chống thuốc phiện của mình, ông đã phàn nàn là chẳng thể nào làm việc hiệu quả nếu đám tay chân của ông, tên nào cũng nhận hối lộ của các thương nhân, những khoản hối lộ có khi chiếm tới 90% thu nhập của chúng. Quan tham thì mất lòng dân, dân vốn quen buôn với người Tây, nên mới có tình trạng lính Anh nhiều khi được dân chào đón niềm nở hơn cả quan binh bản địa.
Khá khôi hài là nạn tham nhũng ở Trung Quốc vang danh tới tận Anh Quốc, cụ thể là vào tháng 8 năm 1839, các thương gia ở Luân Đôn họp bàn về vấn đề Trung Quốc đã nêu ra một loạt các hành động sai trái của nhà Thanh. Chẳng bao lâu sau cuộc họp, người dân Anh ở khắp nơi nghe đủ tin đồn tiêu cực về Trung Quốc, trong đó có tin đồn về việc Lâm Tắc Từ là một tên tham ô và cố thu giữ thuốc phiện để kiếm lời bất chính.
Khi Chiến Tranh Nha Phiến bắt đầu, người Anh có gặp khó khăn nhất định khi định tiến vào Quảng Châu ngay từ đầu do được Lâm Tắc Từ cẩn thận bố trí phòng ngự. Nhưng câu truyện lại hoàn toàn ngược lại ở khu vực phía bắc, nạn tham nhũng ở đây khiến đám quan lại, binh lính vốn quen ăn tiền của thương lái chở lậu thuốc phiện, xem đánh nhau với người Anh là chuyện của Quảng Đông, cộng với tâm lý cho là có chống thì cũng chết, nên chẳng buồn nhiệt tình phòng ngự cho lắm. Thành ra, trong giai đoạn mới bắt đầu của cuộc chiến, ngoài trừ Quảng Châu và Mân Chiết, thì gần như cứ điểm ven biển nào của nhà Thanh cũng không được chuẩn bị chu đáo.
Các tham mưu trong nội các của vua Đạo Quang cũng cho thấy sự không đồng lòng, không cùng mục tiêu trong các bước đi chiến lược. Lâm Tắc Từ quyết liệt bao nhiêu thì người kế nhiệm ông, Kì Thiện, hèn kém, nhút nhát bấy nhiêu. Đa phần tướng lĩnh bất tài và đều sợ sệt trước chiến bại, nhiều báo cáo láo gửi về cũng vì họ sợ sẽ mất đầu nếu chẳng may làm Hoàng đế tức giận. Tổng tư lệnh, Hoàng đế Đạo Quang cũng không kém phần đáng trách, ông này gần như không có chủ trương kiên định khi luôn thay đổi quan điểm liên tục theo thời gian. Ông nhanh chóng bị bản tấu của Lâm Tắc Từ làm cho cảm động, chấp thuận chiến dịch bóp nghẹt thương gia Anh bao nhiêu thì cũng nhanh chóng bị bức thư của Charles Elliot thuyết phục rằng cách chức Lâm Tắc Từ là giải quyết được vấn đề với người Anh bấy nhiêu. Chẳng bao lâu sau, hòa đàm thất bại thì ông lại quyết đánh cho bằng được. Cả quá trình tổng chỉ huy cuộc chiến, Đạo Quang cho thấy mình là một kẻ mơ màng về tình thế chiến sự, do đó lúc muốn đánh, lúc muốn hòa, hoàn toàn không vững vàng. Nhìn bao quát các diễn biến từ đầu tới cuối của cuộc chiến, mức độ chấp hành các chỉ thị từ trung ương của các chính quyền địa phương luôn rất thấp, biểu lộ cho năng lực kiểm soát quốc gia của triều đình Đạo Quang là rất tệ hại.
Điểm chung của các thành viên trong “đội hình lãnh đạo” này đó là họ quá non nớt về mặt chính trị. Đối với các chính trị gia lọc lõi ở phía bên kia, họ là những con cừu non trên bàn đàn phán. Không ít lần, trong các cuộc đàm phán, một mặt các nhà ngoại giao Trung Quốc phẫn nộ với các điều khoản ngày càng hống hách của người Anh (thật ra người Anh nắm rõ yếu điểm về sự cao ngạo của nhà Thanh, nên thường xuyên nâng cấp các điều khoản dù biết chắc đối phương sẽ không chấp nhận), một mặt lại sợ hãi khi bị họ dọa đánh.
Giới lãnh đạo đã yếu kém như thế cộng với nền quốc phòng dậm chân tại chổ cả trăm năm, thì hiển nhiên khó lòng tổ chức được một lực lượng quân đội kỉ luật với sự phục vụ trung thành của những binh lính dũng cảm (và không nghiện hút). Trong các quân đoàn của nhà Thanh, đặc biệt là các quân đoàn địa phương ở phía bắc, thường xuyên xảy ra trường hợp “lính ma”, chỉ có tên trên giấy tờ, do những người lính ghi tên đầy tớ, bà con của họ vào sổ lính để lãnh lương. Tất nhiên những người này không biết bắn súng, chỉ cầm thương múa bậy như trên sân khấu. Đám chỉ huy thì coi lính như nô lệ, đã thế còn hống hách với dân, ăn cắp, ăn cướp của dân, một số nghiện thuốc phiện.
Công bằng mà nói thì các binh sĩ Trung Quốc không hoàn toàn bạc nhược từ đầu chí cuối cuộc chiến, ít nhất là trong khả năng của họ. Rất nhiều đánh giá tôn trọng của sĩ quan Anh dành cho các binh sĩ Mãn Châu (mà họ thường gọi nhầm là Tác Ta), rằng họ là những người lính mạnh mẽ, can trường nhưng không quen với chiến tranh kiểu châu Âu. Một câu truyện minh chứng cho đánh giá trên, sau khi Pháo đài Hạ Môn đã bị quân Anh chiếm cứ, Đề đốc Quảng Đông Quan Thiên Bồi cùng các tướng sĩ của mình chỉ với giáo mác, đao kiếm đã quyết tử chiến với đối phương, họ hi sinh tới người cuối cùng. Dù là vậy, Quan và các tử sĩ của ông không thể xóa đi sự thật là rất nhiều binh lính Mãn Thanh, đặc biệt là các binh lính thuộc Lục Doanh (một lực lượng quân đội của người Hán) đã bỏ trốn ngay khi nghe tiếng pháo của quân địch. Mao Haijan và cuốn sách của ông về Chiến Tranh Nha Phiến thật sự rất đầy đủ, cuốn sách này biên một bảng kê thương vong ở Trấn Giang cho thấy 95% nhân mạng hi sinh của quân Thanh là từ các lực lượng người Mãn Châu, đa phần binh lính Lục Doanh thì bỏ chạy trước cả khi giáp chiến. Không thiếu trường hợp binh lính đào ngũ và chiến đấu thuê cho người Anh.
Thái độ không đồng nhất giữa ủng hộ và làm ngơ của người dân dành cho quân đội Mãn Thanh cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Lâm Tắc Từ và các đồng chí của ông quyết chiến với kẻ địch song hành với lòng căm thù, sự tức giận vì người Anh hủy hoại đất nước của ông bằng việc buôn bán thuốc phiện. Thế nhưng, nhìn nhận tổng thể thì thuốc phiện chỉ là “vấn đề nhức nhối” của ngài Lâm và một số người, còn rất nhiều tầng lớp nhân dân Trung Quốc lúc bấy giờ xem thuốc phiện là “một phần cuộc sống”, đặc biệt là giới thương nhân bản địa, những người chắc chắn căm ghét bè lũ tham quan nhũng nhiễu họ quanh năm hơn là thuốc phiện hay người Anh. Nhiều người Trung Quốc lúc bấy giờ đánh giá người Mãn Châu và người da trắng đơn giản đều là những kẻ xâm lược nước ngoài. Điều này trực tiếp giải thích cho tâm lý chiến lung lay ngay từ đầu của binh lính Thanh, đặc biệt binh lính người Hán.
Không hẳn là lính Anh luôn được người Trung Quốc (đa phần là người Hán) chào đón khi họ tiến vào khu vực dân cư. Trong giai đoạn đầu chiến sự, các nhóm lính Anh dính phải sự chống cự quyết liệt từ người dân của đảo Đinh Hải, và đã rất khó khăn trong việc kiểm soát khu vực này. Nguyên nhân đến từ việc người Anh tổ chức cướp phá ngay khi vừa tiến vào đảo. Trường hợp tương tự xảy ra tại vùng Tam Nguyên Lý, phía bắc Quảng Đông, 200 quân Anh đã bị 1000 người dân bao vây. Ngày hôm sau 2000 quân Anh nữa được cử đến tiếp viện, dân chúng vẫn không chịu nới vòng vây, trong tình trạng thời tiết bão bùng, súng của lính Anh thậm chí không bắn được. Họ chỉ được giải thoát khi chi phủ Quảng Đông đứng ra khuyên giải dân chúng.
Những biểu hiện về thái độ chiến đấu của những lính thuần Mãn Châu so với lính Hán hay những cư xử thất thường, không thống nhất của dân chúng dành cho triều đình cũng như lực lượng viễn chinh Anh Quốc cho thấy, các vấn đề về việc không thể tạo nên một khối đoàn kết dân tộc giữa các nhóm chủng tộc trong cả quốc gia rộng lớn cũng là điểm yếu chí tử trong suốt cuộc kháng chiến của chính quyền nhà Thanh.