di-kham-benh,-tinh-co-phat-hien-con-co-“ngoc-trai”-trong-tai

Đi khám bệnh, tình cờ phát hiện con có “ngọc trai” trong tai

Tin từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, bệnh viện vừa phát hiện và điều trị cho 1 bệnh nhân bị mắc bệnh hiếm nguy hiểm, có khối màu trắng như “ngọc trai” trong tai. 

Bệnh nhi là bé 4 tuổi (thường trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), được gia đình cho đi khám tai mũi họng. Trong quá trình thăm khám và nội soi tai, bác sĩ phát hiện có khối màu trắng như hạt ngọc trai nằm sau màng nhĩ ở vị trí góc trước dính vào cán búa hòm tai phải. 

Tuy nhiên hòm tai không có dịch, bé không hề có triệu chứng chảy mủ tại tai hay tiền sử phẫu thuật trước đó.

Đi khám bệnh, tình cờ phát hiện con có

Các bác sĩ tiến hành nội soi lấy “ngọc trai” cho bệnh nhi. Ảnh BVCC

Tiếp tục thực hiện kiểm tra các cận lâm sàng như chụp phim CT xương thái dương và đo thính lực, bệnh nhi được chẩn đoán mắc Cholesteatoma bẩm sinh. Các bác sĩ đã tư vấn cho phụ huynh và chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối Cholesteatoma.

Bằng kỹ thuật phẫu thuật nội soi tiên tiến chỉ sau 1 giờ đồng hồ, khối Cholesteatoma được loại bỏ hoàn toàn. Sau phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục tốt, chức năng thính lực được bảo toàn và ra viện sau 5 ngày điều trị

Bác sĩ Phạm Văn Nam, Phó trưởng khoa Ngoại – Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết,  Cholesteatoma là một khối u biểu bì nằm lạc chỗ ở trong tai giữa hoặc xương chũm, nó có thể ở bất cứ vị trí nào ở trong các nhóm thông bào xương chũm.

Đây là một bệnh lý ảnh hưởng đến tai và chức năng nghe, rất hiếm gặp và thường khó phát hiện. Cholesteatoma nguyên phát từ trong thời kỳ bào thai với tỷ lệ 0,12/100.000 trẻ, gặp ở trẻ nam nhiều gấp 2-3 lần trẻ nữ. 

Khoảng hơn 50% các trường hợp là do tình cờ phát hiện.

Đi khám bệnh, tình cờ phát hiện con có

Viên “ngọc trai” được phát hiện bên trong tai và khi lấy ra. Ảnh BVCC

Theo bác sĩ Nam, nếu khối Cholesteatoma không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nặng nề, bởi chúng có khả năng ăn mòn, phá hủy các thành phần của tai giữa, xương thái dương và các cấu trúc lân cận.

Do vậy dễ gây các biến chứng như ảnh hưởng đến chức năng nghe – nói, thậm chí gây điếc, liệt dây thần kinh mặt, rò ống bán khuyên.

Nguy hiểm hơn là các biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên.”Người dân đặc biệt là trẻ nhỏ nên chủ động đi khám định kỳ để kiểm tra thính lực. Hoặc khi thấy các dấu hiệu bất thường như: đau tai, ù tai, tai nghe kém, có dịch lạ chảy ra từ trong tai, mất thăng bằng… cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để khám, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý về thính lực tránh các biến chứng nguy hiểm. 

Người dân cần giữ vệ sinh tai đúng cách bằng việc tránh để nước, bụi bẩn dính vào tai. Trẻ nhỏ cần được hướng dẫn vệ sinh tay, thân thể sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc trong môi trường có nhiều khói thuốc, ô nhiễm…”, bác sĩ Nam khuyến cáo. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *