Tại sao càng lắp thêm RAM thì lại càng bị ngốn nhiều nhỉ? Tui lắp thêm 1 thanh 8 nữa là 16 thế mà giờ vừa bật máy chưa làm gì mà đã mất 7GB rồi.
A: (Trả lời ngày 09/05/2020 bởi Travis Casey, thạc sĩ Khoa học máy tính, dạy môn Hệ điều hành tại Đại học bang Florida)
Khi tôi dạy môn Hệ điều hành, nhiều sinh viên tưởng tôi nói nhầm câu nói sau đây:
Mục đích của việc quản lý bộ nhớ trong hệ điều hành đó là khiến tốn RAM nhiều nhất trong điều kiện thực tế có thể.
“Phải là ít nhất có thể chứ nhỉ, hay ổng nhầm?”, nhiều người sẽ nghĩ như vậy. Không. Bộ nhớ là phần cứng mà người dùng bỏ tiền ra mua. Nó nhanh hơn rất, rất nhiều so với ổ cứng, thậm chí các loại ổ cứng thể rắn xịn xò nhất ngày nay vẫn thua xa. Với việc ăn RAM nhiều nhất có thể, giá trị sử dụng của bộ máy tính mới được “vắt” một cách tối đa.
Khi thứ gì đó được nạp vào bộ nhớ chính, nếu sau này cần dùng lại, nó sẽ nhanh hơn rất nhiều so việc lấy lại với từ ổ đĩa. Chứa thật nhiều thứ trong RAM giúp cả hệ thống vận hành nhanh hơn.
Nếu bạn cần bộ nhớ, thực tế nó không mất thời gian giải phóng cho bạn gì đâu. Chẳng qua chỉ cập nhật vài thứ trong một cái bảng, cũng vốn được lưu trong RAM, thậm chí là CPU nếu CPU có đơn vị quản lý bộ nhớ. Phần lớn thời gian load 1 thứ là thời gian load từ ổ đĩa vào trong RAM. Vì vậy, giữ những dữ liệu đã được load sau khi dùng xong là cách tiết kiệm thời gian nếu sau này bạn cần dùng lại đến chúng. Nhiều hệ điều hành còn chủ động load trước những dữ liệu cần thiết, phán đoán được dữ liệu nào sắp được yêu cầu trong tương lai nữa cơ.
Tưởng tượng bộ nhớ chính giống như bộ nhớ đệm cho những thiết bị lưu trữ chậm chạp hơn. Hiển nhiên, ai chả muốn vùng đệm đó càng đầy càng tốt.