Các nước ASEAN tái khẳng định Diễn đàn khu vực ASEAN là diễn đàn hàng đầu ở khu vực thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị – an ninh.
Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đã diễn ra ngày 14/6 dưới sự chủ trì của Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia. Trọng tâm thảo luận của Hội nghị là kiểm điểm tình hình và định hướng hợp tác ARF, thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, và chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ARF-30 (7/2023). Đại sứ Vũ Hồ, quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Các nước ghi nhận hợp tác ARF thời gian qua đạt tiến triển tích cực, nhất là trong triển khai các hoạt động năm giữa kỳ 2022-2023, dù khu vực vẫn chịu tác động của Covid-19; đồng thời ghi nhận nỗ lực trong triển khai Kế hoạch Hành động Hà Nội II (2020-2025). Trên cơ sở đó, các nước thảo luận và thống nhất nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh hơn thực hiện các dòng hành động còn tồn đọng trong Kế hoạch Hành động Hà Nội II cũng như xem xét các đề xuất hoạt động cho năm giữa kỳ 2023-2024.
Đại sứ Vũ Hồ, quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam
Ghi nhận mốc kỷ niệm 30 năm thành lập, các nước tái khẳng định ARF là diễn đàn hàng đầu ở khu vực thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị – an ninh, thúc đẩy xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều thách thức, ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác của khu vực, các nước nhất trí cần tăng cường hợp tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, đảm bảo ARF duy trì được khả năng thích ứng, đóng góp hiệu quả cho nỗ lực giải quyết các thách thức ở khu vực.
Thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước bày tỏ quan ngại về tác động của các điểm nóng như xung đột Nga – Ukraine, Bán đảo Triều Tiên, Myanmar… tới hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực. Theo đó, các nước kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giảm căng thẳng, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết các vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Về vấn đề Biển Đông, nhiều nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp tiếp diễn tại vùng biển chiến lược này; ủng hộ lập trường nguyên tắc chung của ASEAN về Biển Đông; đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Vũ Hồ nêu bật các đóng góp của Việt Nam cho tiến trình hợp tác ARF thời gian qua cũng như thảo luận, thống nhất các hoạt động Việt Nam đồng chủ trì trong năm giữa kỳ 2023-2024. Nhấn mạnh, sau 30 năm hình thành và phát triển, các bên tham gia cần tiến hành rà soát tổng thể tiến trình hợp tác ARF, qua đó thảo luận và đề ra các định hướng và biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo Diễn đàn có thể phát huy hơn nữa vai trò thúc đẩy tham vấn, đối thoại, xây dựng lòng tin vì hòa bình, ổn định và phát triển chung tại khu vực.
Đại sứ cũng đề nghị các nước đối tác tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN cũng như giá trị và tôn chỉ hoạt động của Diễn đàn, tận dụng cơ chế để giải quyết các khác biệt thay vì để chì trích, công kích nhau.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, quyền Trưởng SOM Vũ Hồ chia sẻ quan ngại về các điểm nóng trong khu vực cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường biển…
Theo đó, quyền Trưởng SOM đề nghị các bên tham gia ARF cần xử lý hài hòa các khác biệt để thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể và toàn diện nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức trên.
Về Biển Đông, Đại sứ chia sẻ quan ngại về các diễn biến phức tạp tiếp diễn tại vùng biển này, đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN và đề nghị các đối tác khi hoạt động tại Biển Đông cần tôn trọng các nguyên tắc này, nhất là thượng tôn luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, cùng chung tay xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Hà Hương
Nguồn Báo Công Thương