hanh-trinh-day-nuoc-mat-cua-nhung-cap-vo-chong-“di-tim”-am-thanh-cho-con:

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng “đi tìm” âm thanh cho con:

Xúc động câu chuyện bé gái nặng vỏn vẹn 6kg “đi tìm” lại âm thanh 

Sáng ngày cuối tuần, anh Hoàng Khắc Tùng (32 tuổi) cùng vợ là chị Lê Thanh Xuân (28 tuổi) đưa con gái cùng người thân vượt quãng đường 200km từ Thanh Hoá ra Hà Nội để con được tham gia sự kiện dã ngoại do Công ty TNHH máy trợ thính và thiết bị thính học Cát Tường cùng Cochlear tổ chức. Được gặp các bạn cấy ốc tai điện tử như mình, bé Hoàng Thanh Mai (3 tuổi, tên thường gọi ở nhà là Đu Đủ) rất vui và hào hứng. 

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Anh Hoàng Khắc Tùng và chị Lê Thanh Xuân bên con gái là bé Thanh Mai tại Hà Nội sáng ngày 23/7. Ảnh: Gia Khiêm

Tại đây bé Thanh Mai cùng cha mẹ vui chơi với các hoạt động trải nghiệm, tô tượng. Dáng người nhỏ bé vỏn vẹn 10kg, ít ai biết rằng Thanh Mai đã 3 tuổi. Dù thời tiết Hà Nội có chút nắng nhưng em cùng nhiều trẻ nhỏ khác vô cùng thích thú. 

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng “đi tìm” âm thanh cho con. Clip: Gia Khiêm

Điều đặc biệt để có một cô con gái nhanh nhẹn, ăn nói lưu loát như hôm nay vợ chồng anh Tùng, chị Xuân đã trải qua hành trình 3 năm đầy khó khăn, cố gắng, trong đó có những giọt nước mắt lo lắng xen lẫn hạnh phúc…

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, chị Xuân kể, bé Thanh Mai mới sinh chỉ nặng 2,4kg, ít ngày sau bé phải nhập viện do nhiễm trùng huyết. Trải qua những ngày điều trị kháng sinh có thể là nguyên nhân khiến Thanh Mai bị khiếm thính nặng. 

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Những năm tháng qua vợ chồng chị Xuân luôn bên cạnh đồng hành cùng con “đi tìm” âm thanh. Ảnh: Gia Khiêm

“Khi con được 1 tháng tuổi vợ chồng tôi phát hiện con không có động tĩnh gì với âm thanh nên đã đưa con đến Trung tâm thính học để đo, tuy nhiên con còn quá nhỏ. Bác sĩ cho hay 3 tháng sau quay lại đo tiếp nhưng thời điểm đó đến đo không đạt nên lùi đến tháng thứ 6. 

Khi khám bác sĩ chẩn đoán con 100% không nghe được, vợ chồng tôi rất sốc, hoang mang. Song, lúc đó người làm cha mẹ như mình phải bình tĩnh. Tôi lên mạng tìm hiểu các phương pháp đối với trẻ khiếm thính như con mình ởViệt Nam và cả nước ngoài. Gia đình quyết định cho con đeo máy trợ thính để con có thể nghe được thế giới bên ngoài”, chị Xuân kể lại.

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Rất nhiều phụ huynh có con cấy ốc tai điện tử tham gia sự kiện. Ảnh: Gia Khiêm

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Ông Nguyễn Hà Thuỵ, Giám đốc Công ty TNHH máy trợ thính và thiết bị thính học Cát Tường (ngoài cùng bên phải) vỗ tay khi xem tiết mục văn nghệ do các cháu nhỏ cấy ốc tai biểu diễn. Ảnh: Gia Khiêm

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Ông Thuỵ cũng dành thời gian hỏi thăm các cháu nhỏ cấy ốc tai điện tử. Ảnh: Gia Khiêm

Anh chị cũng tìm hiểu các gia đình cấy thiết bị điện tử ốc tai nào nhiều nhất… Đến khi con được 18 tháng tuổi vợ chồng chị Xuân quyết định chọn Công ty TNHH máy trợ thính và thiết bị thính học Cát Tường để cấy ốc tai điện tử cho con. 

Thời điểm đó bé Thanh Mai nặng vỏn vẹn 6kg lại mắc thêm chứng tim bẩm sinh khiến anh chị vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, với sự động viên, bác sĩ cam kết đảm bảo con an toàn nên vợ chồng anh chị không chần chừ, do dự.

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Vợ chồng chị Xuân dành thời gian quan tâm, chăm sóc, đọc chuyện cho con nghe. Ảnh: NVCC

“Trước đó vợ chồng tôi cũng đi thăm khám nhiều nơi nhưng không ai dám nhận. Ai cũng bảo con ít nhất 8-10kg mới phẫu thuật cấy ốc tai điện tử được. Đến bây giờ tuổi nghe của con đã hơn 3 tuổi và tuổi nghe của con được 2 năm. Cấy xong rất tốt cho con. Nếu như vợ chồng tôi cũng chờ để con được 8-10kg mới mổ thì con đã không được nghe sớm như thế này. Con được cấy ốc tai sớm nên ngôn ngữ của con khá sớm, con theo kịp với các bạn. Con đã đi học mầm non được bình thường”, chị Xuân vui vẻ nói.

Những người mẹ quyết định lùi lại sự nghiệp quyết định nghỉ việc để đồng hành cùng con

Để đồng hành cùng con, hai năm đầu chị Xuân đã quyết định nghỉ công việc làm giáo viên. Khi con được 2 tuổi bập bẹ với những ngôn ngữ đầu đời, hoà nhập với mọi người chị đã quyết định làm kinh doanh online để tiện sắp xếp nhiều thời gian bên cạnh con hơn. 

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Bé Thanh Mai chăm chú tô tượng và chơi cùng mọi người. Ảnh: Gia Khiêm

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Do được cấy ốc tai sớm nên Thanh Mai vui tươi, nhanh nhẹn. Ảnh: NVCC

“Nghĩ lại đúng là quá nhiều cảm xúc với vợ chồng tôi. Vợ chồng mong ngóng chờ đợi con bật âm thanh đầu tiên. Mọi người cũng động viên không phải xót ruột, con sẽ có giai đoạn 6 tháng hoặc 1 năm sau khi cấy ốc tai điện tử sẽ nói được. Gia đình tôi tin tưởng cô giáo và bác sĩ. 

Ba tháng đầu con phải làm quen khi chuyển cách nghe từ máy trợ thính sang ốc tai điện tử. Sau 6 tháng con bắt đầu nói nhiều. Lúc đó mọi người trong gia đình phải ‘tắm’ trong ngôn ngữ với con, không lúc nào gia đình dừng, từ lúc con bắt đầu dậy… Khi con bập bẹ những câu nói đầu đời tôi rất xúc động chỉ biết khóc”, chị Xuân xúc động.

Tiếp lời vợ, anh Tùng chia sẻ, làm kiến trúc sư công việc khá bận rộn tuy nhiên anh đã sắp xếp mọi thời gian để ở cạnh con, động viên vợ chăm sóc con. “Lúc rảnh tôi đều dành thời gian cùng vợ dạy con, đọc sách, kể chuyện, dạy con tương tác nói chuyện. Thời điểm vàng này các con cần nghe và nói thì mình cần nói chuyện và dạy con nhiều”, anh Tùng nói.

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Vợ chồng anh Tùng, chị Xuân hạnh phúc bên con gái. Ảnh: Gia Khiêm

Giờ đây bé Thanh Mai có thể đi học, giao tiếp với các bạn ở trường mầm non. Ở nhà bé cũng rất thích nói chuyện và vui vẻ với mọi người trong gia đình. Chị Xuân cho hay, để con có được ngày hôm nay không chỉ sự cố gắng của vợ chồng chị mà cả gia đình ông bà hai bên nội ngoại đã luôn động viên, đồng hành cùng bé Thanh Mai.

“Tôi luôn dạy con tính tự lập. Khi con đi học tôi cũng nhờ cô luôn nghiêm khắc dạy con và xem con như bao đứa trẻ bình thường khác. Có một lần con về kể bảo “mẹ ơi sao bạn Bơ không có máy (thiết bị hỗ trợ khi cấy ốc tai điện tử) giống Đu Đủ, mẹ cũng không có máy giống Đu Đủ à… Sau con mua cho mẹ nhé!”.

Nghe câu nói của con tôi rất xúc động. Tôi hạnh phúc khi thấy con bình thường so với các bạn, không tự ti và có lòng thương, hiếu thảo với cha mẹ”, chị Xuân tâm sự.

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Các trẻ nhỏ thích thú tham gia các hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Gia Khiêm

Suốt 3 năm qua, vợ chồng chị Xuân hàng ngày đều dành thời gian đọc sách và kể chuyện cho con nghe. Cùng với đó dành nhiều thời gian đưa con gái đi chơi. Với anh chị bé Thanh Mai là tình yêu lớn, vô giá nên luôn dành thời gian chăm sóc cho con.

Cũng như vợ chồng chị Xuân, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nguyệt (33 tuổi) cùng anh Vũ Thế Anh (37 tuổi, quê Hải Dương) từng có thời gian bị sốc, khóc suốt đêm vì con trai thứ 2 là bé Vũ Phúc Khang (3 tuổi) bị điếc bẩm sinh, không thể giao tiếp với mọi người xung quanh.

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Gia đình chị Nguyệt vui vẻ bên con trai là bé Phúc Khang. Ảnh: Gia Khiêm

Bé Phúc Khang sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khi con được 16 tháng chị Nguyệt thấy con không có phản ứng với âm thanh to, con hay la hét. Mọi người trong gia đình gọi nhưng Phúc Khang không phản ứng gì nên đã đưa bé đi khám.

“Vợ chồng tôi biết tin con bị điếc bẩm sinh đã rất sốc, không nghĩ con lại bị như vậy. Ngay trong tháng đó vợ chồng tôi đã lên mạng tìm hiểu về phương pháp cấy ốc tai điện tử. Vợ chồng tôi đến Công ty TNHH máy trợ thính và thiết bị thính học Cát Tường xin tư vấn, xin số điện thoại liên hệ đến những gia đình đã cấy cho con rồi. 

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Chị Nguyệt đã tạm gác lại công việc của mình để dành thời gian đồng hành bên con trai. Ảnh: Gia Khiêm

Đến trực tiếp tôi thấy con mọi người nói được nên vợ chồng vực dậy cố gắng cấy cho con. Vợ chồng tôi cố gắng cấy cả hai tai cho con vì không có gì bằng việc cả hai tai đều nghe được và sẽ tốt hơn vì thế nào cũng trải qua một lần cấy, 1 lần gây mê, một lần đau, một lần trị liệu…”, chị Nguyệt kể.

Cấy ốc tai điện tử cho con xong vợ chồng chị Nguyệt có chút lo lắng cho sức khoẻ của con khi còn nhỏ. Tuy nhiên, để đánh đổi và mong muốn lấy được âm thanh cho con, bác sĩ động viên, đồng hành nên vợ chồng anh chị hoàn toàn yên tâm. Cả hai vợ chồng chị còn dành thời gian học lớp dành cho trẻ cấy ốc tai, học điều trị ngôn ngữ tại trung tâm của Cát Tường…

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Nhờ cấy ốc tai can thiệp sớm bé Phúc Khang tiến bộ rất nhanh, nói năng lưu loát. Ảnh: NVCC

“Để đồng hành cùng con tôi quyết định xin nghỉ công việc kế toán đang ổn định. Tôi thuê trọ ở gần trung tâm can thiệp, dành thời gian cho con. Cuối tuần được nghỉ học can thiệp hai mẹ con lại cùng nhau về nhà. Ngày nghỉ chồng tôi cũng dành thời gian bên vợ con. 

Đến nay con đã nói chuyện được bình thường. Tôi rất xúc động khi con là đứa trẻ bình thường. Con hay cười đặc biệt rất vui vẻ, hoà đồng khiến người mẹ như mình nhẹ gánh bớt lo lắng. Ông bà và tất cả mọi người ai cũng vui mừng. Chỉ một tháng nữa thôi con sẽ về quê để học hoà đồng cùng các bạn. Vợ chồng tôi rất hài lòng”, chị Nguyệt xúc động.

Hành trình đầy nước mắt của những cặp vợ chồng

Ông Nguyễn Hà Thuỵ chia sẻ tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Gia Khiêm

Tại buổi gặp gỡ với hàng trăm cha mẹ tham gia sự kiện dã ngoại cùng các gia đình, ông Nguyễn Hà Thuỵ, Giám đốc Công ty TNHH máy trợ thính và thiết bị thính học Cát Tường chia sẻ, rất vui mừng, xúc động. 

“Mặc dù thời tiết hôm nay ở Hà Nội có chút nắng nhưng việc tổ chức cho các con có buổi trải nghiệm, phụ huynh có cơ hội được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm là điều rất quý. Phía công ty chỉ mong các con nói được nhiều là điều tôi rất mừng. 

Cha mẹ hãy luôn là người đồng hành cùng con, hạn chế cho con xem điện thoại, cho con đi dã ngoại, đi chơi, tiếp xúc với các bạn… Nhiều cháu nói rất tốt, đi học bình thường thế mới đạt, làm sao cho con đi học hoà nhập được, đi học thành người mới là điều đáng quý”, ông Nguyễn Hà Thuỵ nói.

Khiếm thính là dạng khuyết tật thầm lặng và là khuyết tật giác quan duy nhất có thể chữa được. Trẻ bị khiếm thính được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ học tập, phát triển và có một tương lai bình đẳng với bạn bè cùng trang lứa.

Ngày 22/2/2023, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt và Công ty TNHH Máy trợ thính và Thiết bị thính học Cát Tường ký thỏa thuận Chương trình “Tài trợ bệnh nhân cấy ốc tai điện tử Cochlear Úc”.

Chương trình hỗ trợ 40 bệnh nhân. Mỗi trường hợp sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng – một phần chi phí mua bộ xử lý âm thanh bên ngoài của thiết bị điện cực ốc tai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *