KHI VIỆC THÚC ĐẨY TIỀM NĂNG CỦA CON CÁI LẠI TRỞ THÀNH ÁP LỰC CỦA CON

Nhà tâm lý học lâm sàng, cựu giáo viên. Nhà diễn ngôn về sức khỏe tinh thần của trẻ em cho các bậc phụ huynh/giáo viên tại các trường học trên toàn thế giới. Tác giả của The Bonsai Child, Bonsai Student. 

Nền tảng cho sự an lạc là giúp con cảm thấy được yêu thương khi là chính mình.

Cha mẹ có vô tình gây áp lực cho con chỉ vì muốn con phát huy hết khả năng của mình không? – Đó là câu hỏi mà tôi đã nghĩ đến gần đây.

Tất nhiên, cha mẹ nào cũng muốn con mình học giỏi, và tình yêu thương chính là động lực để họ thúc đẩy con mình đạt được những kết quả cao. Nhưng tôi tin rằng, đôi khi, dù được xuất phát từ mục đích tốt nhất đi nữa, thì cha mẹ cũng có thể vô tình đặt một áp lực lớn lên con trẻ khi mong muốn bọn nhỏ trở nên vượt trội hơn.

Thỉnh thoảng, điều này xảy ra là do đứa trẻ đã thể hiện ra vài khía cạnh nào đó khiến mọi người tin rằng chúng có thể trở nên tài giỏi. Ví dụ như một bài kiểm tra trí tuệ ở trẻ em đưa ra kết quả đánh giá rằng đứa nhỏ rất thông minh và có thể sẽ gặt hái được nhiều thành công, điều này sẽ khiến cha mẹ trông đợi nhiều hơn vào những thành quả mà con có thể đạt được.

Nhưng dù cho không có một cái đánh giá chuyên môn nào về mặt trí tuệ đi nữa, vẫn có nhiều bậc phụ huynh tự mặc định rằng con mình sinh ra đã sáng suốt. Việc đó khiến họ tin rằng đứa trẻ hoàn toàn có thể và nên đạt được nhiều kết quả tốt.

Với niềm tin đó, rất nhiều vấn đề nhỏ nhặt, chẳng hạn như việc con bỏ sót một câu hỏi trong bài kiểm tra, sẽ “từ bé xé ra to” và bị áp đặt thái quá lên đứa trẻ. Nhiều em nhỏ còn bị bố mẹ chỉnh lỗi từng chút trong các động tác thể thao, nhiều em nhỏ đã bị bố mẹ bắt kiểm điểm chỉ vì bỏ lỡ một cú ghi bàn, ngay trong lúc con đang trên sân tập, hay là trên đường về nhà sau trận đấu. Cứ như thể, phụ huynh tự quyết định rằng họ có cái quyền phán xét mọi thứ về năng lực của con mình.

Nỗ lực cực độ đó của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự kỳ vọng của họ dành cho đứa con, như là trả tiền học phí đắt đỏ, chuyển nhà chỉ để con có thể đặt chân vào một ngôi trường công lập nào đó. Nếu cha mẹ dồn hết mọi nguồn lực vào chuyện học hành của con, họ sẽ càng mong đợi nhiều hơn vào chuyện đứa trẻ phải trở nên xứng đáng với nỗ lực đó. Vì thế, việc một đứa nhỏ lớp 8 hay lớp 9 chỉ hoàn thành vừa đủ số lượng bài tập được giao (như mọi đứa trẻ bằng tuổi khác) hoặc đứa nhỏ chỉ nhận được thành tích bình thường, sẽ được coi như một cú tát vào mặt những vị phụ huynh đã vất vả làm việc để nuôi con.

Khi bắt đầu thất vọng vì con không đạt được kỳ vọng mà mình đã trao, những người cha người mẹ sẽ bắt đứa trẻ phải nhận thức được nỗi thất vọng đó. Vài người sẽ khuyên con trẻ nên học hành tốt hơn, mặc kệ việc đứa trẻ có thể chỉ có chỉ số thông minh tầm trung, và biết đâu chúng cũng đã nỗ lực hết khả năng của mình. Thậm chí vài người còn tìm đến gia sư hoặc chuyên gia tâm lý một cách không cần thiết.

Và thật thiếu sót nếu chúng ta không nói đến cái tôi tuổi teen của những đứa trẻ. Các bậc cha mẹ vẫn thường khoe khoang về thành tích của con mình với gia đình và bạn bè, đặc biệt là trên mạng xã hội về chuyện con đã học giỏi như thế nào. Mặc dù đây là một niềm tự hào chính đáng, nhưng tôi cho rằng việc cha mẹ càng khoe khoang như thế về đứa trẻ sẽ càng khiến đứa trẻ cảm thấy bị áp lực hơn. Từ đó, trẻ con sẽ luôn cảm thấy mình cần phải thành công, phải chiến thắng, phải đạt thành tích tốt trong bất kỳ cuộc thi hay trận đấu nào trong tương lai, chỉ để cha mẹ chúng có thể đăng thêm một bài “khoe con” mới trên mạng xã hội.

Điều đó diễn ra không chỉ vì cái tôi của cha mẹ, mà là vì ở một mức độ nào đó, thì xã hội cũng đã đặt cái áp lực này lên chính các bậc phụ huynh, bắt họ phải giám sát và đảm bảo rằng con cái mình sẽ trở thành siêu sao trong ít nhất một lĩnh vực.

Nhưng mục đích tốt mà cách làm sai thì kết quả vẫn sai, nó mang đến một hậu quả tiêu cực khiến trẻ em ngày nay có xu thế dễ căng thẳng hơn. Thực tế mà nói, tôi cũng không chắc lắm về việc trẻ con chỉ cảm thấy áp lực từ những tình thương cực đoan biến chất hay là sự đòi hỏi quá cao từ cha mẹ. Bởi lẽ ngay cả khi bạn nói với con rằng con có thể trở thành bất kỳ ai mà con muốn, thì đứa trẻ vẫn có thể cảm thấy căng thẳng vì phải trở nên phi thường.

Nền tảng an lành chính là cho con cảm giác được yêu thương khi là chính mình. Với trẻ em, tình thương của cha mẹ không nên phụ thuộc quá vào thành quả của con trẻ. Hãy nhớ kỹ điều này nhé.

THÔNG ĐIỆP GỬI TỚI CÁC BẬC PHỤ HUYNH

Mẹo để giảm căng thẳng cho con.

  • Luôn cởi mở về hành trình phát triển của con, đừng dự đoán trước hay kể với người ngoài theo cách bạn mong đợi nó sẽ xảy ra.
  • Nếu con trẻ kể về trận đấu hay thành tích của mình, hãy khuyến khích con tự đánh giá năng lực thay vì đưa ra ý kiến chủ quan của bạn.
  • Khen ngợi nỗ lực của con nhiều hơn thay vì ngợi ca thành tích mà con đã đạt được.
  • Nếu có trò chuyện cùng người khác, hãy nói về niềm tự hào của bạn khi con nỗ lực để thành công thay vì chỉ nói về sự thành công đó.
  • Nói rõ với con cái rằng, con làm bài tập về nhà là vì con, nếu con không học hành chăm chỉ, con sẽ khiến chính mình thất vọng chứ không phải là cha mẹ.
  • Cuốn sách mà tôi đã viết, The Bonsai Children, sẽ giúp các bậc phụ huynh biết cách cân bằng giữa chuyện yêu thương và đặt ra những kỳ vọng hợp lứa tuổi cho con trẻ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *