“co-do-thon-ban”-canh-tay-noi-dai-cua-nganh-y-te-cham-soc-suc-khoe-cho-nguoi-dan

“Cô đỡ thôn bản” cánh tay nối dài của ngành Y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân

Clip: “Cô đỡ thôn bản” cánh tay nối dài của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe người dân.

“Cô đỡ thôn bản” cánh tay nối dài của ngành Y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số 

Trước đây, Ma Ly Pho là xã biên giới đặc biệt khó khăn của Phong Thổ, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân bấp bênh, đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của bà con rất eo hẹp… Trở lại Ma Ly Pho những ngày cuối tháng 7 này, chúng tôi có chung cảm nhận, Ma Ly Pho tuy còn nhiều khó khăn, nhưng bộ mặt nông thôn đã có những đổi thay rất đáng mừng.

Nhờ các chính sách ưu đãi của Chính phủ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia… năm 2019, Ma Ly Pho đạt xã nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đổi thay, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được các cấp chính quyền quan tâm, triển khai nhiều giải pháp để thực hiện.

Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã được các cấp chính quyền huyện Phong Thổ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung quan tâm, triển khai nhiều giải pháp thực hiện. Ảnh: Tuấn Hùng

Chia sẻ với PV báo Điện tử Dân, ông Đồng Xuân Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Dự án 7 về việc “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” huyện Phong Thổ đã củng cố hệ thống mạng lưới y tế tại các xã khu vực III.

Trong những năm qua, “Cô đỡ thôn bản” tại các xã, bản đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới. Họ đã và đang nỗ lực hết mình trong công việc, được ví như cánh tay nối dài của Chính phủ, ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đã gần 10 năm nay, không kể nắng, mưa hay mùa đông giá rét, chị Lý Minh Thương vẫn  thường xuyên tới thăm hỏi sức khỏe, kết hợp truyền thông những chính sách và tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho.

Cô đỡ thôn bản giữ vai trò quan trọng trong mục tiêu nâng cao sức khỏe cho bà mẹ và trẻ nhỏ… Ảnh: Tuấn Hùng

Chị Thương cho biết, bản Ma Ly Pho có trên 90% là dân tộc Dao, trong đó có khoảng 40 chị em trong độ tuổi sinh đẻ. So với những năm trước, kiến thức về sinh đẻ của bà con đã được nâng lên rõ rệt, chị em đã biết tự chăm sóc cho bản thân và con nhỏ. Biết ra trạm xá, đến trung tâm y tế để thăm, khám và sinh đẻ.

“Giờ gia đình nào có người đến ngày sinh là liên lạc cho tôi, nhờ đó tôi có đủ thời gian để thăm nom, tư vấn cũng như giúp đỡ các bà mẹ trong quá trình sinh nở, tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”, chị Thương cho biết.

 Phát huy vai trò “cô đỡ thôn bản” trong chăm sóc sức khoẻ người dân vùng khó khăn

Qua câu chuyện với ông Đồng Xuân Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, Lai Châu, được biết, hiện nay huyện biên giới Phong Thổ có 34 cô đỡ thôn bản được đào tạo, từ năm 2022 đến nay đã thăm khám, tư vấn cho phụ nữ mang thai, trẻ em với trên 570 lượt, trong đó có 10 bà mẹ sinh con tại nhà được cô đỡ hỗ trợ trực tiếp.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 175 cô đỡ thôn bản tại các xã vùng hai, vùng ba đã được đào tạo, trong đó có 79 người đang hoạt động hiệu quả. Ảnh: Tuấn Hùng

Đội ngũ cô đỡ thôn bản đã giúp ngành y tế truyền thông về 3 chủ đề cần thiết gồm: chăm sóc phụ nữ mang thai, chăm sóc trong và sau sinh, chăm sóc trẻ bị ốm. Từ đó nâng cao chất lượng, sự tiếp cận của cộng đồng với kiến thức làm mẹ an toàn tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, cô đỡ thôn bản còn tham gia hỗ trợ trạm Y tế trong các hoạt động phòng chống dịch, tiêm chủng mở rộng, Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, nhưng hiện nay chỉ có 6 cô đỡ thôn bản là đang duy trì hoạt động.

Theo báo cáo của Sở Y tế Lai Châu, trên địa bàn tỉnh có 175 cô đỡ thôn bản đã được đào tạo tại các xã thuộc vùng hai, vùng ba, trong đó có 79 người đang hoạt động hiệu quả. Năm 2022, toàn tỉnh có trên 5.600 lượt phụ nữ có thai được khám định kỳ, vận động hơn 950 bà mẹ đến đẻ tại cơ sở y tế; có hơn 260 bà mẹ đẻ tại nhà do cô đỡ thôn bản hỗ trợ trực tiếp.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế và xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Dự án 7 về việc “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” đã góp phần giúp bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Lai Châu có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Tuấn Hùng

Nhìn từ thực tế, công việc của cô đỡ thôn bản thực hiện tại địa phương có tác động lớn đối với cộng đồng, đóng góp vào việc tăng cường nhận thức, thay đổi hành vi chăm sóc sức khoẻ của người dân, góp phần làm giảm tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh tại cộng đồng. Họ đóng vai trò như cầu nối giữa cộng đồng và cơ sở y tế, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Y tế Lai Châu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *