Mỗi nơi một kiểu
Đường liên thôn Phú Hạ – Thanh Trí, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) sau khi được mở rộng đã mang đến diện mạo hoàn toàn mới cho khu vực. Con đường nhỏ, hẹp trước kia, nay được thay bằng đường bê tông với bề rộng có đoạn lên đến 10m. Có được thành quả này là do cuối năm 2021, 4 hộ dân xóm Chùa đã tự nguyện hiến đất với diện tích từ 23m2 đến khoảng 550m2/hộ để làm đường. Sau hiến đất, diện tích thực tế thay đổi so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ), buộc các hộ phải làm thủ tục đăng ký biến động đất đai theo quy định. Theo đó, 1 hộ đã được nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 2 hộ đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và duy nhất trường hợp gia đình bà Đặng Thị Phương Châm – người hiến 550m2 đang gặp vướng mắc vì sổ đỏ vượt hạn mức đất ở theo quy định.
“Sau khi người dân hiến đất làm đường, lãnh đạo xã đã chỉ đạo bộ phận địa chính liên hệ với đơn vị tư vấn về đo vẽ hồ sơ thửa đất cho các hộ, cán bộ địa chính là người trực tiếp hoàn thiện hồ sơ, các hộ chỉ việc thẩm định, ký hồ sơ và không mất tiền phí, cũng không phải ngược xuôi đến xã, đến huyện. Riêng trường hợp bà Châm, xã đang hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên quan để sớm hoàn thiện sổ đỏ cho gia đình” – công chức địa chính xã Minh Phú Đinh Xuân Hải thông tin.
Trong khi việc đăng ký biến động đất đai ở Minh Phú được thực hiện chu đáo với người hiến đất, thì ở một số nơi khác, công việc này đang khiến người dân bức xúc. Theo thống kê của Trưởng thôn Đồi Vua, xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Văn Lực, những năm qua, riêng thôn Đồi Vua đã có hàng chục hộ hiến đất làm đường, các thôn khác của xã cũng tương tự… “Người dân không tiếc đất đã hiến, nhưng lo ngại sau này gặp rắc rối vì việc đăng ký biến động đất đai không được cập nhật kịp thời. Trong khi đó, nếu đăng ký biến động, người dân phải mất hàng triệu đồng đo vẽ hồ sơ thửa đất… Điều này thật sự gây khó cho người hiến đất” – ông Nguyễn Văn Lực nói.
Cùng nỗi trăn trở, Tổ trưởng tổ dân phố số 8, phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) Đàm Ngọc Doanh băn khoăn: “Nhiều hộ hiến đất ở phường Xuân Khanh đến nay chưa được điều chỉnh diện tích trên sổ đỏ, chứ chưa nói đến làm thủ tục đăng ký biến động đất đai. Về lâu dài, liệu người dân sẽ phải đối mặt với hệ lụy gì?”.
Ba Vì cũng là một trong những huyện có số lượng người hiến đất làm đường rất lớn, nhưng một số địa phương chỉ thực hiện theo phương thức trừ số học, bằng cách ghi vào bìa cuối sổ đỏ số diện tích người dân đã hiến. Như vậy, về thực chất, việc đăng ký biến động đất đai sau hiến đất vẫn chưa hoàn thiện.
Không để người hiến đất gánh hệ lụy
Qua tiếp xúc với một số trưởng thôn ở địa phương có nhiều người hiến đất, phóng viên Báo Hànộimới nhận được kiến nghị cho rằng, các hộ dân đã vì cộng đồng mà hiến đất, thì cơ quan chức năng cũng cần có sự ghi nhận thiết thực theo hướng miễn phí đăng ký biến động đất đai và thực hiện một cách minh bạch, không nhũng nhiễu. Rất tiếc, đề nghị đã lâu nhưng chưa được cơ quan nào trả lời.
Đồng cảm với đề nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri thị xã Sơn Tây sau kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố khóa XVI (chiều 25-7-2023), thay mặt tổ đại biểu HĐND thành phố, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân – Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các gia đình hiến đất hoàn thiện thủ tục và xem xét, nghiên cứu việc không thu phí đăng ký biến động đất đai với những trường hợp này…
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Xuân Toán – Công ty Luật TNHH Tản Viên Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) trao đổi: “Pháp luật hiện hành quy định về “tặng cho quyền sử dụng đất” nhưng chưa quy định cụ thể bên nào chịu phí cho thủ tục đăng ký biến động đất đai. Đây là vấn đề mang tính xã hội rất lớn, để bảo đảm quyền lợi cho người hiến đất, có thể vận dụng quy định người sử dụng đất “tặng cho” quyền sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng thì được miễn hoàn toàn phí và lệ phí nếu có”.
Điều 95 Luật Đất đai quy định, trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận mà tặng cho quyền sử dụng đất thì trong thời hạn không quá 30 ngày, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động và trình tự, thủ tục tặng cho cũng phải theo luật định. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu cơ quan chức năng phải khẩn trương xây dựng cơ chế thống nhất để không gây hệ lụy phức tạp về sau cho người hiến đất. Đồng thời, đây cũng là một cơ chế cần thiết để người dân tin tưởng, tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển của địa phương.