Các dấu vết và những tác động khúc xạ trong/ngoài, xưa/nay(Bài sử khác cho Việt …

Các dấu vết và những tác động khúc xạ trong/ngoài, xưa/nay

Các dấu vết và những tác động khúc xạ trong/ngoài, xưa/nay
(Bài sử khác cho Việt Nam – Sử gia Tạ Chí Đại Trường)
Quá khứ phải được ghi lại mới thành sử, sử phải được kí. Và tất nhiên có nhiều hình thức ghi lại, trong đó chữ viết là chứng cớ xác định nhất vì nó là biểu hiện cụ thể, rõ ràng về sinh hoạt của một tập đoàn lưu giữ được qua thời gian. Tuy nhiên không phải là tập đoàn nào cũng có chữ viết và hình thức chữ viết nào cũng được sử dụng với kết quả lưu giữ quá khứ như nhau. Chữ viết trong vùng ĐNÁ là mượn từ hai khối văn minh có trước: Trung Quốc và Ấn Độ, nên lịch sử ghi lại trong vùng cũng phải chịu chìm nổi một chừng mực theo với tính chất văn minh của hai nơi đó. Nói một cách sơ sài, nền văn minh Ấn hướng nhiều về suy tưởng triết lí nên các ghi chép để lại không nhiều chi tiết cụ thể rành rẽ hơn phần của người Trung Hoa, vốn từ rất sớm đã lưu tâm đến mặt sinh hoạt xã hội nhân sinh.
Cái ưu thế về kí cho sử, thật không thể chối cãi khi ta nhìn về phần Việt Nam phía bắc, nơi có va chạm với Trung Hoa từ rất sớm, khi đế quốc Tần Hán tràn xuống nam để liên tục cai trị khoảnh đất này, khuôn nắn nó theo hình thức dù bị co cưỡng nhưng cũng không thể rời bỏ được, suốt trong tiến trình dài của lịch sử. Và do đó, chính ở phần đất này của Việt Nam, ta đã gặp những chứng tích xưa nhất, hay những bám víu xưa nhất để có thể ghi lại như là lịch sử.
Chúng ta không nói đến những khuyết điểm tự thân của nền sử học gốc từ Trung Hoa, tuy ở đó sự dồi dào các sách vở sử kí đã khiến người nghiên cứu ngày nay rộng đường tìm kiếm, suy luận hơn. Các vương triều Việt cai trị trên một đất nước nhỏ hẹp, chỉ “bằng bàn tay” như Trần Nhân Tông thú nhận, nên không để lại mỗi triều đại một quyển sửriêng biệt như ở nước lớn Trung Hoa mà chỉ chắp nối dồn vào một tập chính thức viết cho 17, 18 thế kỉ, với tên chung là Đại Việt sử kí toàn thư, in năm 1697. Chỉ có nó nên sử quan triều Nguyễn muốn viết tiếp cho hết triều đại trước, cũng phải dựa vào nó để thành Khâm định Việt sử thông giám cương mục, mà không biết đến một quyển sử xưa lạc loàivtrong cung nhà Thanh, quyển Đại Việt sử lược viết cho triều Lí trước nó. Toàn thư mang tính độc nhất đến mức độ các gia phả, địa phương chí (như Hoan Châu kí) cứ mang ra chép lại, gán ghép danh giá cho dòng họ mình khiến người sau phải thất vọng, khi cứ tưởng có thể tìm thêm điều gì mới lạ cho sử học ở những bản sách mang tính cách riêng tư, khu vực như thế. Toàn thư mang tính cách độc nhất như vậy khiến cho các sử gia bây giờ, dù tân hay cựu, dù có lập trường chính trị chống đối không đội trời chung đi nữa, cũng vẫn xê xích sao chép, tiếp nối truyền thống sử vương triều của nó, truyền thống thâm nhập sâu xa đến đương nhiên trở thành quốc sử thời của nhân dân, quần chúng. Các Thực lục của nhà Nguyễn thì dài hơi hơn nhưng đến lúc này thì sự giao tiếp quốc tế đã lớn rộng hơn.
Nhưng khuyết điểm của sử kí, ghi chép cũ của Việt Nam, gần như không được nhắc tới, là sai lạc đến từ tình trạng mượn một thứ chữ bên ngoài để ghi những sự kiện, địa điểm bản xứ, chưa kể đến trường hợp người sử dụng, hoặc không đủ khả năng tự thân, hoặc vì ngập chìm trong hệ luỵ thời đại mà không thể diễn tả ra cho đúng. Thấy con giông không biết gọi là gì liền dùng chữ chỉ con thạch sùng / thằn lằn quen thuộc trong nhà. Có đệm thêm chữ Nôm để diễn tả ngôn ngữ bản xứ thì cũng là một loại chữ-Hán-khác, không biết phải đọc theo đâu, làm cớ cho sự che giấu điều tưởng là đáng “xấu hổ”, ví dụ tên của (Lí) “thường Kiệt”. Thấy người ta dùng chữ “giao long”, không chép chữ “thuồng luồng” Nôm trại ra (t’luồng) từ gốc Hán “long” lại cứ theo kinh sách văn hoa cũ, không chịu nghĩ ra rằng từ trong nguyên văn được tả, đó là con cá sấu quen thuộc ở xứ mình, con cá sấu hiện hình ngay trên các trống, đồ đồng Đông Sơn, không lẫn vào đâu đươc.
Thật khó mà kể hết những sai lạc của Toàn thư chỉ riêng vấn đề dùng chữ Hán để ghi sự kiện Việt. Vả lại không phải chỉ lầm lạc của người xưa mà còn là sai sót của người nay, khi dùng thứ chữ của thời đại mình để phô diễn kiến thức lấy từ sách cũ. Khuyết điểm của dụng cụ, của con người, sự chênh lệch văn hoá, do thời gian níu kéo với nhau làm cho sự thật xưa cũ như chập chờn đùa bỡn, nhạo cợt người nghiên cứu cứ phải phân vân giữa niềm tin sự thật và mối lo báng bổ tiền nhân, khi tìm cách thoát khỏi thành kiến đã định hình.
Tuy Mạnh Tử dạy “Tận tín thư bất như vô thư” nhưng học sách đâm ra nhiễm sách, các sử quan của ta đã đem chuyện ở đất của Thánh Khổng vào xứ sở của mình, thay cho những sự việc cụ thể, đơn giản hơn. Sử của nho thần đến sau đã che khuất một lớp người viết sử trước không thuộc truyền thống của họ, đã đem ý thức hệ của mình để dẫn giải lịch sử. Họ từng chép nguyên cả lời đe doạ của vua Tần (do Lí Tư viết) về việc “phần thư”, cho vào mệnh lệnh “đổi mới” của Lê Thánh Tông. Thế rồi cái đà chép sách đó đi vào sử, tên các sách sử Việt đầu tiên chưa thể xa rời quyển Sử kí Tư Mã Thiên nguyên gốc: Sử kí của Đỗ Thiện, (Đại Việt) Sử kí của Lê Văn Hưu. Người ta đưa chuyện con tin Đinh Liễn sống ở nhà họ Ngô theo giao kết liên minh, trở thành chuyện của Bái Công Hạng Vũ thời Hán Sở tranh hùng. Chuyện Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn cướp ngôi Đinh, theo tính chất truyền nghiệp cho thủ lĩnh mạnh thế, được diễn tả như cuộc binh biến Trần Kiều chuyển từ Hậu Chu sang Triệu Tống, như Nguyễn Nghiễm (thế kỉ XVIII) đã thấy ra nhờ tiếp xúc nhiều hơn với sách vở. Chuyện Lí Công Uẩn ôm thây Lê Long Việt khóc, cứ như là bài bản của thời Xuân Thu Chiến Quốc! Trần Nhật Duật xông xáo vào vùng tập đoàn Thái ở Đà Giang được sử quan gia thần nịnh chủ coi như hành động của Đường Thái Tông, Quách Tử Nghi của nhà Đường khuất phục Hung Nô. Rồi chuyện bà vợ Trần Nhân Tông lấy chiếu che cho ông Hoàng Đế khi con hổ sút chuồng, thật giống như sử quan đã viết giữa lúc nhìn vào bức hoạ của Cố Khải Chi (345-406) vẽ vợ Hán Nguyên Đế (48-33 tCn.) che cho vua tránh con báo sút chuồng! Chẳng biết có gây oan uổng cho người xưa hay không nhưng chẳng hạn, khi đọc đoạn tả chuyện Ngô Nhật Khánh rút dao rạch mặt vợ vạch âm mưu lừa dối của Đinh, việc Lê Phụng Hiểu cứu giá (1028), kể tội phản nghịch, chém Vũ Đức Vương, thấy sao mà giống một “truyện Tàu” nào quá! (Một người không quen, qua internet, cho biết là chuyện Trần Thánh Tông sai đốt hồ sơ vương hầu Trần xin hàng Nguyên cũng thấy trong Tam Quốc chí diễn nghĩa!) Thật có quá nhiều những điều trùng hợp để không thể coi là ngẫu nhiên.
Có thể sử quan xưa chỉ làm việc tô điểm văn chương trầm bổng cho những điều ghi chép,thế mà người nay đã có quá nhiều kẻ tin là thật. Việc dời đô về Thăng Long mở ra một thời đại lâu dài, văn minh khiến cho sử quan phải tô vẽ chuyện lấy ngôi Lê cho dài hơi, kéo theo thật nhiều dấu vết thần kì (sấm kí, chó trắng mang chữ “thiên tử”) cùng âm mưu về trước lâu ngày, nhiều nhân vật tham gia, tình tiết khuất khúc… trong lúc thật ra Ngoạ Triều chết chỉ mới cách một ngày là đã có đảo chính! Và do đó, chuyện Dời Đô lại có dáng như một chuyến đi li khai!
Tất nhiên cũng không nên coi nhẹ những điều tô vẽ không-thật ấy. Một khi đã được đưa vào sách của nhà nước, chính thức, chúng trở thành những tín điều càng lúc càng vững vàng hơn qua thời gian, nhất là khi được quyền bính phù trợ, bồi đắp. Rồi từ tín điều, chúng thúc đẩy hành động tạo ra lịch sử mới, lúc bấy giờ thì không thể gọi là giả trá nữa.
Chuyện Hùng Vương của thời đại ngày nay là một minh chứng hùng hồn nhất. Tập họp Hùng Vương cùng tiên tổ đi vào sử Việt ở thế kỉ XV là do sự thoả hiệp của tầng lớp nho sĩ trung châu phải chịu đựng sự chèn ép của tập họp Mường Thái đến cai trị xứ này sau khi họ đánh đuổi được quân Minh. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng Ngô Sĩ Liên, người hạ bút, tuy nói đến “công đầu gây nên cơ nghiệp nước ta” vẫn đặt giai đoạn này vào phần Ngoại sử, hàm ý hoài nghi cẩn trọng – hay là để bày tỏ một phản kháng tinh tế? Nhưng đã ngự trị trong khung của quyền lực tối cao thì tác động của nó chỉ có đà tăng thêm mà thôi. Hơn một thế kỉ sau thời kì cái “triều đại” sơ khởi chỉ với 18 ông vua chưa có tên, chỉ có một vài thứ hạng, với một ông tướng (Phù Đổng), hai ứng viên làm rể còn bị ngờ vực là không thật đấy, sau thời gian cũng vừa đủ cho một truyền thống bám víu, lớp hậu duệ Mường Thái thứ hai đã cố sức khai thác, thêu dệt để lấy chính danh cho phe Tây Việt làm công cuộc “trung hưng” cơ nghiệp cũ (Nguyễn Bính 1572), và tiếp tục củng cố nền trung hưng đó trong thế kỉ XVIII (Nguyễn Hiền 1737). Nhưng cũng trong thời gian đó lại có sự đổ vỡ khác của các tập đoàn đi từ đất Thanh Hoá: Trịnh và Nguyễn. Cho nên khi có sự thống nhất đầu thế kỉ XIX thì hệ thống Hùng Vương lại được khai thác như một sự thoả hiệp mới, trong đó những nhận xét của sử quan, lời phê của Tự Đức cho thấy một chút gượng gạo công nhận của phe mới vừa thắng trận mà phải chịu lùi bước chiến thuật, để việc chiếm vùng đất bên ngoài cương vực của mình trở thành có chính nghĩa. Tác động của sách vở qua quá khứ lâu dài cũng đã thấy hiện lên, trong sự kiện một phe của Quốc sử quán không chịu lối công nhận “một phần” (phần Hùng Vương) để đòi giữ nguyên công trình của Ngô Sĩ Liên … Cả một sự thoả hiệp khuất lấp ban đầu, với thời gian, nay đã trở thành một lịch sử hoành tráng trong sự lấp liếm cường điệu, không dễ gì có thể đánh đổ được.
Chữ Hán, khung trời văn minh Hán đối với nhà nho là cao sang hơn tiếng nói, cuộc sống của tập thể dân chúng chung quanh cho nên họ thấy cần phải loại bỏ thực tế đó để vươn lên. Họ coi đất nước, triều đình họ phục vụ như một thứ mẫu hình (tiểu) Thiên tử chuyển từ phương Bắc xuống, giống như Lê Thánh Tông bắt chước Hán Cao Tổ đái vào mũ các quan, hay xưa hơn, Ngô Xương Văn xưng là Nam Tấn Vương mượn danh nhà Hậu Tấn đồng thời của phương Bắc, Lê Hoàn lấy niên hiệu Thiên Phúc (936-944) cũng của nhà Hạu Tấn ngắn ngủi (936-946). Tên nước buông bỏ của nhà Nam Hán cũng được mượn vụng về cho nhà Đinh, hay đúng kiểu cách cho nhà Lí để truyền cho các đời sau. Truyện tích Phù Đổng có kẻ xâm lấn là giặc Ân cũng thật dễ hiểu: Nho sĩ viết truyện, coi mình đang phục vụ một dòng chính thống Chu (“Ngô tòng Chu” – Khổng Tử), thì kẻ chống cự thất bại tất phải là kẻ thất bại của nhà Chu từ nơi cỗi gốc, nhà Ân. Vì thế cái cổng ngoài của Hoa Lư cũng mang tên Đồng Quan như trên đất Vạn Lí Trường Thành. Mơ mộng chuyển hình mẫu trở thành thực tế, họ chép luôn cả lời đồn đãi ước mơ thành sử kiện như chuyện Mạc Đỉnh Chi chụp lầm chim sẻ nơi triều đình Nguyên kèm theo bài văn tế nàng công chúa nước lớn.
Nho gia học thuộc lòng sách đã đem ra dẫn chứng, ngâm vịnh, sử dụng theo một tinh thần chiếm đoạt khá ngây thơ rồi để lại cho người sau bằng cớ như chính đó là của mình, của thời đại mình. Thơ Lạc Tân Vương, Tống từ được mượn để chứng tỏ kiến thức tột đỉnh của nhà ngoại giao thời mở nước. Cổ phong, từ khúc, Đường thi đã được Đặng Trần Côn xếp thành khúc ngâm của người Chinh phụ, tiền đề cho những dịch bản gây nhiều tranh cãi, đến ngày nay lại phảng phất thêm một ý hướng feminist tân thời. Điều vay mượn nhập-tâm này cũng dẫn đến một tinh thần hướng thượng trong hoang tưởng của tầng lớp trí thức gia thần xưa, là chứng cớ rắp ranh đi vào sách vở chính thức của triều đình, với hàng chục câu chuyện truyền khẩu về các ông “lưỡng quốc trạng nguyên”, có khi mang dấu vết tiền thân là hoàng đế phương Bắc (có chữ chứng minh trong lòng bàn tay nắm chặt của cậu bé vừa lọt lòng mẹ chẳng hạn!)
Những khuyết điểm như thế đã không được sửa chữa mà nhân thời gian tranh đấu độc lập vừa qua, sự tự tôn lại được tiếp cánh với lớp sử gia cục bộ dân tộc / địa phương chủ nghĩa ngày nay. Các sự kiện trong sách của vương triều xưa, trở thành bằng chứng hùng hồn không thể chối cãi về một quá khứ oai hùng, về một nền văn minh ưu việt của một trung tâm Thiên tử nhỏ, chỉ có ban ơn chứ không thu nhận, chỉ có chiến thắng chứ không thất bại, chỉ có đạo đức vô cùng chứ không bạc ác xấu xa, dù chỉ là sai lầm bình thường như ở các khu vực nhân loại khác. Do đó khi giao tiếp được mở rộng trong thời đại mới, để có dịp khoe khoang nhiều với các đối tượng vượt trên tầm mức địa phương, quốc gia, một lớp sử gia / học giả trịch thượng nối tiếp xuất hiện trên tư thế quyền uy, đương nhiên một cách thật trẻ con dễ thương. Cứ đem những nghiên cứu của các ông Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp ra so sánh với các tác giả ngày nay thì thấy rõ ràng sự khác biệt. (Ông Phạm Huy Thông, người có quyền chức bênh vực hùng hổ nhất cho Hùng Vương – Đông Sơn, trước 1945 chỉ nổi danh là thi sĩ chứ không phải là học giả, danh vị sau có vẻ là nhờ bằng cấp từ nước Pháp và sự nhanh chóng thích ứng với thời đại). Tự ái địa phương giấu trong lớp vỏ dân tộc khiến người ta không thể chấp nhận sự thật, rằng những bậc anh hùng khai sáng, vua chúa, con cháu dâu rể vua Hùng, tướng Hai Bà Trưng được ca ngợi, ghi vào sử sách từ lâu lại vốn chỉ là những loài “tinh gỗ đá, quái côn trùng”, ma da, rái cá, cá sấu, rùa, rắn… Không chỉ có những ông quan xứ Huế xa xôi mỉa mai như trên mà người xứ Hải Dương Phạm Đình Hổ, trong Vũ trung tuỳ bút, cũng từng càu nhàu bực tức nên lời về tình trạng công kênh thần thánh, lịch sử xứ mình như thế. Chưa kể loại bằng chứng ngờ nghệch của Lê Quý Đôn về việc ông thần Long Uyên bày tỏ oai linh, vật chết con trâu ngay giữa công đường! Cái ưu thế của một hai tập sách, theo với thời đại, đã có tầm mức lớn rộng hơn số lượng và nội dung thông tin nằm trong đó.
Đi theo với tính cách chủ nhân ông của đất nước, các sản phẩm tự tôn này xuống đến từng địa phương nhỏ, lan cả ra đến khối lưu vong, những người này hoặc dễ dàng chịu khuất phục vì sự nhỏ bé của mình, hoặc tuy mang tâm tình chống đối chính trị nhưng vẫn cảm nhận được thế yếu ớt của mình, nên lại cũng ào ạt chia xẻ sự ngông nghênh kia, tưởng chừng như có thể lấy đó làm bằng cớ có thẩm quyền để phủ nhận quyền bính hiện tại nọ. Quyền bính vững chắc thêm một thế hệ nữa thì đủ thuyết phục đám con cháu của “khúc ruột ngàn dặm” không thích ứng được với xã hội mới, sẽ chịu lôi cuốn theo những Chuyện kể lịch sử, những phát hiện “sử liệu” mới, vốn thật vô cùng xa lạ với tinh thần của nền giáo dục họ đang thụ nhận.
