Thụy Sĩ giàu sụ từ khi nào và bằng cách nào vậy? Dường như khoảng một thế kỷ trước thì nước này vẫn bình thường thôi

Năm 1914, ngay trước Thế Chiến I thì Thụy Sĩ đã có GDP đầu người cao nhất châu Âu, vượt trên Anh và các nước khác. Của cải của nước này vẫn tiếp tục tích lũy trong suốt một thế kỷ sau đó.

Vậy tại sao Thụy Sĩ lại giàu hơn một cách tương đối với các nước khác ngay từ đầu thế kỷ 20?

Chà, đầu tiên, Thụy Sĩ là quốc gia đầu tiên tại châu Âu lục địa tiến hành công nghiệp hóa, đó là khoảng thời gian diễn ra Chiến Tranh Napoleon. Trên thực tế, chính phủ của Napoléon đã giúp đỡ kinh tế Thụy Sĩ rất nhiều trong việc xây dựng ngành dệt may vì nó không thể cạnh tranh với Anh ngay từ đầu. Người Thụy Sĩ có tay nghề cao do hầu hết đã làm việc trong các ngành tiền công nghiệp như chế tạo đồng hồ hoặc đồ gốm. Hầu hết đều biết đọc-viết do tỷ lệ người theo đạo Tin Lành cao (bạn phải đọc được Kinh Thánh), điều này giúp ích rất nhiều cho quá trình công nghiệp hóa.

Năm 1848, phe bảo thủ và phe tự do mâu thuẫn gay gắt, cuối cùng hai bên thỏa hiệp và hiến pháp được thành lập. Nhà nước liên bang dễ dàng tiến hành các hoạt động thương mại hơn tình trạng lộn xộn trước đó (như không có đồng tiền chung).

Khi ngành dệt may ở phần còn lại của châu Âu được công nghiệp hóa, Thụy Sĩ đã chuyển sang giai đoạn công nghiệp hóa thứ hai và xây dựng đường sắt. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, tuy là thị trường ngách nhưng ít cạnh tranh và lợi nhuận cao như tơ lụa. Trong thời kỳ đại suy thoái những năm 1870-1880, GDP của Thụy Sĩ thực tế vẫn tiếp tục tăng. Sau đó, các ngân hàng cũng bắt đầu nổi lên nhưng cần lưu ý rằng các ngân hàng Thụy Sĩ không đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước trong quá trình công nghiệp hóa; chúng giống như các quỹ tín thác và đầu tư ra nước ngoài hơn. Một điều cần để tâm khác là bảo mật cao trong ngành ngân hàng là tiêu chuẩn ở mọi nơi trên thế giới trước Thế Chiến I. Thụy Sĩ đã đạt đến giai đoạn công nghiệp hóa thứ ba trước khi Thế Chiến I bùng nổ: ngành hóa chất (hiện vẫn rất quan trọng ở Thụy Sĩ). Năm 1907, ngân hàng quốc gia được thành lập và trở thành bước ngoặt với ngành ngân hàng nước này vì trước lúc đó, đồng franc Thụy Sĩ khá yếu và không ổn định.

Thụy Sĩ duy trì trung lập trong Trong Thế Chiến I, giao dịch (tài chính và hàng hóa) cũng gặp khó khăn (chiến tranh không có ích với Thụy Sĩ như một số người nghĩ nhưng tôi sẽ không đi vào chi tiết). Sau chiến tranh, các ngân hàng cuối cùng đã phát triển bùng nổ. Các phong trào xã hội diễn ra trên khắp châu Âu cũng như Thụy Sĩ, nhưng các phong trào Thụy Sĩ yêu cầu cải cách chứ không phải cách mạng. Chúng không thu được gì.

Tôi sẽ không đề cập quá trình phát triển trong thế kỷ 20 vì Thụy Sĩ đã trở thành nước giàu và duy trì khá nhiều chính sách tương tự.

Có vài điều quan trọng cần lưu ý. Thứ nhất là giới tinh hoa và cầm quyền Thụy Sĩ luôn giữ thái độ bảo thủ về khái niệm “tự do”. Họ đến từ lĩnh vực công nghiệp và tài chính và để tránh khu vực nông nghiệp liên minh với giai cấp vô sản, họ tiếp tục giúp đỡ ngành nông nghiệp thông qua bảo hộ có chọn lọc và tạo nên một liên minh cánh hữu mạnh mẽ (Bloc bourgeois). Đó là lý do Thụy Sĩ không bao giờ có phong trào cánh tả mạnh mẽ như ở phần còn lại của châu Âu.

Thứ hai là chủ nghĩa tự do luôn giữ cho vai trò của nhà nước càng yếu càng tốt. Nhà nước chỉ nên can thiệp khi cần thiết. Thể chế liên bang đóng một vai trò quan trọng trong việc giải thích tại sao Thụy Sĩ lại giàu như vậy.

Thứ ba, những người theo chủ nghĩa tự do và bảo thủ đã biến Thụy Sĩ thành một pháo đài chống chủ nghĩa Keynes trong mọi cuộc khủng hoảng và xu hướng quốc tế. Hầu hết chính sách được thực hiện để phục vụ lợi ích của Thụy Sĩ.

Thứ tư, Thụy Sĩ trước Thế Chiến II có nhiều công ty đa quốc gia nhất so với các nước khác. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc vượt qua những thách thức:

1. Chủ nghĩa bảo hộ của châu Âu.

2. Giá trị cao của đồng franc Thụy Sĩ.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: Thụy Sĩ được bình yên phát triển trong khi châu Âu đã bị hủy diệt hai lần. Nhưng Mỹ cũng vậy nên tôi sẽ không cho rằng sự giàu có của Thụy Sĩ là do tính trung lập, đặc biệt là khi Thụy Sĩ đã trở thành nước giàu trước khi các cuộc Thế Chiến xảy ra.

Lưu ý rằng chính sách của Thụy Sĩ ngày nay cơ bản vẫn như vậy, vẫn tự do một cách bảo thủ. Khi người dân Thụy Sĩ được hỏi họ có muốn có thêm ngày nghỉ không, họ đã bỏ phiếu không. Khi được hỏi liệu họ có muốn mức lương tối thiểu không, họ đã bỏ phiếu không. Khi được hỏi liệu họ có muốn một mức lương vô điều kiện không, họ đã bỏ phiếu không…

An sinh xã hội được cao đã tạo cơ hội cho mọi người tìm được việc làm, và giáo dục dành cho mọi tầng lớp trong xã hội, phù hợp với chủ nghĩa tự do trọng dụng nhân tài.

Hệ thống này tuy không hoàn hảo nhưng ít nhất có thể phát triển cùng với người dân nhờ hệ thống dân chủ bán trực tiếp. Cũng trong Thế Chiến II, người Đức đã bán vàng cho người Thụy Sĩ để lấy tiền Thụy Sĩ nhằm thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ của kẻ thù. Các ngân hàng Thụy Sĩ vẫn mua vàng từ Đức Quốc Xã dù biết rõ rằng chúng là tài sản của những nước bị xâm lược và mọi người vẫn đang tranh cãi về điều đó. Đúng, Thụy Sĩ không sạch sẽ, nhưng có nước nào sạch sẽ chứ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *