no-ro-tin-nhan-“tinh-1-dem”-moi-goi-mai-dam-de-“kiem-tien-sinh-hoat”

Nở rộ tin nhắn “tình 1 đêm” mời gọi mại dâm để “kiếm tiền sinh hoạt”

Nở rộ tin nhắn “tình 1 đêm”: Nhiều người bị làm phiền

Sau một ngày làm việc mệt mỏi trở về nhà, anh Nguyễn Tiến – nhân viên văn phòng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang ngồi ăn cơm cùng với vợ con thì điện thoại có tin nhắn từ một số thuê bao chưa từng lưu trong danh bạ với nội dung: “Xin chào, em là Kim Ngân, 24 tuổi, em học gần anh, em muốn đi làm thêm để kiếm chút tiền sinh hoạt. Em có thể phục vụ anh. Mình có thể ở lại qua đêm…”kèm theo đó người này yêu cầu kết bạn zalo để gửi hình ảnh”. 

Nở rộ tin nhắn

Đoạn tin nhắn anh Tiến nhận được từ số lạ gửi đến. Ảnh chụp màn hình

Lúc này, anh Tiến cảm thấy một chút bối rối và phiền phức, thậm chí còn có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình…

“Khi vợ hoặc các con vô tình đọc được tin nhắn này sẽ nghĩ tiêu cực về chồng hoặc cha mình. Chưa kể bạn bè đồng nghiệp vô tình đọc được cũng sẽ đánh giá… Chính vì thế, tôi thấy khá phiền phức và chặn luôn”, anh Tiến nói.

Nở rộ tin nhắn

Nhiều người nhận được tin nhắn tương tự nhau. Ảnh chụp màn hình

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay, thi thoảng anh vẫn nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ gửi đến với nội dung: “Anh ơi, em vừa tròn 20 tuổi, dáng chuẩn, dịu dàng, muốn kiếm thêm thu nhập có thể đến tận nơi phục vụ…” kèm theo đó là một số zalo khác. 

“Có thể nhóm đối tượng đã sử dụng sim rác để nhắn cho liên tiếp nhiều người. Không riêng gì tôi mà không ít người bạn, người thân của tôi cũng bị làm phiền. Ban đầu khi nhận được tin nhắn này tôi cũng hơi bất ngờ nhưng nhận nhiều lần, tôi không quan tâm nữa, báo cáo tin rác để chặn…”, anh Tuấn chia sẻ.

Luật sư lên tiếng cảnh báo trước việc nở rộ tin nhắn “tình một đêm”

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, với những thông tin nội dung như vậy thì đây là hành vi quảng cáo hoạt động mại dâm, nếu người nhận thông tin liên hệ trở lại thì có thể xảy ra nhiều nguy cơ mất an toàn. 

Nở rộ tin nhắn

TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

“Nội dung tin nhắn là khác nhau, tuy nhiên đều thể hiện nội dung là có cô gái trẻ có thể đến tận nơi để ‘làm tình’ (quan hệ tình dục) vì muốn có tiền trang trải. Nếu người nhận được tin nhắn liên hệ trở lại thì sẽ có những thỏa thuận cụ thể về giá tiền và các điều kiện kèm theo… Mặc dù nội dung tin nhắn là rất ngắn ngủi tuy nhiên thể hiện rõ là mời chào mua dâm…”, luật sư Cường cho hay.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư cho rằng hành vi quan hệ tình dục có trả tiền là hành vi mua bán dâm, là vi phạm pháp luật. Người mua dâm, bán dâm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn những người môi giới mại dâm (dẫn dắt người mua dâm gặp người bán dâm), người chứa mại dâm sẽ bị xử lý hình sự. 

Bên cạnh đó, hành vi mua dâm người chưa đủ 18 tuổi hoặc mua bán dâm cố tình lây truyền HIV cho người khác thì cũng là hành vi bị xử lý hình sự theo các quy định của bộ luật hình sự năm 2015.

Luật sư Cường cũng nhấn mạnh, thời gian qua đã xảy ra không ít vụ các đối tượng dàn cảnh bán dâm để cưỡng đoạt tiền của khách mua dâm. Vì xấu hổ, vì trong tình cảnh không muốn bị lộ ra nên rất nhiều người đã âm thầm chịu đựng mà không dám tố cáo… 

Ngoài ra, không ít trường hợp các đối tượng bán dâm đã tìm cách lấy thông tin, ghi hình để đe dọa cưỡng đoạt tài sản; Hiện tượng người bán dâm trộm cắp tài sản của người mua dâm cũng diễn ra khá phổ biến… Bên cạnh đó, rất nhiều người đã tan vỡ hạnh phúc gia đình chỉ vì sa đà vào các lối sống dâm ô, đồi trụy, thực hiện hành vi mua dâm nhiều lần. 

“Nhiều người vì mua dâm mà mắc bệnh thế kỷ, bệnh xã hội dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng và hạnh phúc gia đình. Trong xã hội, không ít các đối tượng muốn kiếm tiền bằng nhan sắc hoặc cũng không ít các đối tượng đã lợi dụng thân xác của người khác để kinh doanh, thu lợi bất chính… Chính vì vậy, hoạt động mại dâm vẫn diễn biến rất phức tạp, cần có sự vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm minh của cơ quan chức năng. Đồng thời, cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân nhận biết và có những giải pháp phòng ngừa”, luật sư Cường nêu quan điểm.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm soát sim rác, xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo mại dâm trên không gian mạng. Cơ quan điều tra cũng có thể lập chuyên án để phát hiện, xử lý các đường dây môi giới mại dâm bằng chế tài hình sự nghiêm khắc. Đồng thời cần tuyên truyền, thực hiện các hoạt động truyền thông để người dân nhận thức được những nguy cơ, những tác hại có thể xảy ra nếu sa đà vào nạn mại dâm.

Việc đấu tranh với mại dâm là vấn đề lâu dài, phức tạp và cần có sự quyết liệt của chính quyền với những chính sách phù hợp. Đã có những quốc gia lựa chọn giải pháp quản lý hoạt động mại dâm bằng cách thừa nhận hoạt động kinh doanh này để quản lý, hạn chế đến mức thấp nhất những mặt trái của nó như bóc lột tình dục, mua bán người, bệnh truyền nhiễm và các hệ lụy khác. 

“Ở Việt Nam thì ý tưởng về thương mại hóa mại dâm cho phép hoạt động kinh doanh mại dâm cũng đã được bàn đến khi tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh phòng chống mại dâm. Tuy nhiên do yếu tố văn hóa, lịch sử, đạo đức xã hội nên Việt Nam không thừa nhận mại dâm là hoạt động kinh doanh hợp pháp. Việt Nam vẫn duy trì chính sách pháp luật nói không với mại dâm và xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mại dâm”, luật sư Cường phân tích thêm.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết ngày 24/4/2023, vẫn còn gần 1 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều. Số thuê bao này chính thức bị các nhà mạng thu hồi. Động thái này được kỳ vọng sẽ hạn chế thuê bao rác, từ đó giảm bớt tình trạng tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo. Tuy vậy, tình trạng tin nhắn lừa đảo và cuộc gọi rác vẫn diễn ra một cách ngang nhiên.

Gần đây, trong văn bản gửi đến Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, hoạt động mua bán SIM rác vẫn diễn ra phổ biến. Mặc dù thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng.

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có. Điều này đã dẫn đến tình trạng bùng phát các cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhiều người dân đã bị thiệt hại về tài sản.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *