Chiều 15/6, tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo, cung cấp thông tin tiến độ bàn giao giải phóng mặt bằng để chuẩn bị cho việc khởi công dự án đường Vành đai 3.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) khẳng định: “Tất cả đã sẵn sàng để khởi công dự án vào ngày 18/6, biến giấc mơ đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh trở thành hiện thực. Chưa bao giờ thấy một dự án ở TP Hồ Chí Minh với quy mô cấp quốc gia chuyển động nhanh như vậy”.
Liên quan đến tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Lương Minh Phúc cho biết, tính đến nay, các địa phương đều vượt tiến độ đề ra. Hiện tỉ lệ bàn giao mặt bằng cho dự án đang tăng từng ngày. Đặc biệt, huyện Hóc Môn là địa phương bàn giao mặt bằng nhiều nhất, dự kiến cuối tháng 6, địa phương này sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng, sớm hơn sáu tháng.
Theo ông Lương Minh Phúc, có nhiều yếu tố để dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đạt được kết quả phấn khởi như hôm nay. Trước tiên là sự ủng hộ của người dân, các bộ ngành, cấp trung ương cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị TP Hồ Chí Minh sử dụng mọi giải pháp linh hoạt, tiến hành nhiều công việc song song để đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, cũng nhờ vào các chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư cho dự án rất tốt, tiệm cận với giá thị trường. Xuyên suốt từ khi bắt đầu triển khai dự án, TP Hồ Chí Minh xác định giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 đoạn đi qua TP Hồ Chí Minh là mô hình kiểu mẫu, bà con bị ảnh hưởng dự án sẽ có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.
Theo đó, Ban quản lý đang đề xuất vận động nhà thầu xây lắp cùng địa phương tri ân và hỗ trợ thêm cho bà con ở khu vực tái định cư. Chẳng hạn như các đơn vị sẽ khảo sát, tăng cường thêm cho bốn khu tái định cư đường Vành đai 3 như làm phòng đọc sách, khu vui chơi trẻ em hoặc thêm cây xanh công viên; đồng thời tặng quà, trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên vượt khó ở các khu tái định cư.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã vượt qua chặng đường để đến được mốc khởi công dự án. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu hoàn thành thông xe tuyến chính vào năm 2025 như mục tiêu đề ra, phía trước còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Cụ thể, thách thức đầu tiên là phải tổ chức, đôn đốc nhà thầu, tư vấn triển khai thi công trên 47km đoạn qua TP Hồ Chí Minh đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án, sau đó là yếu tố vật liệu cũng cần phải được đảm bảo. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh cũng đã có phương án, kế hoạch nhưng vẫn phải tập trung xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thi công.
Theo ông Lương Minh Phúc, với vai trò điều phối, TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Đồng Nai, Long An, Bình Dương trong quá trình thi công để đảm bảo đồng bộ toàn tuyến. “Thách thức cuối cùng là tiếp tục triển khai phần mặt bằng, từ đây đến cuối năm phải hoàn thành 100% mặt bằng. Tuy nhiên, từ những kinh nghiệm đã triển khai thời gian qua cùng với sự hỗ trợ của người dân, các cấp bộ ngành, trung ương, tôi có niềm tin dự án sẽ thi công đảm bảo tiến độ. Con đường huyết mạch nối hai miền Đông – Tây Nam Bộ, mạch lưu thông Bắc – Nam và những cơ hội làm tiền đề để TP Hồ Chí Minh cũng như cả vùng kinh tế phía Nam đóng góp được nhiều hơn cho cả nước sẽ trở thành hiện thực vào năm 2025”, ông Lương Minh Phúc nói.
Tuyến đường Vành đai 3 dài 76,34 km, đi qua TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng trọng điểm phía Nam.