Sử học của thời mới cũng được phát triển nhờ sự tiếp trợ của những bộ môn khảo sát mới, nhất là khoa khảo cổ học, để đi sâu vào quá khứ hơn, ở những khu vực không có chữ viết làm bằng cớ, hay có thoảng qua mà dấu vết vật chất tiếp trợ còn ẩn sâu trong lòng đất đâu đó. Tên Phù Nam thì đã có trong ghi chép Trung Hoa, được học giả Pháp hồi đầu thế kỉ XX (P. Pelliot, 1903) diễn giải dài dòng cho ra hình tượng một vùng đất, nhưng bằng cớ vật chất cho “đế quốc” ấy hiển hiện có tính cách thuyết phục là từ những khảo sát đào bới của L. Malleret trước Thế chiến II trên vùng Nam Bộ, tập trung ở Óc Eo, để đem danh xưng khuất lấp này vào bản đồ khảo cổ học quốc tế. Đất nước Champa nằm trong sử sách Việt, Trung Hoa chỉ có những ghi chép cống sứ cầu cạnh, những tù binh chiến bại, tình hình thật hợp với các tháp đổ nát còn lại nhưng khảo cổ học đã làm sáng tỏ thêm những giai đoạn lịch sử của nó, đã đào bới, lưu giữ, bảo trì những tượng đài, những công trình kiến trúc, chứng tỏ một nền văn minh đáng hãnh diện không những của một thời mà, nếu chịu khó suy nghĩ, còn thấy ẩn khuất dưới những hiện tượng, sinh hoạt của lớp người hiện tại, trước mắt. Trên vùng Đại Việt, học giả Pháp đưa ra tên một nền văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn còn giữ lại cái tên Hoà Bình mở rộng cho cả vùng Đông Nam Á, thêm một nền văn minh Đông Sơn cùng những chứng tích mộ táng thời Bắc thuộc, một giai đoạn nghệ thuật Đại La với những đình đền, chùa miếu thời độc lập được khai thác sâu hơn với các nhà khảo cổ học Việt Nam về sau. Có tầm mức lớn hiện nay là việc khai quật “hoàng thành Thăng Long” đang tiến hành, quan trọng thì có đó nhưng không đến tầm mức quốc tế như đã khoe khoang ầm ĩ, để vội vã lập hồ sơ xin UNESCO công nhận – như ý định lập hồ sơ cho đền Hùng, biểu lộ một tinh thần hiếu danh bệnh hoạn phô trương ra ngoài biên giới. (Xem sách ảnh Hoàng thành Thăng Long 2006.) Không biết người ta có tránh được cung cách “khảo cổ mĩ thuật” vướng víu trong ý thức tự tôn như khi khai quật các khu vực mộ địa mà chỉ lo thu hồi vật dụng, không quan tâm đến các cách sắp xếp, dàn trải các đơn vị…, đại khái những điều thuộc phần tinh tế của kĩ thuật đào bới, giúp người nay hiểu hơn về sinh hoạt bình thường của các tập đoàn xưa. Ch. Higham đã chê nhẹ như thế khi nói về các khai quật thời đá mới, đồng thau của Việt Nam.
Những ngành khoa học xã hội, nhân văn khác cũng góp phần vào việc làm sáng tỏ quá khứ toàn vùng. Có điều nền sử học khoa học non trẻ của Việt Nam đã phải chịu sự uốn nắn của những biến động chính trị hiện đại, trong đó nền độc lập kết thành của đất nước lại lôi kéo sử gia trở về với vị trí sử thần xưa trong sự nhiệt thành mới, với quan niệm “văn chương để đời”, được khuyến khích bằng các loại Bảng vàng bia đá mới, như các công trình chịu mất danh hiệu riêng để gộp chung trong các “Tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh”, như chứng cớ đã hiện hình nơi các tên đường “danh nhân” mới đặt ở các ngõ, xóm trung ương, nếu có chật hẹp thì lấn xuống phía nam! Đường hướng “Sử học phục vụ chế độ” được chỉ đạo đề ra từ quyền bính chính trị đã khiến các công trình tạo được tiếng vang với những người cả tin mà không thể nào ngờ đến mức độ sa sút phẩm chất của người nghiên cứu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *